Ngoài 9 công trình đã đưa đưa vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thành thêm 19 dự án giao thông vào 3 tháng cuối năm 2020.
Khánh thành cầu cạn hơn 5.300 tỷ đồng, xóa ùn tắc cửa ngõ Thủ đô
Ngày 11/10/2020, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, một công trình giao thông trọng điểm nằm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội với tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng chỉ sau 28 tháng thi công.
Dự án có tổng chiều dài 5,367km, trong đó cầu cạn dài là 4,831km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,6m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4m. Công trình được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa… đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h.
Công trình được đưa vào khai thác khớp nối và khép kín tuyến đường Vành đai 3 trên cao từ Bắc Hồ Linh Đàm đến cầu Thăng Long. Kết hợp với tuyến Vành đai đi thấp bên dưới, cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc thường xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng, nhất là tại các khu vực nút giao Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn,…
Cầu Thịnh Long được đưa vào sử dụng đã xóa bỏ chia cách đôi bờ sông Ninh Cơ
Trước đó, ngày 28/5/2020, sau 27 tháng thi công, dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long trên địa bàn tỉnh Nam Định được Bộ GTVT tổ chức thông xe. Dự án đưa vào khai thác đã hiện thực hóa ước mơ ngàn đời của người dân hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) về một cây cầu nối liền đôi bờ sông Ninh Cơ.
Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ dài 2.359,6m, điểm đầu giao cắt với QL21 (thuộc địa phận xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, Nam Định), điểm cuối giao cắt với TL490C (thuộc địa phận xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định). Dự án có tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước.
Cầu Thịnh Long được đưa vào khai thác giúp kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh Nam Định với đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình. Đặc biệt, cầu Thịnh Long sẽ nối liền hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu, là vị trí giao cắt của nhiều tuyến giao thông huyết mạch như: QL21, QL21B, tuyến đường bộ ven biển, TL490C,… rút ngắn khoảng cách 15km trên tuyến vận tải thị trấn Thịnh Long với TP.Nam Định.
Nâng cấp xong QL217 giai đoạn 2
Cách đây hơn 4 tháng, ngày 15/6/2020, Bộ GTVT tổ chức khánh thành dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2, mở toang tuyến đường kết nối từ khu kinh tế biển Nghi Sơn đi các huyện vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và kết nối với nước bạn Lào.
Dự án dài 47km qua địa bàn 3 huyện: Hà Trung, Cẩm Thủy và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng trong nước, với tổng mức đầu tư khoảng 1.673 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2 được đưa vào khai thác góp phần quan trọng trong việc kết nối thông thương giữa Khu kinh tế biển Nghi Sơn, trung tâm TP. Thanh Hóa với Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và tỉnh Hủa Phăn (Lào). Đồng thời, QL217 còn có ý nghĩa rất lớn về an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Hoàn thành thi công 23 cầu yếu trên các tuyến quốc lộ
Cuối tháng 6/2020, Bộ GTVT tổ chức lễ hoàn thành, đưa vào khai thác 23 cây cầu yếu trên các tuyến quốc lộ trong cả nước thuộc dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 (TSL2).
Trong 23 cây cầu này nằm trên địa phận các tỉnh Lạng Sơn (1 cầu), Thanh Hóa (4 cầu), Nghệ An (2 cầu), Hà Tĩnh (1 cầu), Quảng Trị (1 cầu), Quảng Nam (6 cầu), Long An (6 cầu), Kiên Giang (1 cầu) và Vĩnh Long (1 cầu).
Dự án TSL2 được Bộ GTVT giao Ban QLDA6 bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 1/2013 với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh (tháng 12/2018) là 6.070 tỷ đồng. Dự án sử dụng vốn vay ODA của JICA (Nhật Bản) và vốn đối ứng trong nước với mục tiêu xây dựng 98 cầu yếu trên 29 tuyến quốc lộ thuộc địa phận 31 tỉnh, thành trong cả nước.
Trong 98 cầu thuộc phạm vi dự án, 75 cầu đã hoàn thành quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2017. Còn lại, 23 cầu mới được bổ sung vào dự án từ cuối năm 2018, bắt đầu khởi công từ cuối quý IV/2019 và hoàn thành vào cuối tháng 6/2020.
Các cầu thuộc dự án TSL2 khi hoàn thành sẽ nâng cao năng lực vận tải, chống ùn tắc, đảm bảo ATGT, đồng bộ với tiêu chuẩn của các tuyến quốc lộ đang khai thác. Ngoài ra, dự án còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân và địa phương nơi dự án đi qua,…
Đã khánh thành, đưa vào khai thác 9 dự án
Theo thống kê của Cục Quản lý xây đựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác 9 dự án giao thông, gồm: Cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long; Dự án mở rộng tuyến tránh QL1 đoạn qua TP.Tân An, tỉnh Long An; Dự án thành phần 2 thuộc dự án cầu Cổ Chiên; Dự án cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định; Dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2; Dự án cầu Sông Chùa thuộc dự án cầu Đà Rằng, Sông Chùa trên QL1 cũ, tỉnh Phú Yên; Dự án thành phần 2 thuộc dự án cầu Cổ Chiên; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đoạn Km1051+845 – Km1055+280, tỉnh Quảng Ngãi.
Hoàn thành thêm 19 dự án vào cuối năm 2020
Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2020, Bộ GTVT sẽ hoàn thành thêm 19 dự án giao thông khác, gồm: Dự án tuyến tránh TP. Kon Tum; Dự án cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh – Long Toàn; Dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài (giai đoạn 1); Dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất (giai đoạn 1); Dự án nâng cấp QL57 tỉnh Bến Tre; Dự án xây dựng tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drang, tỉnh Đắk Lắk,…