“Cò” giăng khắp lối
Mới đây, hàng chục khách hàng tìm đến trụ sở của CTCP Thương mại Tư vấn Đầu tư King Land (Công ty King Land) tại địa chỉ số 3, đường số 5, Phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM để yêu cầu công ty này trả lại tiền đã mua đất tại dự án ma mang tên KingLand Home City 5.
Ngoài ra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cũng liên tục nhận đơn thư khiếu nại của khách hàng công ty King Land trong nhiều tháng qua.
Qua xác minh của PV, trước đó, công ty King Land đã “vẽ” ra dự án ma mang tên Kingland Home City 5 tại ấp Đồng Sến, xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương rồi lừa bán cho nhiều người với mức giá từ 150 triệu đến 300 triệu đồng/nền.
Do tâm lý thích mua đất rẻ và nghe lời tư vấn trên trời của nhân viên bất động sản, nhiều khách hàng đã sập bẫy. Chị N, một chủ đầu tư ở Thủ Đức cho biết, sau khi được dẫn đi xem đất, chị được nhân viên môi giới dẫn gặp lãnh đạo công ty và được hứa hẹn nhiều điều.
“Tuy nhiên, mấy tháng nay vẫn không thấy họ nói gì đến việc công chứng, bàn giao sổ đỏ. Bức xúc quá nên chúng tôi đến công ty đòi lại tiền”, chị N. cho biết. Tương tự chị N, nhiều khách hàng ngậm quả đắng khi tin tưởng mua đất nền tại dự án King Land 5.
Trả lời báo chí, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng không có tên dự án KingLand Home City 5 do Công ty Cổ phần Thương mại Tư vấn và Đầu tư King Land làm chủ đầu tư. Để thông tin được khách quan, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Công ty King Land nhiều lần nhưng số điện thoại không liên lạc được.
Tương tự, nhiều khách hàng rơi vào bẫy cũng đã gửi đơn tố cáo Công ty Bất động sản SP Land bán dự án không có thật thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng. Cụ thể, Công ty SP Land đã tự vẽ 2 dự án không có thật nhưng lấy tên Khu dân cư An Điên 1 và 2 (xã An Điền, TX Bến Cát) để bán cho hơn 40 khách hàng với số tiền từ 300 đến 500 triệu đồng/lô.Nhận được đơn thư khiếu nại, Công an tỉnh Bình Dương đã mời lãnh đạo Công ty SP Land đến làm việc. Bà Lê Thị Thanh – Tổng giám đốc Công ty SP Land thừa nhận hành vi bán đất khi chưa được phép. Tuy nhiên, bà Thanh nói chính bà cũng bị nhân viên pháp lý công ty lừa nên gửi đơn tố cáo thuộc cấp. Hiện Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra làm rõ.
Táo tợn hơn, giữa năm 2019, một nhóm đối tượng đã đưa máy móc đến san lấp đất lúa ở tổ 4, khu phố Phước Hải (phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên) để phân thành 52 lô đất. Sau đó, nhóm người này đã tự vẽ sơ đồ phân lô hiện hữu con đường bê tông 4m, tổ chức rao bán mức giá giao động từ 200 – 280 triệu đồng/nền, mỗi nền có diện tích trên 50m2. Nghiêm trọng hơn, vụ việc này có dấu hiệu làm giả chữ ký của lãnh đạo cấp cao UBND tỉnh Bình Dương.
Cần tỉnh táo khi mua bất động sản
Có thể thấy, lợi dụng tình hình sốt ảo đất nền Bình Dương và tâm lý ham rẻ của khách hàng, gần đây một số đối tượng là các đơn vị môi giới, thậm chí là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS đã vẽ dự án “ma” hay chào bán các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý.
Một phần vì ham rẻ, thiếu am hiểu pháp luật về kinh doanh bất động sản nên không ít khách hàng trở thành “con mồi” của các đối tượng lừa đảo. Đáng chú ý, các đối tượng thường chọn các thửa đất nông nghiệp, thậm chí là lô cao su hiu quạnh để vẽ các dự án “ma” với hàng loạt tiện ích phi thực tế.
Trong vai khách hàng cần mua đất ở tại Bình Dương, PV Nhadautu.vn được một nhân viên môi giới công ty bất động sản ở TP. Thủ Dầu Một tư vấn dự án Khu dân cư An Phú ở phường An Phú (TP. Thuận An). Theo môi giới này, dự án đã mở bán giai đoạn 1 từ giữa tháng 6/2020, muốn mua dự án trước tiên khách hàng phải cọc số tiền 20 triệu đồng/lô. Mức giá của dự án này dao động từ 27-30 triệu/m2 chưa chiết khấu.
Để tăng sức hấp dẫn, lôi kéo khách hàng xuống tiền, nhân viên này còn đưa ra chiêu, nếu khách hàng thanh toán 95% khi mua 2 lô nền sẽ được chiết khấu 7% tương đương 140 triệu đồng/lô, mua 3 nền sẽ là 8% tương ứng với 170 triệu/lô. Người này nhấn mạnh, khách hàng nên quyết định đầu tư sớm, nếu không các lô đất nền sẽ tăng giá thêm 15%.
Tuy nhiên, qua làm việc với đại diện Sở xây dựng Bình Dương, chúng tôi được biết hầu hết các dự án mà nhân viên bất động sản đang quảng bá rầm rộ trên một số tuyến đường, các fanpage facebook, zalo… đều chưa đủ điều kiện mở bán. Đồng nghĩa, nếu xuống tiền giao dịch sản phẩm tại các dự án này sẽ cực kỳ rủi ro.
Đại diện Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thủ đoạn của các đối tượng thường là qua cách thức bán hàng rất vòng vo. Đối tượng sẽ chào mời dưới nhiều hình thức, để dụ dỗ khách hàng nhưng không đưa ra được những thông tin cần thiết về dự án như hồ sơ pháp lý, thông tin đầu tư hoặc diện tích, thông tin diện tích của dự án dành cho người mua. Khi khách hàng yêu cầu họ cung cấp, khách hàng sẽ nhận được các câu trả lời như là thông tin mật nên không thể công bố tùy tiện, để một thời gian họ sẽ cung cấp.
Chính ví thế, Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân khi giao dịch các tài sản có giá trị lớn như đất, nhà và các tài sản khác cần chú ý tính pháp lý, có giấy tờ đầy đủ, kiểm tra thông tin trước khi giao dịch, không nên nghe lời của nhân viên môi giới, nhân viên giao dịch. Ngoài ra, cần kiểm tra thông tin từ chính quyền địa phương để được giải quyết kịp thời.
Truy nã nhiều “đại gia” bất động sản
Ngày 6-10, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) vừa phát ra thông báo truy nã 9 đối tượng trong các vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong số này có nhiều người từng là ‘đại gia’ trong lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, 9 đối tượng bị truy nã trong các vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đang bỏ trốn, gồm: Nguyễn Trọng Thắng (35 tuổi), Phan Bá Lợi (57 tuổi), Trần Hớn Vinh (37 tuổi), Võ Văn Tâm (55 tuổi), Nguyễn Thị Tuyết (69 tuổi), Nguyễn Trọng Hiếu (40 tuổi, cùng ngụ Bình Dương); Trần Ngọc Tài (30 tuổi, ngụ Vĩnh Long), Cao Thượng Trường Khoa (34 tuổi, ngụ Bình Thuận) và Phạm Phước An (43 tuổi, ngụ Lâm Đồng).
Đáng chú ý, trong số này có nhiều người từng là “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản như Phan Bá Lợi, “đại gia” bất động sản có tiếng ở TP.Thủ Dầu Một. Ông Lợi từng sở hữu nhiều khách sạn nổi tiếng tại Bình Dương, một số penthouse tại các chung cư cao cấp. Đặc biệt, ông Lợi cũng từng sở hữu ngôi nhà gỗ trị giá hàng chục tỷ đồng tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một.
Khoảng từ năm 2019, Phan Bá Lợi huy động vốn của nhiều người để làm các dự án bất động sản phân lô bán nền không phép ở Bình Dương rồi ôm tiền bỏ trốn. Qua điều tra, cơ quan công an xác định các đối tượng nêu trên có liên quan đến hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Bình Dương.
Nguồn dẫn: Khánh Vinh/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/loan-du-an-bat-dong-san-ma-o-binh-duong-d43968.html