Thảo luận về “Cơ hội ở làn sóng thứ tư”, các diễn giả đưa ra những góc nhìn về cơ hội và thách thức của Việt Nam để lên nấc cao hơn trong việc trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mở đầu phiên thảo luận, ông Kim Huat, phó chủ tịch sản xuất và vận hành, tổng giám đốc Intel Việt Nam khẳng định làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc đã bắt đầu từ vài năm nay, và tốc độ dịch chuyển ngày càng nhanh hơn. Dù thương chiến Mỹ – Trung có kết thúc, các doanh nghiệp đã nhìn thấy sự bất định của thị trường và sẽ tìm cách dịch chuyển để giảm rủi ro.
Có mặt ở Việt Nam gần 15 năm, ông Kim chia sẻ một số lý do để các tập đoàn cân nhắc khi chọn điểm đến mới, đó là nguồn lực sẵn có và chi phí dành cho việc sản xuất, các chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư của chính phủ. “Nếu xét riêng hai yếu tố này, không chỉ Việt Nam mà Ấn Độ hay Indonesia cũng là những điểm đến nằm trong tầm ngắm của các tập đoàn lớn,” theo ông Kim.
Nhưng ở bối cảnh khó đoán định hiện tại khi Covid-19 bùng nổ trên toàn thế giới, với lợi thế kiểm soát dịch bệnh tốt, minh chứng là Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và mở 7 tuyến bay thương mại, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể trực tiếp sang Việt Nam làm việc, Việt Nam sẽ nhảy lên đầu tiên trong danh sách các lựa chọn của nhà đầu tư – ông Kim dự đoán.
Đại diện cho khu vực công nghiệp, ông Bruno Jaspaert – tổng giám đốc tổ hợp khu công nghiệp DEEP C chia sẻ họ đã tăng gấp ba lần quy mô hoạt động trong năm nay khi Covid-19 xuất hiện. Việt Nam đang trở nên ngày càng cạnh tranh hơn trong việc thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Đại diện DEEP C phân tích những lợi thế của Việt Nam là sự ổn định chính trị, kinh tế, nguồn nhân lực trẻ và sự thành công của chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Ba yếu tố này khiến các doanh nghiệp nước ngoài chú ý tới Việt Nam khi tìm điểm đến mới mở rộng sản xuất..
Đưa ra góc nhìn trung dung hơn, ông Vũ Tú Thành – phó chủ tịch hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN nhận xét thành tích chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng chính phủ phân biệt rất rõ ràng giữa việc phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên điều này chưa đủ để thu hút một nguồn vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Thành cho rằng việc dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc là có, nhưng sẽ không có doanh nghiệp nào rời bỏ Trung Quốc hoàn toàn mà họ chỉ mở rộng ra ngoài Trung Quốc để phục vụ thị trường sản xuất tốt hơn.
Lý giải thêm, ông Thành cho biết Trung Quốc là một thị trường tiêu dùng lớn đồng thời là một thị trường đủ tiêu chuẩn để đáp ứng cho những nhu cầu của doanh nghiệp lớn khi họ phải cung ứng cho toàn thế giới, vì thế rất khó để có quốc gia nào thay thế được Trung Quốc.
Đi kèm với những lợi thế hiện có, các diễn giả đưa ra những khuyến nghị Việt Nam nên chú trọng và cải thiện để giữ vững vị thế của mình là một ứng viên thu hút được sự chú ý của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, và tiến thêm một bước trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại diện từ một trong những nhóm ngành quan trọng trong chuỗi sản xuất, dự kiến sẽ được hưởng lợi từ sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TPHCM và CEO Duy Khanh, gọi giai đoạn hiện tại của ngành cơ khí điện ở Việt Nam là “giai đoạn chuyển tiếp” khi các doanh nghiệp cơ khí chỉ mới bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực nội tại trong khoảng vài năm gần đây, bởi lẽ trước đó các chính sách của chính phủ Việt Nam không thật sự hỗ trợ nhóm ngành này.
“Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ ngày càng tăng, đó mới là thời điểm những doanh nghiệp cơ khí do người Việt làm chủ nhận thấy tiềm năng của ngành và mở rộng đầu tư,” ông Tống đưa ra góc nhìn.
Ông Tống là người sáng lập công ty Duy Khanh – doanh nghiệp cơ khí có hơn 30 năm hoạt động, cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cơ khí nói riêng và công nghiệp phụ trợ nói chung sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào nguồn lực, công nghệ nền tảng và con người chứ không đơn thuần chỉ tập trung đầu tư vào máy móc nếu muốn trở thành một đơn vị đồng hành đón đầu khi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới dịch chuyển tới Việt Nam.
Đối với Việt Nam, ông Kim Huat từ Intel lẫn ông Bruno Jaspaert từ DeepC đều đưa ra khuyến nghị mong muốn chính phủ có thể đơn giản hoá các quy trình thủ tục, giấy tờ để dễ dàng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài để “thu hút nhiều hơn nữa những nguồn đầu tư chất lượng”.
Ông Bruno cũng cho rằng, thương chiến Mỹ – Trung và dịch Covid-19 đã thay đổi tư duy của các nhà đầu tư nước ngoài, và bài toán dành cho Việt Nam là làm thế nào để nắm bắt và tận dụng được thời điểm vàng này.
Ông Vũ Tú Thành đưa ra một xu hướng mới mà Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN quan sát được, đó là sự thay đổi trong khẩu vị đầu tư, các tập đoàn lớn và nhà đầu tư có xu hướng gia tăng tỷ trọng vốn vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Vì thế, ông Thành mong muốn chính phủ Việt Nam có những chính sách để khuyến khích các khoản đầu tư “bình thường mới” này ngày càng gia tăng, thay vì tiếp tục duy trì chính sách cũ là tập trung thu hút các khoản đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.
“Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống để phát triển. Nếu có chính sách để khu vực này kết hợp với các công nghệ mà những bigtechs từ nước ngoài đem tới Việt Nam, doanh nghiệp Việt có thể phát huy được thế mạnh của mình không chỉ ở Việt Nam mà còn ra tới thế giới. Đó là điều chắc chắn”, Phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN đúc kết.
Nguồn dẫn: Tạp chí Forbes Việt Nam
Link bài gốc: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/viet-nam-lam-gi-de-len-nac-cao-hon-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau-13456.html