Trong khi dòng vốn từ các quỹ chủ động có xu hướng rút ra khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam (ngoại trừ một số giao dịch thỏa thuận giá trị đột biến như tại VHM) thì dòng vốn thụ động, chảy qua các quỹ ETF tại Việt Nam đang có xu hướng mạnh lên trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau sự xuất hiện của quỹ VFMVN Diamond.
Bán ròng hơn 5.000 tỉ đồng
Cũng giống như TTCK các nước khác trên toàn thế giới, dưới tác động của dịch Covid-19, TTCK Việt Nam có biến động rất mạnh trong chín tháng đầu năm nay. Cụ thể, chỉ số VN-Index lao dốc mạnh trong quí 1 nhưng đã dần hồi phục trong hai quí tiếp theo, thậm chí gần như lấy lại được những gì đã mất nhờ dòng tiền mới của các nhà đầu tư trong nước.
Trên cơ sở đó, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của quí 3, VN-Index đứng ở mức 905 điểm, chỉ còn giảm 5,8% so với cuối năm 2019. Trái ngược với VN-Index, chỉ số HNX-Index thậm chí còn tăng đến 30%, lên mức 132,9 điểm. Tương tự, UpCom-Index cũng tăng 9,14% lên 61,7 điểm.
TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các dòng vốn “nóng” vốn được hưởng lợi rất lớn từ dòng tiền rẻ khi ngân hàng trung ương các nước mạnh tay cắt giảm lãi suất và thực hiện nới lỏng định lượng (QE). |
Tuy vậy, điểm trừ lớn nhất đối với thị trường trong chín tháng qua là việc khối ngoại bán ròng rất mạnh trên cả ba sàn HOSE, HNX và UpCom. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 4,1 tỉ cổ phiếu, nhưng bán ra gần 5,2 tỉ đơn vị.
Giá trị mua vào ở mức 138.800 tỉ đồng còn giá trị bán ra là 144.500 tỉ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 1,1 tỉ cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 5.700 tỉ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng gần 2.400 tỉ đồng.
Điểm đáng chú ý trong giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HOSE là dòng vốn này mua ròng đến gần 22.000 tỉ đồng thông qua phương thức thỏa thuận. Do vậy, nếu loại trừ đi giao dịch thỏa thuận thì trên thực tế, khối ngoại đã bán ròng lên đến 24.389 tỉ đồng (hơn 1 tỉ đô la Mỹ) thông qua giao dịch khớp lệnh trong chín tháng đầu năm.
VHM đứng đầu về giá trị mua ròng với 18.361 tỉ đồng, chủ yếu nhờ giao dịch thỏa thuận (hơn 19.872 tỉ đồng) hồi giữa tháng 6. Bên mua là một nhóm nhà đầu tư do quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR, Mỹ) đứng đầu, trong đó có quỹ đầu tư Temasek (Singapore) đã hoàn tất giao dịch mua lại hơn 200 triệu cổ phần VHM với giá trị giao dịch lên tới 15.100 tỉ đồng, tương đương 650 triệu đô la Mỹ.
Đứng thứ hai trong danh sách mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài là chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND với giá trị hơn 2.000 tỉ đồng, cũng chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận (1.830 tỉ đồng).
Tiếp đến, PLX và PGD là hai cổ phiếu được khối ngoại mua ròng trên 1.000 tỉ đồng sau chín tháng nhưng đa phần cũng đến từ giao dịch thỏa thuận.
Ngoài ra, còn phải kể đến chứng chỉ quỹ ETF FUESSVFL với giá trị mua ròng 718 tỉ đồng.
Ở chiều ngược lại, VIC bị khối ngoại bán ròng gần 3.200 tỉ đồng. HPG đứng sau với giá trị 2.809 tỉ đồng. Hai mã VJC và VRE cũng đều bị bán ròng trên 1.000 tỉ đồng.
Trái chiều giữa dòng vốn chủ động và thụ động
Từ diễn biến trên có thể thấy có một sự tương phản rất rõ giữa dòng vốn ngoại đến từ các quỹ chủ động và thụ động cũng như giữa các giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận. Trong khi dòng vốn từ các quỹ chủ động có xu hướng rút ra khỏi TTCK Việt Nam (ngoại trừ một số giao dịch thỏa thuận giá trị đột biến như tại VHM) thì dòng vốn thụ động, chảy qua các quỹ ETF tại Việt Nam đang có xu hướng mạnh lên trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau sự xuất hiện của quỹ VFMVN Diamond.
Lý do là danh mục của quỹ VFMVN Diamond bao gồm những cổ phiếu cơ bản tốt nhưng đã hết room ngoại. Đây vốn là “món ăn” ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài. Có thể nói, sự thành công của quỹ VFMVN Diamond đã cho thấy dòng vốn ngoại vẫn luôn chực chờ đổ vào Việt Nam nếu có các sản phẩm, hàng hóa đầu tư chất lượng và hợp khẩu vị. Sự thành công của quỹ VFMVN Diamond có thể thúc đẩy sự nở rộ của các quỹ ETF tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng dòng vốn ETF có đặc điểm là “vào nhanh, ra nhanh”. Hiện tại Việt Nam đang là một điểm sáng về tăng trưởng GDP xét trên bình diện toàn cầu. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch bệnh cũng đang rất tốt. Đó là hai điểm cộng nổi bật khiến TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các dòng vốn “nóng” vốn được hưởng lợi rất lớn từ dòng tiền rẻ khi ngân hàng trung ương các nước mạnh tay cắt giảm lãi suất và thực hiện nới lỏng định lượng (QE).
Câu hỏi đặt ra là liệu dòng vốn này có sớm đảo chiều rút ra khi rủi ro trên toàn cầu gia tăng hay không? Câu trả lời là có thể xảy ra một khi sự bất ổn trên thị trường toàn cầu gia tăng. Đó có thể là làn sóng thứ hai của dịch bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn dự báo khi kết hợp với dịch cúm mùa tại các nước châu Âu và Mỹ trong các tháng tới; hoặc cũng có thể là những bất định xoay quay cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong bốn tuần tới, hay đơn giản như là sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump mới nhiễm SARS-CoV-2 trong tuần trước…
Tất cả những biến số trên khi cộng hưởng vào cùng một thời điểm có thể khiến cho các dòng vốn “nóng” đảo chiều một cách nhanh chóng.
Đối với các quỹ chủ động, phần nhiều trong số này hoạt động dưới phương thức quỹ đóng, tức dòng vốn được huy động ngay từ đầu và chỉ dừng hoạt động sau một thời gian nhất định. Nhà đầu tư không được rút vốn từ quỹ giữa chừng nhưng việc huy động thêm vốn mới vào thời điểm hiện tại là khá khó khăn khi mức độ bất định của kinh tế thế giới vẫn cao.
Tuy vậy, trong thời gian tới, TTCK Việt Nam vẫn có thể kỳ vọng một số thương vụ lớn đến từ các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân (quỹ P/E) rót vốn vào các công ty đầu ngành, nhiều tiềm năng tăng trưởng trên sàn, với các ứng cử viên tiêu biểu là các cổ phiếu họ VIC, Masan hay một số ngân hàng thương mại cổ phần bán cổ phần cho đối tác chiến lược.
Nguồn dẫn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/309116/trai-chieu-giua-cac-dong-von-ngoai.html