Giai đoạn 2020-2025, thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung triển khai nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sự đột phá của đô thị thể hiện qua không gian đô thị.
Định hướng phát triển không gian đô thị
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng Đinh Thế Vinh cho biết, cấu trúc đô thị Đà Nẵng sẽ phân thành ba vùng đô thị và một vùng sinh thái. Ba vùng đô thị đặc trưng gồm: vùng ven mặt nước, đặc trưng là các con sông và bờ biển dài, bao gồm: khu vực ven vịnh Đà Nẵng, khu vực ven hai bên sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Vĩnh Điện, sông Cổ Cò đến ven biển Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn (bờ đông); vùng lõi xanh, nằm giữa thành phố với đặc trưng là những ngọn đồi nhiều cây xanh (Phước Tường, An Ngãi); vùng sườn đồi, đặc trưng bởi những không gian mở rộng lớn, ven sườn các đồi núi phía tây, gồm một phần huyện Hòa Vang.
Một vùng sinh thái bao gồm khu vực rừng, núi, đồi phía tây và phía bắc; khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa; các sông và hồ cùng với đường bờ biển dài trong vùng sinh thái. Các khu vực này là yếu tố quyết định chính cho ranh giới đô thị hóa của Đà Nẵng và cũng là tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn hệ sinh học đa dạng và thúc đẩy phát triển bền vững, tiến tới một thành phố đáng sống.
Trên cơ sở phát triển không gian đô thị, Đà Nẵng thiết lập 2 vành đai kinh tế với vành đai phía bắc là vành đai “công nghiệp công nghệ cao và cảng biển – logistics”; vành đai phía nam là vành đai “đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Ngoài ra, quy hoạch chung thành phố có tổ chức 4 cụm việc làm ưu tiên tập trung và 1 điểm đến du lịch lớn trên toàn địa bàn thành phố gắn với các phân vùng phát triển. Cụ thể, cụm công nghiệp công nghệ cao với trọng tâm là Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung tiếp tục phát triển mở rộng tại khu vực tây bắc, Cụm cảng biển và logistics gắn với khu đô thị cảng biển Liên Chiểu.
Cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng phát triển tập trung tại khu vực sườn đồi phía tây nam liền kề hồ Đồng Nghệ. Cụm đổi mới sáng tạo gắn với khu đô thị đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm ở phía nam thành phố. Thành phố phát triển du lịch với trọng tâm dọc theo bờ đông và ven vịnh Đà Nẵng với các đặc điểm mặt nước tự nhiên, di sản văn hóa và dịch vụ du lịch đường thủy; du lịch sinh thái ở khu vực đồi núi phía tây, phía bắc và bán đảo Sơn Trà để tận dụng cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Về khu đô thị, mỗi khu đô thị sẽ bao gồm tối đa 10 khu ở để có dân số khoảng 50.000 đến 250.000 người trong diện tích 500 đến 1.500 ha, với hệ thống cơ sở dịch vụ phục vụ kèm theo như trung tâm thương mại, trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, phòng khám y tế, cơ sở tôn giáo, cây xanh công cộng phục vụ cho nhu cầu thường xuyên, hằng ngày của cộng đồng dân cư và bãi đỗ xe cho đơn vị ở.
Về phân vùng phát triển đô thị, toàn thành phố tổ chức thành 12 phân khu, trong đó vùng sinh thái được tổ chức thành 2 phân khu với phân khu sinh thái phía tây, phân khu sinh thái phía đông. Ba vùng đô thị đặc trưng được tổ chức theo “Mô hình đô thị nhỏ” phân chia thành 10 phân khu (phân khu ven sông Hàn và bờ đông, phân khu ven Vịnh Đà Nẵng, phân khu cảng biển Liên Chiểu, phân khu Công nghệ cao, phân khu trung tâm lõi xanh, phân khu đổi mới sáng tạo, phân khu sân bay, phân khu đô thị sườn đồi, phân khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phân khu dự trữ phát triển).
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng hành chính, kinh tế, xã hội
Trung tâm Hành chính quy hoạch tại khu vực lõi hành chính nằm trong trung tâm thành phố hiện nay tại quận Hải Châu, bổ sung một số chức năng hành chính khác, một số sở, ban, ngành có thể được chuyển đến từng trung tâm phân tán. Đồng thời tiếp tục cải tạo, phát triển mở rộng hệ thống trung tâm hành chính cấp quận, huyện.
Về du lịch, trên toàn địa bàn thành phố phát triển thành một điểm đến du lịch đặc sắc. Ở lĩnh vực thương mại, tài chính, thành phố duy trì các chợ truyền thống, phát huy giá trị của chợ văn minh truyền thống chợ Hàn, chợ Cồn gắn với trục thương mại Hùng Vương; phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, tuyến phố chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi; hình thành các trung tâm kinh doanh thương mại (central business district – CBD) tầm cỡ quốc gia, quốc tế; đưa vào khai thác vận hành cửa hàng miễn thuế trong phố gắn với tuyến phố du lịch Võ Nguyên Giáp – Trường Sa. Đồng thời phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sạch, thân thiện môi trường và các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của thành phố; phát triển khu công nghệ cao và khu đổi mới sáng tạo.
Về nông nghiệp, thành phố đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái; hình thành khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chuyên canh, sinh thái kết hợp du lịch. Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của Việt Nam, bao gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Đà Nẵng định hướng trở thành một trung tâm giáo dục và đào tạo lớn và trung tâm thể dục – thể thao lớn của miền Trung.
Công viên cây xanh, mặt nước bao gồm rừng, núi và đồi, sông và hồ cùng với đường bờ biển dài là những yếu tố quyết định đến ranh giới đô thị, tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững để Đà Nẵng hướng tới một thành phố đáng sống.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng Đinh Thế Vinh cho biết thêm, khu vực nông thôn sẽ được tổ chức lại không gian, cơ cấu, chức năng các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa tiệm cận theo các quy chuẩn khu đô thị gắn với gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống; tạo lập các khu vực dự trữ phát triển cho các giai đoạn sau năm 2030, năm 2045. Khu vực nông thôn tập trung tại huyện Hòa Vang sẽ được cải tạo, chỉnh trang; gắn kết các khu nhà vườn, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên.
Cùng với định hướng phát triển không gian đô thị, đồ án cũng đưa ra các định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; thiết kế đô thị; định hướng quy hoạch sử dụng đất toàn đô thị và khu vực đô thị trung tâm; định hướng hạ tầng kỹ thuật đô thị về cấp điện và năng lượng, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang; đánh giá môi trường chiến lược; phân kỳ thực hiện quy hoạch; các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư; đề xuất nguồn lực, nguồn vốn thực hiện quy hoạch.
|
Nguồn dẫn: TRIỆU TÙNG/ Báo Đà Nẵng
Link bài gốc: https://baodanang.vn/channel/5404/202010/chao-mung-dai-hoi-xxii-dang-bo-thanh-pho-da-nang-tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang-tam-nhin-ve-khong-gian-do-thi-da-nang-den-nam-2030-3845955/