Biến động lớn trong công ty xây dựng hàng đầu tại Việt Nam.
Dù đôi bên đã có những thỏa thuận nhưng kể từ sau kỳ Đại hội cổ đông năm 2020, khi nhóm cổ đông Kusto lên nắm quyền điều hành, Coteccons vẫn còn nhiều biến động.
Thay máu nhân sự cấp cao
Tính đến thời điểm này, dàn lãnh đạo cao cấp ở Coteccons đã có những thay đổi lớn. Ông Nguyễn Bá Dương, vị lãnh đạo nhiều năm ở Công ty, đã từ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị cũng như bán ra cổ phiếu CTD, không còn là cổ đông lớn của Coteccons. Mới đây hơn, ông Nguyễn Quốc Hiệp, thành viên Hội đồng Quản trị Coteccons, cũng quyết định ra đi.
Ở động thái khác, Ban Quản trị Coteccons đã bổ nhiệm ông Bolat Duisenov giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, còn ông David Evans (thành viên Tiểu ban Chiến lược) làm Cố vấn Ban Điều hành. Ngoài ra, ông Lý Xuân Hải, một tên tuổi khá đình đám trong giới tài chính, là đại diện theo ủy quyền cho ông Talgat Turumbayev, thành viên Hội đồng Quản trị Coteccons. Coteccons cũng vừa bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc. Trong đó, ông Phạm Quân Lực vốn là Giám đốc khối Kỹ thuật tại Coteccons, còn ông Trần Trí Gia Nguyên (Michael Trần) vừa từ Hòa Bình chuyển sang.
Có thể thấy, đã có nhiều gương mặt mới xuất hiện ở tập đoàn xây dựng nhiều tiếng tăm. Trong đó, một số người đến từ ngành tài chính. Ngay các thành viên mới từng hoạt động lâu năm trong ngành xây dựng vẫn bị đánh giá là chưa nhiều kinh nghiệm ở chức vụ tương đương. Vì thế, nhà đầu tư ít nhiều lo ngại cho khả năng lèo lái, cầm cương của Ban lãnh đạo mới tại Coteccons.
Giới phân tích đánh giá, Coteccons hiện như con tàu gặp sóng gió, cần một người có khả năng giữ vững tay lái, biết tập hợp sức mạnh, tạo tiếng nói thống nhất. Dù Coteccons đã kịp thời bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo nhưng vẫn chưa thấy một gương mặt mới nào đủ sức làm tốt vai trò kết nối sức mạnh này.
Tình hình cho thấy nhân sự ở tập đoàn này sẽ còn biến động, không chỉ ở lãnh đạo cấp cao mà cả ở cấp quản lý, nhân viên bên dưới. “Xây dựng là ngành cần những người sống chết có nhau, với những nét văn hóa đặc thù khác biệt. Trong các công ty xây dựng, không phải giỏi là làm được. Công ty có nhiều người giỏi mà mạnh ai nấy giỏi cũng không hiệu quả. Quan trọng là cấp điều hành, quản lý phải hiểu nhau, cùng hội cùng thuyền”, một lãnh đạo công ty xây dựng tại TP.HCM nhận xét. Dựa vào đặc điểm này, rõ ràng, Coteccons, với những lãnh đạo đến từ nhiều nơi khác nhau, mang những ý tưởng, quan điểm khác nhau, sẽ cần khá nhiều thời gian để đạt đến sự hài hòa, ổn định.
Đi tìm quỹ đạo mới
Những nỗ lực của lãnh đạo mới ở Coteccons nhằm đạt đến 3 mục tiêu: giữ vị thế công ty xây dựng số 1 Việt Nam; xây dựng Coteccons trở thành thương hiệu được biết đến trong khu vực; hài hòa lợi ích cổ đông, nhân viên, khách hàng, xã hội và Nhà nước. Những mục tiêu này đã có phần khác với chiến lược của Coteccons khi còn lãnh đạo cũ và cũng trở nên thách thức dưới tác động của dịch COVID-19 trong bối cảnh ngành xây dựng vẫn chưa hết khó khăn.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng, trong nửa đầu năm 2020, vì chu kỳ ngành xây dựng đi xuống và thị trường bất động sản ảm đạm (chính sách quản lý đất công thắt chặt, tín dụng hạn chế…), doanh thu từ dịch vụ xây dựng, mảng chiếm 99,8% tổng doanh thu của Coteccons, đã giảm 25% so với cùng kỳ. Dù vậy, trong thời gian khó khăn, Công ty vẫn có hợp đồng mới, với hơn 8.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020.
Coteccons bắt đầu thực hiện việc tái cơ cấu hoạt động bằng cách tập trung vào giảm chi phí quản lý, kiểm soát lãng phí và nâng cao năng suất lao động. Kết quả là biên lợi nhuận gộp dần hồi phục, giúp lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2020 chỉ giảm 10% so với cùng kỳ, thấp hơn đà giảm doanh thu.
Ngoài ra, Coteccons cũng chọn lựa nhà phát triển dự án, duy trì tính thanh khoản cao, tăng cường thu hồi nợ. Một lợi thế là tiền mặt còn dồi dào, với gần 3.700 tỉ đồng, tính đến ngày 30.6.2020. Nhờ nguồn tiền này, Công ty có khả năng tham gia vào những dự án lớn, chủ động hơn trong đầu tư thiết bị xây dựng và dễ dàng ứng trước cho các nhà thầu phụ để hoàn thành dự án đúng hạn. Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng, tình hình tài chính khỏe mạnh cũng tạo sự linh hoạt để Coteccons có thể ứng phó nhanh chóng trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, tiến độ thu hồi công nợ của Coteccons đã chậm hơn mong đợi. Đặc biệt, như đã phân tích, Công ty gặp thách thức phải sớm ổn định bộ máy, nhân sự và tình hình ở Công ty. Một khi chưa đạt sự ổn định, cổ phiếu CTD, nơi nhà đầu tư gửi gắm kỳ vọng, sẽ vẫn chưa thể thoát đáy. Hiện cổ phiếu CTD đang giao dịch quanh vùng 60.000 đồng/cổ phiếu, sát với giá trị tài sản và được dự đoán vẫn tiếp tục đà giảm. Coteccons bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử và cần phải có cuộc cách mạng lớn để bước vào quỹ đạo phát triển mới.
Nguồn dẫn: Lệ Thuỷ/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/coteccons-doi-mau-3337641/