Cơ hội cho Việt Nam trong xu hướng du lịch biển đang lan rộng khắp các vùng biển Đông Nam Á.
Vài năm trở lại đây, đặc biệt từ khi dịch bệnh xuất hiện, Đông Nam Á ngày càng được nhiều khách quốc tế chọn làm điểm đến du lịch mặt biển thay cho Địa Trung Hải. Theo xu hướng này, dù chưa cạnh tranh được với Thái Lan, Indonesia về hạ tầng, pháp lý, marketing…, du lịch mặt biển Việt Nam đang có một số tín hiệu tích cực từ phía tư nhân.
Nhóm khách siêu sang
Theo một báo cáo của SuperyachtNews với dữ liệu từ MarineTraffic, vùng Đông Nam Á ngày càng thu hút nhiều siêu du thuyền dài hơn 30 m. Siêu du thuyền đến Thái Lan tăng từ 27 chiếc trong năm 2015 lên 41 chiếc vào năm 2018. Indonesia là địa điểm trọng yếu khác trong vùng với 38 siêu du thuyền cập bến vào năm 2018, so với con số 28-31 chiếc trong 3 năm trước đó.
Mới đây, đảo Lombok của nước này càng nổi đình nổi đám khi trở thành bối cảnh trong một tập của chương trình truyền hình thực tế Keeping Up with the Kardashians, ghi hình lại cảnh tượng nghỉ dưỡng của gia đình tỉ phú Mỹ Kardashian tại phía Tây Nam đảo Lombok trên chiếc du thuyền thuê đời mới nhất.
Du lịch mặt biển, một phân khúc nằm trong du lịch biển rất được giới trung lưu phương Tây ưa chuộng vì gắn với tính thể thao và khám phá, đặc biệt là luôn đi cùng với các loại du thuyền, thuyền buồm hoặc ca-nô thể hiện trình độ kỹ thuật cao. Đông Nam Á đang nổi lên như một điểm đến du lịch mặt biển hấp dẫn nhờ khí hậu, cảnh quan và đặc biệt là còn nhiều hòn đảo hoang sơ xinh đẹp.
Việt Nam những năm gần đây đã xuất hiện nhiều câu lạc bộ thuyền buồm với một số cuộc đua cố gắng hướng đến chuyên nghiệp. Nhu cầu du lịch bằng đường sông, đường biển của các gia đình thu nhập khá cũng tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều công ty lữ hành cũng tập trung khai thác du lịch, giải trí, thư giãn, ngắm cảnh… trên sông, trên biển.
Bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phân khúc đóng tàu du lịch xuất khẩu đối với dòng vận tải hạng nặng, siêu du thuyền có sức chứa hàng ngàn khách không còn phát triển mạnh mẽ như trước. Ngược lại, phân khúc tàu du lịch hạng vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu cá nhân, khai thác du lịch, giải trí lại phát triển mạnh.
Gần đây, người dân TP.HCM thường chứng kiến những chiếc thuyền buồm 2 thân trị giá triệu USD cập bến Bạch Đằng (quận 1) để đón khách du ngoạn sông Sài Gòn. Những chiếc thuyền buồm phục vụ thể thao và du lịch này được xuất xưởng tại Việt Nam, do chính tay người thợ Việt góp phần tạo nên.
Ông Richard Ward, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Corsair Marine International, chủ nhân 2 hãng thuyền buồm Seawind và Corsair Marine, là người nổi tiếng trong giới thuyền buồm Đông Nam Á. Năm 2008, do khủng hoảng kinh tế, ông đã dời nhà máy đóng thuyền buồm của mình tại Úc sang Việt Nam. Một trong hai lý do khiến ông chọn Việt Nam là vì nơi đây có đường bờ biển rất đẹp dài hơn 3.260 km.
Theo ông Richard Ward, thị trường sản xuất thuyền buồm rất tiềm năng với doanh thu hàng tỉ USD mỗi năm. Các quốc gia ở Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia… đã mở cửa, có hành lang tốt cho sản xuất, kinh doanh lẫn giới chơi thuyền buồm và họ đã có nguồn thu lớn từ lĩnh vực này.
Đặc biệt, đảo Fiji có nguồn thu khoảng 300 triệu USD từ các dịch vụ thuyền buồm như cung cấp thực phẩm, bến đỗ, xăng dầu… Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để phát triển ngành này như mặt nước, biển, đảo đẹp, nguồn nhân lực trẻ, ham học hỏi. Từ những lợi thế đó, một số địa phương có thể phát triển trung tâm thuyền buồm dành cho cộng đồng và điểm tập kết của giới chơi thuyền buồm thế giới.
Cơ hội cho ngành đóng tàu du lịch
Ước tính, ngành công nghiệp tàu thuyền giải trí trên thế giới sẽ dạt doanh thu khoảng 230 tỉ USD vào năm 2024. Nguồn doanh thu khổng lồ này gồm giá trị của tàu và du thuyền giải trí được sản xuất, sản xuất động cơ và thiết bị hàng hải chuyên dùng. Cuối tháng 8 vừa qua, Công ty Đóng và Sửa tàu Hải Minh (Nhà máy X51 – TP.HCM) đã bàn giao tàu du lịch tiêu chuẩn 5 sao Aqua Nera cho Công ty Aqua Expeditions (trụ sở chính tại Singapore).
Theo ông Dương Quang Hưng, Giám đốc Dự án Công ty Aqua Expeditions, Hải Minh và Nhà máy X51 đang đàm phán để tiếp tục sửa chữa và đóng mới siêu du thuyền hàng đầu Đông Nam Á thuộc đội tàu của Công ty.
Tháng 11 tới, Aqua sẽ gia nhập thị trường du ngoạn bờ biển, Công ty được kỳ vọng trở thành thế hệ mới trong ngành thuê tàu trong bối cảnh dịch vụ thuê tàu ở châu Á tăng trưởng nhanh. Đại diện Aqua Expeditions cho biết: “Từ phía chúng tôi, việc phát triển thị trường cho thuê tại châu Á vẫn khó hơn so với ở châu Âu, vì mỗi nước có Luật Hàng hải riêng. Hiện tại, Thái Lan là nước có Luật Hàng hải thân thiện nhất với tàu cho thuê, cũng như sở hữu cơ sở hạ tầng đầy đủ từ bến đỗ tàu cho đến nhà cung cấp thiết bị”.
Đại diện Công ty Corsair Marine International cho biết đến nay đã đóng 500 tàu thuyền mang thương hiệu Seawind (tàu 2 thân). Trong đó có 200 tàu được sản xuất đặc biệt theo các tiêu chí thương mại của Úc, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc và Hồng Kông. Đối với dòng tàu 3 thân mang thương hiệu Corsair, hơn 2.500 chiếc đã được sản xuất và có mặt trên khắp thế giới.
“Việt Nam là quốc gia có nguồn nhân lực tay nghề cao và ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đã từng xếp thứ 5 trên thế giới”, ông Richard Ward nhận xét. Ngoài Corsair Marine, đã có một số công ty trong nước và liên doanh tham gia vào thị phần cung cấp tàu du lịch cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một doanh nghiệp, Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về ngành đóng thuyền buồm, nên các doanh nghiệp rất khó mở rộng hoạt động về thuyền buồm 2 thân. Rất nhiều thứ liên quan đến thuyền buồm đều chưa có tiền lệ. Hay nói cách khác, ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng cho loại hình thể thao du lịch này hầu như chưa có gì, cả bến bãi lẫn chính sách quy địn
Nguồn dẫn: Cẩm Tú/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/giuong-buom-cho-du-lich-mat-bien-3337551/