Các cơ quan liên quan sẽ phải bảo đảm thủ tục pháp lý cho việc khởi công một số hạng mục Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Đây là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I hôm 10/10.
Cụ thể, tại Thông báo số 360/TB – VPCP ngày 12/10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương Hội đồng thẩm định nhà nước do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch Hội đồng, đã rất tích cực thực hiện thẩm định với trách nhiệm cao, giảm 2.577,8 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV và Bộ GTVT.
Theo quy định của pháp luật, Hội đồng thẩm định nhà nước chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung thẩm định. Vì vậy, ý kiến kết luận và kiến nghị của Hội đồng là cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án.
Để hoàn thiện hơn chất lượng của Báo cáo Nghiên cứu khả thi theo đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26/11/2019, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực của Hội đồng) chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT có ý kiến rõ hơn về nội dung thẩm định, đặc biệt là suất vốn đầu tư, cơ sở pháp lý của việc giao ACV làm chủ đầu tư Dự án thành phần 3 và căn cứ pháp lý của các cơ chế đặc thù; trên cơ sở đó, kết luận rõ Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án có đủ điều kiện hay không để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/10/2020.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét cụ thể, ký Quyết định phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án và nhấn mạnh: tinh thần là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đại, đảm bảo tiến độ, đảm bảo đồng bộ, chất lượng công trình và phát huy hiệu quả lâu dài.
Thủ tướng hoan nghênh UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tốt Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và yêu cầu Tỉnh tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 356/TB-VPCP ngày 9/10/2020 của Văn phòng Chính phủ, sớm bàn giao mặt bằng phần diện tích thuộc giai đoạn I theo đúng cam kết; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại của toàn bộ dự án; có giải pháp quản lý chặt chẽ diện tích đã giải phóng mặt bằng, tránh tái lấn chiếm.
«Để bảo đảm thủ tục pháp lý cho việc khởi công một số hạng mục công trình của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I trước ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ công trình», Thủ tướng chỉ đạo.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Hội đồng thẩm định Nhà nước ký Báo cáo số 6359/BC – HĐTĐNN gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I.
Tại Báo cáo số 6359/BC – HĐTĐNN kiến nghị Thủ tướng quyết định đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Theo đó, chủ đầu tư được xác định theo phương thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần, cụ thể như sau:
Dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước liên ngành (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ. Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BTL hoặc BLT.
Dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được kiến nghị là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 4 – các công trình dịch vụ, trong đó có nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh; khu công nghiệp hàng không; khu logistics hàng không… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.
Bên cạnh đó, Hội đồng Thẩm định Nhà nước cho biết kết quả thẩm tra, tổng mức đầu tư dự án được Tư vấn thẩm tra xác định theo Nghị định 32 là hơn 109.200 tỉ đồng (tương đương hơn 4,67 tỉ USD), giảm hơn 2.400 tỉ đồng (tương đương hơn 109 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Nếu áp theo Nghị định 68, con số này là hơn 109.100 tỉ đồng (tương đương 4,67 tỉ USD), giảm hơn 2.500 tỉ đồng (tương đương 114,3 triệu USD).
Báo cáo cho biết, các nguyên nhân chủ yếu làm thay đổi tổng mức đầu tư dự án so với báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ GTVT gồm: chi phí xây dựng giảm 2.222 tỉ đồng, chi phí thiết bị tăng 443 tỉ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án, dự phòng… giảm 677,9 tỉ đồng.
Được biết, mục tiêu Dự án là xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng quốc gia, hướng tới là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Trong giai đoạn I (2020 – 2025), Dự án sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Nguồn dẫn: Anh Minh/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/khoi-cong-mot-so-hang-muc-san-bay-long-thanh-truoc-dai-hoi-dang-xiii-d131198.html