Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán thường diễn biến ra sao trong giai đoạn cuối năm?
► Dường như không có quy luật nào đối với diễn biến của VN-Index
► Chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ kết thúc năm 2020 quanh ngưỡng 960 điểm
Một trong 3 giả định của phân tích kỹ thuật chính là Lịch sử sẽ lặp lại. Điều này có đúng với thị trường chứng khoán chung?
Số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ năm 2016, trong 4 năm gần đây. Thị trường chứng khoán có xác suất giảm vào thời điểm cuối năm. Cụ thể, năm 2016, 3 tháng cuối năm (10,11,12), chỉ số VN-Index đã giảm 3,07% so với thời điểm cuối tháng 9.
Sang đến năm 2017, năm mà thị trường chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất với đà tăng bình quân là 47,8%. Trong năm này, chỉ số VN-Index đã tăng 21,1% trong 3 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, năm 2018 và 2019 thị trường chứng khoán Việt Nam đã diễn ra không mấy tích cực, khi trong 2 năm liền thị trường đều giảm điểm vào dịp cuối năm. Trong quý cuối cùng của năm 2018, chỉ số VN-Index đã giảm tới 12,26% trong khi năm 2019 con số này là 2,64%.
Nhìn qua số liệu thống kê của 4 năm trở lại đây, có thể thấy dường như diễn biến của thị trường chứng khoán không tuân theo những quy luật cụ thể nào. Thị trường chứng khoán luôn vận động không ngừng với những tin tức và sự kiện bao quanh nó. Và nhà đầu tư tham gia vào thị trường cũng không hề giống nhau, họ có những phương pháp và tiêu chí riêng, từ đó đưa ra những quyết định mua bán khác nhau. Từ đó tạo nên một thị trường tài chính sôi động.
Trở lại với diễn biến thị trường chung, chứng khoán Việt Nam đã mở rộng đà phục hồi trong quý III bất chấp làn sóng COVID-19 thứ 2 quay trở lại. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), động lực tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn này chủ yếu đến từ 4 nguyên nhân chính.
Động lực đầu tiên đến từ thành công của Việt Nam trong việc chống đỡ làn sóng COVID-19 thứ 2 mà không làm tê liệt hoạt động kinh tế của cả nước, cùng với kì vọng Việt Nam từng bước mở cửa biên giới trở lại.
Thứ hai là mặt bằng lãi suất giảm mạnh, trong khi các kênh đầu tư khác (vàng, bất động sản) không thực sự hấp dẫn. Thứ ba là các chính sách tiền tệ nới lỏng được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
Thứ tư là Hiệp định thương mại tự do EVFTA được thông qua, cùng với kỳ vọng vào khả năng thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI. Và cuối cùng là kỳ vọng vào hiệu quả của các chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ bao gồm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, giảm thuế.
Theo đánh giá của KBSV các yếu tố hỗ trợ thị trường trong các tháng cuối năm sẽ tiếp tục được duy trì, bao gồm tốc độ tăng trưởng các ca nhiễm bệnh dần chậm lại, các nền kinh tế trên thế giới từng bước mở cửa lại các hoạt động vận tải hành khách cùng với các thông tin tích cực liên quan đến quá trình sản xuất vaccine.
Cùng với đó là các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn của kinh tế trong nước, được hỗ trợ bởi sự hồi phục sức tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu chính và việc dần khôi phục lại ngành du lịch khi Việt Nam mở cửa lại biên giới trong thời gian tới; xu hướng nới lỏng tiền tệ của các Ngân hàng trung ương ở trên thế giới và Việt Nam và việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán những tháng cuối năm 2020 cũng đối mặt với rủi ro về làn sóng COVID-19 mạnh lên làm trì hoãn kế hoạch mở cửa của các nước. Thêm vào đó là thị trường đã tăng mạnh và rơi vào vùng định giá không còn quá hấp dẫn; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng, đi kèm sự gia tăng nợ xấu ngân hàng. Và những yếu tố vĩ mô đến từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với rủi ro Việt Nam bị lôi vào cuộc chạy đua và rủi ro bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ.
Theo đó, KBSV đưa ra vùng giá kỳ vọng của VN-Index cuối năm 2020 quanh 960 điểm.
Nguồn dẫn: Kim Anh/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/thi-truong-chung-khoan-thuong-dien-bien-ra-sao-vao-thoi-diem-cuoi-nam-3337814/