Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chỉ mới chấp thuận việc chuyển đổi 3/8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam từ hình thức công – tư (PPP) sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn Nhà nước, song nguy cơ không tìm được nhà đầu tư tư nhân tham gia 5 dự án PPP còn lại đang đến gần.
Theo kế hoạch, ngày hôm nay, 12-10 sẽ mở thầu 2 dự án PPP trên tuyến cao tốc Bắc-Nam: Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt nhưng các ban quản lý dự án đều thấp thỏm về tình trạng có thể không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Trước đó, khi mở thầu 3 dự án, trong đó có dự án Diễn Châu- Bãi Vọt nêu trên và Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, đều có từ 2-3 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Có dự án như Nghi Sơn- Diễn Châu có các nhà đầu tư liên danh đã trúng tuyển vòng sơ tuyển (vòng kỹ thuật) nhưng cũng không đến nộp hồ sơ vòng tiếp theo. Dự án Nghi Sơn-Quốc lộ 45 cũng có các liên danh nổi tiếng qua vòng sơ tuyển song đến hạn không đến nộp hồ sơ dự thầu.
Như vậy, sau 3 dự án PPP được Quốc hội phê duyệt chuyển sang hình thức đầu tư công và đã chính thức khởi công gói thầu thứ nhất hôm 30-9 bao gồm: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây và Vĩnh Hảo-Phan Thiết cùng với 2 dự án đầu tư công ban đầu là Cao Bồ- Mai Sơn và Cam Lộ-La Sơn đang xây dựng thì 5 dự án PPP còn lại chưa được UBTVQH phê duyệt chuyển hình thức đầu tư. Cả 5 dự án PPP đều trong tình trạng chờ đợi nhà thầu.
Nguyên nhân chính không nằm ở độ khó hay phức tạp của các dự án mà do các liên danh nhà thầu đủ điều kiện qua vòng sơ tuyển rất khó đáp ứng được yêu cầu tín dụng của các dự án. Cụ thể, các ngân hàng thương mại trong nước không mặn mà với việc giải ngân vốn tín dụng cho các dự án này.
Năm dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đang mời thầu có tổng vốn đầu tư khoảng 39.530 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 51%, (hơn 20 ngàn tỉ đồng), vốn nhà đầu tư 41% (xấp xỉ 20 ngàn tỉ đồng, bao gồm 20% trong số này là vốn chủ sở hữu). Như vậy, vốn tín dụng cho các dự án, cung cấp bởi các ngân hàng thương mại, vào khoảng 15,5 ngàn tỉ đồng (tính trung bình khoảng 3.100 tỉ đồng/dự án) nhưng đây lại là thách thức rất lớn với các nhà đầu tư.
Các ngân hàng không mặn mà giải ngân cho các dự án PPP giao thông, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước là do dư nợ của các dự án BOT giao thông tính đến hết 2019 khoảng 102 ngàn tỉ đồng. Trong đó 59/116 dự án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, không đủ trả nợ ngân hàng mà cơ chế bảo lãnh doanh thu không có; 43/116 dự án đang phải cơ cấu chuyển đổi nhóm nợ xấu hơn với tổng số tiền hơn 66 ngàn tỉ đồng; 10 dự án có khả năng chuyển ngay sang nợ xấu với số tiền gần 15 ngàn tỉ đồng…
Nếu đến 25-10, 5 dự án PPP trên tuyến cao tốc Bắc-Nam kể trên không có nhà thầu nộp hồ sơ và quá trình mời thầu không thể diễn ra theo đúng kế hoạch thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ và UBTVQH xin ý kiến tiếp.
Như vậy, nguy cơ Nhà nước “nhận” lại 5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam để đầu tư hoàn toàn bằng vốn đầu tư công đang đến gần.
Nguồn dẫn: Lan Nhi/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài gốc: https://diaoc.thesaigontimes.vn/309304/nguy-co-5-du-an-ppp-duong-cao-toc-khong-tim-duoc-nha-dau-tu-tu-nhan.html