Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước đang phải đối mặt với làn sóng dịch lần thứ hai. Tuy vậy, nhiều nước đã nới lỏng phong tỏa, mở cửa nền kinh tế nhưng vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch và giãn cách xã hội nhất định để thích ứng lâu dài.
Tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh
Do phải đóng cửa và ngừng các hoạt động trong một thời gian nên các nền kinh tế trên thế giới đều trải qua sự sụt giảm nghiêm trọng trong quí 2-2020. Mỹ tăng trưởng ở mức âm 9,5%. EU suy giảm 11,9% sau khi đã giảm 3,2% trong quí 1-2020. Nhật cũng giảm 27,8% trong quí 2-2020. Kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh trong quí 1 nhưng đã phục hồi khá nhanh trong quí 2 với tốc độ tăng 3,2% và có thể đạt mức tăng trưởng trên 5% trong quí 3. Ấn Độ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong quí 2 và dự báo chưa thể hồi phục trong quí 3. GDP quí 2-2020 của Ấn Độ giảm tới 23,9% so với cùng kỳ năm 2019 – tốc độ suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1996 và nghiêm trọng hơn so với dự đoán của các nhà phân tích.
Kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi trong quí 3-2020 nhưng không đồng đều. Thất nghiệp tại Mỹ đã giảm từ 11,1% trong tháng 6 xuống còn 8,4% trong tháng 8-2020. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực Eurozone tăng từ 7,4% vào tháng 4-2020 lên 7,9% vào tháng 7-2020. Báo cáo cập nhật tháng 9-2020 và tình hình lao động thế giới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong bối cảnh dịch Covid-19 cho thấy, toàn thế giới giảm gần 500 triệu việc làm, thiệt hại về thu nhập của người lao động lên tới 3.500 tỉ đô la Mỹ.
Thương mại toàn cầu cũng sụt giảm
Giá trị thương mại toàn cầu cả năm 2020 dự báo giảm mạnh so với năm 2019. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế – OECD (tháng 6-2020) dự báo thương mại toàn cầu có thể giảm 9,5% (kịch bản tích cực) và 11,4% (kịch bản tiêu cực) trong năm 2020. Trong lúc đó, Ngân hàng Thế giới – World Bank (tháng 5-2020) dự báo thương mại toàn cầu có thể giảm đến 13,4% trong năm 2020.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu cũng sụt giảm mạnh nhưng đã có dấu hiệu phục hồi. Những cú sốc lớn từ cả phía cung và phía cầu đã gây ra sự gián đoạn đối với các mạng lưới sản xuất toàn cầu trên quy mô lớn chưa từng thấy, dẫn tới sự sụt giảm của dòng vốn FDI. Số lượng các dự án đầu tư mới được công bố vào tháng 3 và đầu tư dưới hình thức mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) xuyên quốc gia trong tháng 4 giảm hơn 50% so với mức trung bình hàng tháng trong năm 2019. Dòng vốn đầu tư toàn cầu có dấu hiệu phục hồi trong tháng 7-2020 khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và các nhà đầu tư đã nối lại các kế hoạch đầu tư một cách thận trọng. Hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển – UNCTAD (tháng 6-2020) dự báo dòng vốn FDI toàn cầu giảm 40% trong năm 2020.
Chính sách hỗ trợ của các nền kinh tế chủ chốt
Chính phủ các nước vẫn tiếp tục các biện pháp can thiệp thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Khi đại dịch diễn ra, chính phủ các nước nhanh chóng đưa ra các giải pháp, tập trung vào hạ lãi suất, tăng thanh khoản trong hệ thống tài chính thông qua các biện pháp kết hợp, bao gồm giảm dự trữ bắt buộc, tạo cơ sở cho vay tạm thời cho ngân hàng và doanh nghiệp và giảm bớt các điều kiện cho vay.
Mỹ đã hạ lãi suất xuống mức gần 0%, đưa ra chương trình nới lỏng định lượng trị giá 700 tỉ đô la thông qua mua trái phiếu; hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Trung Quốc cũng gần như sử dụng hết các biện pháp như hạ lãi suất thị trường mở; hạ lãi suất cho vay cơ bản, hạ dự trữ bắt buộc. Liên minh châu Âu (EU) đưa ra chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) trị giá lên tới 750 tỉ euro đến hết năm 2020, sau đó bổ sung 600 tỉ euro vào tháng 6-2020 và dự kiến thực hiện đến giữa năm 2021, dù vẫn giữ lãi suất chủ chốt ở mức 0,5%.
Nhiều ngân hàng trung ương đã thông báo nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa kể từ đầu tháng 6, phản ánh lạm phát thấp và kỳ vọng rằng sự phục hồi kinh tế chỉ diễn ra chậm và từ từ. Các chương trình tài trợ và mua tài sản đã được tăng cường ở Úc, khu vực đồng euro và Vương quốc Anh, đồng thời lãi suất tiếp tục giảm ở Brazil, Indonesia, Mexico, Nga và Nam Phi.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến giữ nguyên lãi suất gần 0% đến năm 2022. Các dòng hoán đổi thanh khoản tạm thời bằng đô la Mỹ cũng đã được gia hạn đến năm 2021. Tuy nhiên, OECD cũng cho rằng hiệu quả của chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại có thể giảm so với thời điểm bình thường do lãi suất vốn đã ở mức thấp trước đại dịch và nợ doanh nghiệp hiện đang ở mức cao.
Các nước ngày càng tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khóa, hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người dân. Các gói cứu trợ được đưa ra nhằm hỗ trợ tiền mặt cho các công ty để trả lương cho người lao động, duy trì hoạt động; giảm thuế, phí; hỗ trợ trực tiếp cho các ngành chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 như hàng không, du lịch. Một số nước đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ tiền mặt cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời kích cầu nền kinh tế.
Ở châu Âu, Kế hoạch phục hồi EU thế hệ tiếp theo trị giá 750 tỉ euro (khoảng 5,5% GDP của EU năm 2019), được tài trợ thông qua việc phát hành nợ chung, cũng sẽ giúp thúc đẩy đầu tư thông qua các khoản viện trợ và cho vay. Chính phủ Pháp vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 100 tỉ euro thông qua tăng chi tiêu và giảm thuế vào đầu tháng 9-2020 để ứng phó với tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc mới mỗi ngày tăng trở lại.
Mỹ tiếp tục gia hạn hỗ trợ người Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, với tổng số tiền khoảng 44 tỉ đô la và có thể thông qua một gói kích thích bổ sung, trị giá lên tới 1.500 tỉ đô la (gần 8% GDP năm 2019) vào mùa thu này.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan cũng có kế hoạch chi 45 tỉ baht (tương đương 1,43 tỉ đô la) để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.
Triển vọng năm 2020
Những dự báo mới về triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 bớt tiêu cực hơn so với dự báo trước đây, nhưng khả năng phục hồi thị trường lao động có thể chậm lại. Trong báo cáo đánh giá kinh tế giữa kỳ cập nhật tháng 9-2020, OECD dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,5% trong năm 2020 và phục hồi ở mức 5% vào năm 2021. Dự báo này bớt tiêu cực hơn so với dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới của OECD và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra vào tháng 6-2020 (OECD dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm 6% năm 2020 và IMF dự báo âm 4,9%). Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2020 sẽ suy giảm lần đầu tiên trong khoảng 60 năm qua. Khoảng ba phần tư trong số các nền kinh tế của khu vực sẽ chứng kiến đà sụt giảm kinh tế trong năm 2020.
Triển vọng kinh tế của Trung Quốc và Mỹ được OECD điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Trung Quốc là quốc gia G20 duy nhất được dự báo đạt tăng trưởng dương vào năm 2020, nhờ khả năng kiểm soát dịch nhanh hơn và triển khai hiệu quả các chính sách phục hồi kinh tế. OECD và ADB đều nâng dự báo đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên 1,8% vào năm 2020 và 8% trong năm 2021, cao hơn so với các dự báo trước đây. Sau khi suy giảm 9,5% trong quí 2-2020, OECD (tháng 9-2020) dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ cả năm 2020 sẽ ở mức âm 3,8%, cải thiện đáng kể so với dự báo âm 7,3% của OECD và âm 8% của IMF hồi tháng 6-2020.
Ngược lại, triển vọng của khu vực Eurozone và các nền kinh tế đang nổi kém tích cực hơn. Các nước EU đang vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai, có thể một lần nữa hủy hoại nền kinh tế khu vực này. Theo dự báo mới nhất của OECD và ADB, kinh tế khu vực Eurozone sẽ sụt giảm ở mức âm 8% trong năm 2020, trước khi đạt mức tăng trưởng 5-6% trong năm 2021. Các nền kinh tế đang nổi như Argentina, Ấn Độ, Mexico và Nam Phi sẽ sụt giảm lớn hơn dự báo trong năm 2020 do mức độ lây lan của dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn, mức độ nghèo đói ở châu Phi cũng sẽ tăng lên. Do tác động của đại dịch, các nền kinh tế ASEAN dự báo tăng trưởng âm 3,8% trong năm 2020, sau đó phục hồi lên mức 5,5% vào năm 2021 (ADB, 9-2020).
(1) Bài báo nằm trong báo cáo kinh tế vĩ mô do Tổ chức ActionAid Quốc tế Việt Nam tài trợ.
Nguồn Dẫn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài gốc: https://www.thesaigontimes.vn/309397/danh-gia-moi-nhat-ve-trien-vong-hoi-phuc-kinh-te-the-gioi.html