Xin nhớ là hiện nay có khoảng 6.000 tỉ USD đang bơm vào các nền kinh tế thông qua các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu và chúng ta cần tiếp cận với nguồn tiền này”, ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư của VinaCapital, nhận định về dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) mà Việt Nam có thể đón nhận nhờ nhiều lợi thế sẵn có.
DÒNG VỐN LỚN VẪN CHỜ
Thực tế, sau nhận định của VinaCapital, CTBC Vietnam Equity Fund, một quỹ do CTBC Investments (Đài Loan) quản lý, đã huy động được khoảng 160 triệu USD (tương đương 4.000 tỉ đồng) để đầu tư vào Việt Nam. Đây chưa phải là con số cuối cùng, bởi Quỹ chỉ mới huy động lần đầu tiên. Quỹ có sự tư vấn của Dragon Capital và là quỹ đầu tiên rót vốn vào Việt Nam bằng đồng đô la Đài Loan (TWD).
Cùng thời điểm này, dữ liệu thống kê từ StockQ cho biết VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 8 với mức tăng 10,43%, vượt qua đà tăng của các chỉ số lớn như Russell 3000, Nasdaq, Dow Jones, S&P 500, Nikkei 225… Đà tăng trưởng mạnh mẽ của VN-Index và sự xuất hiện của CTBC Vietnam Equity Fund ngay giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 càng minh chứng sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Theo đánh giá của đại diện Vietnam Equity Fund, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất thế giới (17 FTA tính đến tháng 2.2020), giúp thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào. Ngoài ra, Việt Nam còn hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, có nguồn lao động giá rẻ và nhiều chính sách ưu đãi nên có thể gây sức ép đến vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc.
Việt Nam cũng là thị trường chứng khoán có tỉ trọng lớn thứ 2 trong rổ MSCI Frontier Markets Index, có quy mô vốn hóa và giá trị giao dịch vượt một số thị trường đã được nâng hạng lên mới nổi. Vietnam Equity Fund tin rằng, với chính sách mở cửa thị trường và nới lỏng giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài, chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang được tái cơ cấu, tỉ lệ nợ xấu đã giảm đi nên kỳ vọng đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 3-5 ngân hàng niêm yết quốc tế. Trong đó, 2 hoặc 3 ngân hàng có tổng tài sản xếp hạng trong Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á.
Đây cũng là những cơ sở để các quỹ triển khai gọi vốn. Theo ông Bùi Sỹ Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), khoảng 1 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà suy giảm từ mức đỉnh năm 2018 cũng như làn sóng COVID-19 càn quét, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người dân. Tuy nhiên, tình hình gọi vốn tại 3 quỹ do VCBF quản lý vẫn diễn ra bình thường, ở nhóm khách hàng tổ chức. Thậm chí, có đối tác còn tăng quy mô ủy thác lên thêm gần 200 tỉ đồng cho một hợp đồng ủy thác. Điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.
Đối với khách hàng cá nhân, ông Tân xác nhận, có sự suy giảm về gọi vốn ròng. Tuy nhiên, trên thị trường tiếp tục hình thành một lớp nhà đầu tư F0 luôn tìm cơ hội để tham gia thị trường vào thời điểm thích hợp. VCBF đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ và thu hút nhóm khách hàng này. Ví dụ, VCBF thực hiện các chương trình giảm giá dịch vụ (50%), giảm phí quản lý…, khuyến nghị đầu tư định kỳ hoặc đầu tư vào trái phiếu để đảm bảo lợi nhuận ổn định.
Thực tế, không riêng CTBC Investments, VCBF mà hầu hết các quỹ đầu tư đều nhìn thấy cơ hội từ thị trường Việt Nam. Trong 3 tháng gần nhất, VNM ETF đã hút ròng tổng cộng 26 triệu USD, trong đó Quỹ giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 18 triệu USD (khoảng 420 tỉ đồng). Cũng trong tháng 8, Dragon Capital công bố kế hoạch rót 1.000 tỉ đồng vào Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Việt Nam chọn lọc (VFMVSF). Các tên tuổi khác như VFMVN30ETF, VN Diamond ETF, VNFIN LEAD ETF và gần đây nhất là ETF VinaCapital VN100… cũng hút tiền ròng. Đến ngày 31.8, quy mô Quỹ VFMVN Diamond ETF đã lên khoảng 1.900 tỉ đồng, tăng gần 15 lần so với thời điểm mới ra đời.
Các quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ ETF đều đã tăng tỉ trọng đầu tư, giảm lượng tiền mặt xuống. Đơn cử, tiền mặt của Quỹ VEIL của Dragon Capital đến cuối tháng 7.2020 chỉ còn 0,87% tổng danh mục. Con số này tại Quỹ PYN Elite là 4%. Kết quả của việc nhà đầu tư rót vốn và gia tăng giải ngân là giá trị tài sản ròng của các quỹ gia tăng. Điển hình, tổng giá trị tài sản ròng của VNM ETF đạt 377,7 triệu USD, tăng 10,4 triệu USD chỉ sau 2 tuần (7.8-21.8). Riêng VOF của VinaCapital, các quỹ của VCBF… cũng đạt hiệu quả đầu tư tốt hơn so với diễn biến chỉ số VN-Index.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc các quỹ đầu tư thu hút tiền trở lại là điểm sáng, hứa hẹn dòng vốn ngoại có thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam tích cực hơn. Ở nhóm quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity – PE Fund), ngoài những tên tuổi như Mekong Capital, Excelsior, VI Group…, thị trường chứng kiến sự tham gia tích cực của cả các quỹ đầu tư chứng khoán.
Tháng 7 vừa qua, tỉ trọng đầu tư vào nhóm công ty tư nhân của Quỹ VOF do VinaCapital quản lý đã lên đến 24% tổng danh mục. Mới đây, sau khi thoái vốn khỏi Công ty Sữa Quốc tế IDP, Quỹ VOF tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư mới vào các công ty tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Khoản đầu tư này, cùng với danh mục đầu tư vào Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa, Bệnh viện Tâm Trí, đã đẩy lĩnh vực y tế – dược phẩm lên hơn 8% NAV của VOF.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của những người trong ngành, với một thị trường đa phần là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, làm ăn tự phát, quản trị điều hành ít theo thông lệ quốc tế, các quỹ đầu tư tư nhân đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm công ty thỏa mãn các tiêu chí để đầu tư giải ngân.
SIẾT TIÊU CHÍ RÓT TIỀN
Thực tế, quỹ PE ngày càng khắt khe trong việc đặt ra những tiêu chí đầu tư, sàng lọc. Về lĩnh vực, các quỹ đầu tư đều quan tâm đến những công ty hoạt động trong các ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng và còn cơ hội phát triển như chăm sóc sức khỏe, dược, y tế, giáo dục, các ngành phục vụ người tiêu dùng (sản xuất, phân phối, bán lẻ, logistics…).
Ông Hoàng Xuân Chính, CEO Excelsior Capital ở Việt Nam, cho biết để lọt vào mắt xanh của Excelsior, các doanh nghiệp phải có mô hình kinh doanh đã kiểm chứng thành công và đạt doanh thu khoảng 10 triệu USD trở lên, hoặc đó là những doanh nghiệp có triển vọng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo ông Chính, một trong những tiêu chí quan trọng nhất mà Quỹ sẽ nhắm tới là chất lượng nhân sự (tầm nhìn, tính chính trực, năng lực thực thi…), được thể hiện qua các bằng chứng cụ thể trong quá khứ.
Mekong Capital, VI Group… cũng đặt ra những tiêu chí tương tự. Theo quan điểm của lãnh đạo quỹ PE, khi môi trường kinh doanh đã thay đổi, khi doanh nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu, thì các công ty cần thỏa mãn các tiêu chí khắt khe về quy mô, vốn, quản trị, vận hành… để thay đổi, đủ năng lực cạnh tranh để đạt đến những mức tăng trưởng, mở rộng đột phá trên phạm vi khu vực, thế giới.
Ở các quỹ đầu tư chứng khoán, mức độ sàng lọc, cơ cấu danh mục vẫn thường xuyên diễn ra. Quỹ VOF nhận định, trong bối cảnh môi trường kinh tế vẫn còn bất ổn do đại dịch COVID-19, với gần 5% NAV tiền mặt trong tay, tính đến cuối tháng 7, VOF sẽ thận trọng trong chọn lọc đầu tư. Tại ngày 31.7.2020, quy mô danh mục VOF đạt 853,6 triệu USD, trong đó tỉ trọng cổ phiếu niêm yết và UPCoM là 70,9%.
Còn HPG (Hòa Phát), KDH (Khang Điền), ACV (Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam), PNJ (Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận)… tiếp tục là những cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất của Quỹ VOF. Riêng CTBC Vietnam Equity Fund đặt thêm tiêu chí cổ phiếu phải đang niêm yết tại sàn TP.HCM (HOSE), Hà Nội (HNX). Ngoài ra, danh mục đầu tư của CTBC Vietnam Equity Fund còn bao gồm VFMVN Diamond ETF, một chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số VN Diamond Index, do Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) vận hành.
THÊM “ĐIỀU KIỆN XANH”
Sau thời gian dài lập nghiệp, tham gia ngành đầu tư tài chính và gặt hái không ít thành quả, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, thấy rằng câu chuyện và quyền lợi của Dragon Capital luôn có liên quan đến nhiều người, nhiều bên, nhiều thành phần… Công ty cần hành động có trách nhiệm cho những vấn đề này.
Từ hàng chục năm nay, Dragon Capital đã chấp nhận mất khoảng 20% cơ hội đầu tư khi lập thêm bộ câu hỏi chấm điểm ESG, đưa thêm những quy trình, tiêu chí về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vào trong các lựa chọn và đầu tư của mình. Ban đầu, từ năm 2010, đây là phương pháp Dragon Capital tự lập, kêu gọi hợp tác, quan tâm, gia tăng nhận thức, cùng nhau tháo gỡ và có những điều chỉnh, thay đổi dần. Hiện nay, Dragon Capital tiến lên một bước nữa, xem những tác nhân góp phần gây ra biến đổi khí hậu là một rủi ro trong đầu tư và cần quản trị rủi ro này.
Ông Dominic cho rằng, trong tiêu chí ESG để đánh giá mức độ phát triển bền vững ở một doanh nghiệp, người ta chỉ mới chú ý vấn đề quản trị (Governance) và cộng đồng xã hội (Social), còn môi trường (Environmental) lại ít được lưu tâm, trong khi đây lại là yếu tố quan trọng. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC), ngay cả khi con người cố gắng hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, vốn là mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015, băng vĩnh cửu sẽ vẫn tan chảy và giảm 25% diện tích vào năm 2100.
“Hễ đã làm ăn thì không thể chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà cần tính đến vấn đề này, vì tương lai thế hệ mai sau”, ông Dominic nhấn mạnh. Thực tế, chống biến đổi khí hậu cũng là xu hướng của thế giới. Tiêu biểu, HBSC đã tích cực theo đuổi các mục tiêu làm sao giúp thế giới giảm phát thải carbon. Ngoài ngừng cấp vốn cho các nhà máy điện than, các mỏ than nhiệt, Tập đoàn HSBC còn cam kết hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo, những công nghệ phát thải ít carbon.
Ở Việt Nam, tháng 7 vừa qua, HSBC Việt Nam đã ký kết hợp đồng tín dụng xanh nhằm tài trợ dự án xây dựng nhà máy nhựa tái chế của Nhựa Duy Tân. Đây là khoản tín dụng xanh đầu tiên HSBC thu xếp cho một doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số 100 tỉ USD mà ngân hàng này cam kết sử dụng cho tài trợ và đầu tư bền vững trên toàn cầu cho đến năm 2025.
Trước đó, đầu năm 2020, VPBank ký kết “Hợp đồng cho vay tín dụng xanh” trị giá 212,5 triệu USD với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các nhà đồng tài trợ Ngân hàng Bocom Trung Quốc, Tổ chức Tài chính phát triển Đức DEG, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, Tổ chức Tài chính quốc tế đa phương IIB, Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc và Ngân hàng Thai Kiatnakin Bank Public Company Limited…
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết nhiều nhà đầu tư bền vững, quỹ thiện nguyện vì môi trường bày tỏ sự quan tâm tới trái phiếu xanh của Việt Nam. Cơ quan quản lý đang nỗ lực ra mắt sản phẩm mới và triển khai các giải pháp để tiếp sức cho thị trường chứng khoán xanh sôi động.
Đối với thị trường cổ phiếu niêm yết, HOSE đã thí điểm thành công Chỉ số Phát triển bền vững phiên bản 1.0 (chỉ số VNSI), để đánh giá theo các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị ở công ty. Qua 3 năm vận hành, rổ chỉ số VNSI được giới đầu tư chú ý, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài. Giá trị giao dịch trung bình của những cổ phiếu trong bộ chỉ số này cao hơn khoảng 4,4 lần so với các cổ phiếu khác. Quý III năm ngoái, tổng giá trị vốn hóa VNSI đã đạt khoảng 44 tỉ USD, chiếm 28,7% tổng giá trị vốn hóa thị trường và tương đương 18,48% GDP.
Rõ ràng, đã có nhiều thay đổi trong khẩu vị và lựa chọn của các quỹ đầu tư. Trước mắt, với điều kiện kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn ẩn chứa nhiều lo ngại, bất ổn trong quan hệ Mỹ – Trung, bầu cử Tổng thống Mỹ…, ông Bùi Sỹ Tân cho biết, VCBF sẽ thận trọng hơn trong ngắn hạn. Tỉ trọng phân bổ cổ phiếu trong các quỹ cổ phiếu và quỹ cân bằng được VCBF duy trì thấp hơn so với đầu năm và cả năm ngoái.
Đối với danh mục cổ phiếu, VCBF phân bổ tập trung nhiều hơn vào những công ty/ngành ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch và các công ty lớn. Với trái phiếu doanh nghiệp, VCBF cũng áp dụng các phương pháp đánh giá thận trọng hơn, thông qua sử dụng những giả định tiêu cực nhiều hơn. Dù thận trọng ngắn hạn nhưng ông Tân có niềm tin về thị trường trong dài hạn. VCBF cho rằng, khi thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội để tăng tỉ trọng phân bổ cổ phiếu.