Trong khi nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Bắc Nam tiền và thành công như Vingroup, Bitexco, Sunshine Group thì tại thị trường Hà Nội lại khá thiếu vắng những doanh nghiệp địa ốc TP. HCM Bắc tiến.
Trên thị trường bất động sản Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại, thực chất mới chỉ có Tập đoàn Trung Thuỷ ra bắc với dự án Lancaster 20 Núi Trúc (Quận Ba Đình) từ năm 2013. Đây là dự án được định vị ở phân khúc cao cấp với quy mô gần 300 căn hộ từ 1 – 4 phòng ngủ, diện tích 38 – 177m2.
Sau thành công của dự án này, mới đây, Trung Thuỷ cũng đã tung ra thị trường Hà Nội dự án Lancaster Luminaire Đường Láng. Dự án có quy mô 27 tầng nổi gồm 4 tầng thương mại, 22 tầng căn hộ, 1 tầng thượng phục vụ tiện ích nội khu như bể bơi, gym, nhà hàng và 4 tầng hầm.
Trước Trung Thuỷ, một doanh nghiệp địa ốc TP. HCM nữa cùng Bắc tiến là Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Lâm Viên với dự án Richland Southern ngõ 233, đường Xuân Thủy – quận Cầu Giấy.
Được biết, dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 6.100m2 bao gồm 2 khu chính là khu nhà ở liên kề và khu cao ốc căn hộ cao 19 tầng, 173 căn hộ chung cư cao cấp. Dự án được khởi công từ tháng 7/2009 với tổng số vốn đầu tư của vào khoảng 25 triệu USD, tương đương khoảng hơn 500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hiện dự án Richland Southern đang vướng vào đại án Ngân hàng Đông Á do Công ty Lâm Viên đã vay gần 320 tỉ đồng tại ngân hàng với tài sản đảm bảo là 50 căn hộ gắn liền với đất tại dự án này.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản ghi nhận thêm Công ty CP Địa ốc Phú Long ra mắt thị trường Hà Nội với dự án Splendora Bắc An Khánh giai đoạn 2 lên đến gần 200ha, Masteri Thảo Điền với dự án chung cư Premier Berriver số 390 Nguyễn Văn Cừ Long Biên. Dự án có quy mô cao 25 tầng với hơn 200 căn hộ.
Được biết, sắp tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục triển khai các dự án mới tại khu vực Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City và trong khu vực trung tâm TP. Hà Nội.
Không chỉ các doanh nghiệp phía Nam “ngại” Bắc tiến, các nhà đầu tư cá nhân hiện nay cũng rất ít xuất hiện trên thị trường bất động sản Hà Nội. Trong khi đó, nhà đầu tư Hà Nội lại xuất hiện và đầu tư rất nhiều bất động sản tại TP. HCM và các tỉnh vùng ven.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, các nhà đầu tư phía Bắc đầu tư vào thị trường phía Nam gần như đã hình thành một thói quen.
Từ cách đây 50 – 60 năm trước, người ta đã thấy người Bắc đi vào Nam lập nghiệp, những làn sóng di cư này rất mạnh mẽ trong khi đó, chưa bao giờ thấy làn sóng di cư ngược lại từ Nam ra Bắc. Điều này một phần rất lớn liên quan đến yếu tố tập tục văn hoá.
Ông Quyết cho rằng, yếu tố văn hoá cũng lý giải tại sao có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân từ Hà Nội vào Nam mua các bất động sản trong khi đó lại không thấy người Nam ra Bắc đầu tư. Nguyên nhân là do thói quen, tập tục của người Bắc vốn rất thích tích trữ tài sàn, đầu tư vào bất động sản để giữ tiền và sinh lợi thay vì tiêu xài như người miền Nam.
Nguyên nhân thứ hai khiến có quá ít doanh nghiệp TP. HCM đầu tư ra Hà Nội theo ông Quyết là do cơ chế thủ tục hành chính. Thủ tục đầu tư trong miền Nam nhanh gọn, thông thoáng hơn nhiều so với miền Bắc.
Đây là lý do khiến nhiều chủ đầu tư Nam tiến để tận dụng yếu tố thuận lợi hơn trong việc phát triển dự án so với miền Bắc. Trong khi đó, việc đầu tư dự án bất động sản ở phía Bắc lại có yếu tố “văn hoá riêng”, có phần “bảo thủ” khiến các nhà đầu tư phía Nam không quen, khó tiếp cận thì trường.
“Các nhà đầu tư miền Nam khi ra Hà Nội bị bỡ ngỡ về văn hoá, thủ tục đầu tư. Văn hoá đầu tư khác biệt giữa 2 miền đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi xâm nhập thị trường Hà Nội. Lâu dần, bản thân họ sẽ hình thành tâm lý “e dè” và không mấy hào hứng, thậm chí là “ngại” đầu tư ra Bắc”, ông Quyết nhìn nhận.
Mặt khác, theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, thói quen mua nhà của người miền Bắc cũng là nguyên nhân gây khó cho các doanh nghiệp miền Nam. Theo đó, người miền Bắc thường rất kỹ tính trong việc lựa chọn các sản phẩm nhà ở. Đây chính là sự khác biệt trong việc tiếp cận khách hàng mà không phải doanh nghiệp miền Nam nào cũng hiểu và thích nghi được với thị trường Hà Nội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản, văn hóa tiêu dùng của người mua nhà, thói quen của các nhà đầu tư ngoài Bắc khác rất nhiều so với thị trường trong Nam.
Nếu như thị trường miền Nam có tính bài bản, chuyên nghiệp cao thì thị trường Hà Nội lại phát triển dựa trên nhiều yếu tố như “thân quen, quan hệ”.
Các nhà đầu tư phía Nam khi ra Hà Nội nếu không thích ứng được với điều này sẽ rất khó phát triển. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp địa ốc Bắc tiến sau một thời gian đều từ từ rút hết, chỉ còn lại một số chủ đầu tư chấp nhận thay đổi, linh hoạt để phù hợp với thị trường.
Mặt khác, theo ông Đính, thị trường bất động sản Hà Nội “nhỏ bé” hơn nhiều so với TP. HCM, chỉ bằng một phần của thị trường TP. HCM. Mặc dù các chủ đầu tư ở Hà Nội bắt đầu chú trọng đến việc phát triển điều kiện hạ tầng, đầu tư tiện ích và cải thiện quy trình bàn giao. Tuy nhiên, trong con mắt của các nhà đầu tư TP. HCM, nhìn chung chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam. Chính vì vậy, cơ hội cho các nhà đầu tư địa ốc Bắc tiến là không nhiều.
Ở góc độ đầu tư, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội chia sẻ, các chủ đầu tư tại TP. HCM có thế mạnh trong việc phát triển đa dạng các mô hình kinh doanh nhà ở. Việc các chủ đầu tư lớn bao gồm cả trong nước và nước ngoài đều tập trung ở TP. HCM như Capital Land, Mitsubishi, Nam Long, Masterise giúp nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng sản phẩm cho các dự án tại đây.
Tuy nhiên, theo bà Minh, nguồn đất tại TP. HCM đang ngày càng khan hiếm. Giai đoạn 2018 – 2020 thủ tục pháp lý dự án tắc nghẽn dẫn đến thời gian đầu tư kéo dài, làm phát sinh chi phí tài chính rất lớn.
Bà Minh dự báo, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn các chủ đầu tư dịch chuyển từ TP. HCM ra Hà Nội để tìm kiếm những cơ hội mới. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp này có thể sẽ mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội do đây đều là những chủ đầu tư có nhiều kinh nghiệm về phát triển bất động sản.
Song theo bà Minh, thành công của các chủ đầu tư từ TP. HCM tại thị trường Hà Nội vẫn còn là một câu hỏi lớn do văn hoá kinh doanh, tâm lý, thị hiếu khách hàng trên thị trường Hà Nội khác rất nhiều trong TP. HCM.
Mặt khác, tại TP. HCM, những dự án tại trung tâm thành phố có thể lên đến và trên10.000USD/ m2. Tuy nhiên, ở Hà Nội, những dự án như vậy rất là ít và rất khó bán. Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nhà ở, tuy nhiên, thấu hiểu thị trường Hà Nội để đạt được thành công là một thử thách với các chủ đầu tư.
Nguồn dẫn: An Chi/ Nhà Quản trị
Link bài gốc: https://theleader.vn/ly-do-doanh-nghiep-dia-oc-tp-hcm-e-ngai-bac-tien-1604655522221.htm