Mặt bằng lãi suất thấp kéo dòng tiền vào chứng khoán; kênh đầu tư công được đẩy mạnh; kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trong năm 2021 là các yếu tố hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư và tạo triển vọng tích cực cho thị trường chứng khoán những tháng cuối năm.
Sau hai quý đầu năm giảm mạnh, kết phiên cuối tháng 9, VN-Index chốt trên 905 điểm và thu hẹp mức giảm của chín tháng đầu năm xuống dưới 6%. VN-Index tiếp tục tăng trong các phiên giao dịch tháng 10, chốt phiên cuối tuần rồi ở 924 điểm. Điều gì khiến thị trường tăng liên tục?
Dữ liệu kinh tế vĩ mô quý III cho thấy GDP tăng 2,6%, cao hơn nhiều so với mức 0,4% của quý II. Phòng phân tích công ty Chứng khoán Maybank KimEng đánh giá sự phục hồi trên nhiều khu vực, dẫn đầu là khu vực dịch vụ (tăng 2,8% so với -1,9% trong quý II); khu vực công nghiệp – xây dựng và nông lâm nghiệp cũng phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trong quý III.
Theo bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, giám đốc nghiên cứu phân tích khách hàng cá nhân, công ty Chứng khoán MayBank KimEng,Việt Nam là quốc gia duy nhất trong nhóm ASEAN-6 thoát khỏi suy thoái trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng sự xuất hiện của “làn sóng thứ hai” khiến đà phục hồi chậm lại dù Việt Nam lần thứ hai kiểm soát thành công dịch bệnh.
Chuyên gia từ MBKE kỳ vọng sự phục hồi sẽ tiếp tục nhưng tốc độ chậm hơn, theo đó hạ dự báo tăng trưởng GDP 2020 xuống 2,9% từ mức 3,6% trước đó và nâng mức tăng GDP năm 2021 lên 6,8% từ mức dự báo 6,6%.
Bất chấp các dữ liệu vĩ mô, thị trường chứng khoán đã phục hồi mạnh trong quý III, tăng gần 10%. Thị trường thu hút dòng tiền mạnh lênh với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên 4.900 tỉ đồng trong chín tháng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm đã có gần 223.000 tài khoản mở mới, vượt con số của cả năm 2019.
“Chúng tôi cho rằng số liệu vĩ mô của Việt Nam, đặt trong bối cảnh chung, không ảnh hưởng quá tiêu cực đối với thị trường chứng khoán,” theo bà Hoàng Việt Phương, giám đốc khối phân tích và tư vấn đầu tư công ty chứng khoán SSI nói với Forbes Vietnam.
Trong khi đó, theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc khối phân tích công ty chứng khoán Yuanta, kinh tế Việt Nam đang hồi phục những tháng gần đây, nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp trên thế giới nên đà hồi phục vẫn còn chậm khi các doanh nghiệp chưa thể khôi phục hoàn toàn sản xuất.
“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán thường phản ứng tích cực trước khi nền kinh tế hồi phục hoàn toàn,” ông Minh nói với Forbes Việt Nam.
Một yếu tố đang hậu thuẫn tích cực cho thị trường là dòng vốn rẻ từ kênh tiền gửi đang chảy vào chứng khoán. Trong vòng 12 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất, đưa trần lãi suất tiền gửi giảm 2% so với đầu năm, hiện quanh 4% cho kỳ hạn dưới 6 tháng.
“Khi lãi suất tiền gửi giảm dòng tiền sẽ dịch chuyển sang các kênh đầu tư hấp dẫn hơn trong đó có cổ phiếu,” bà Phương nói và cho rằng lãi suất tiền gửi trong quý IV có thể giảm thêm do đầu ra tín dụng vẫn yếu, lãi suất điều hành mới không tác động nhiều đến lãi suất tiền gửi do hầu hết các ngân hàng đã huy động ở mức thấp hơn trần lãi suất.
Cũng theo bà Phương, bên cạnh lãi suất hậu thuẫn, tâm lý nhà đầu tư cũng đã quen dần với diễn biến dịch bệnh và việc kiểm soát dịch hiệu quả khi bùng phát trở lại.
Ông Minh cũng cho rằng với việc duy trì lãi suất huy động thấp như hiện nay và thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục là cơ hội cho dòng tiền tiếp tục tìm đến các kênh đầu tư rủi ro cao như cổ phiếu. “Dự báo dòng tiền vẫn hướng vào thị trường chứng khoán những tháng cuối năm,” theo ông Minh.
Bên cạnh lãi suất là việc thúc đẩy đầu tư công của chính phủ cũng giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triền vọng thị trường cuối năm. SSI Research đánh giá đây chính là một trong những điểm khác biệt tạo nên tăng trưởng của thị trường trong quý III so với các khu vực khác.
Dữ liệu Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chín tháng đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Theo bà Phương, với vai trò là một trong những động lực chính giúp nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng từ năm 2021 thì đầu tư công sẽ mang lại nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán trong dài hạn, bao gồm ở cả quý cuối năm do chứng khoán mang tính kỳ vọng rất cao.
MayBank KimEng đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có độ hấp dẫn cao khi so sánh với hầu hết các kênh đầu tư khác mà nhà đầu tư có thể lựa chọn. Dự báo sẽ thuận lợi hơn nữa khi các dòng vốn mới tìm đến thị trường Việt Nam qua các quỹ hoán đổi danh mục gần đây như VFMVN Diamond và SSIAM VNFinlead liên tục huy động thành công lượng tiền lớn.
Bên cạnh đó, việc thị trường Kuwait có thể được nâng hạng trong tháng 11 tới sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có tỷ trọng lớn nhất trong nhóm chỉ số thị trường cận biên của MSCI, có thể hút ròng thêm một lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên.
Ở khía cạnh rủi ro, bà Tuyền lưu ý nhà đầu tư sẽ phải quan tâm đến những thay đổi trọng yếu từ tình hình thế giới, có thể xảy ra xoay quanh hai chủ đề về bầu cử tổng thống tại Mỹ và các diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19.
SSI Research dự đoán thị trường khả năng có những biến động mạnh và xuất hiện đợt đảo chiều, có thể lùi về vùng hỗ trợ 880 điểm trước khi hướng trở lại mốc 920 điểm.
Ngoài ra, câu chuyện nợ xấu của ngân hàng dưới tác động của dịch bệnh cũng là mối quan ngại mà công ty chứng khoán KIS Việt Nam đề cập đến trong báo cáo mới nhất trong tháng 10 cùng với tình hình thu hút FDI chậm lại có thể hãm đà tăng của thị trường chứng khoán những tháng cuối năm.
Nguồn dẫn: Tạp chí Forbes Việt Nam
Link bài gốc: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/ky-vong-gi-vao-chung-khoan-nhung-thang-cuoi-nam-13338.html