Làn sóng dịch chuyển
Công ty TNHH Savills Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cơ sở sản xuất đa quốc gia chịu áp lực cắt giảm chi phí đã có xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam.
Theo Savills Việt Nam, trước đây, các nhà sản xuất không thiết lập nhà máy sản xuất ở Việt Nam do chuỗi cung ứng địa phương còn yếu kém. Tuy nhiên, bây giờ các công ty có vốn FDI không chỉ thành lập nhà máy mới ở Việt Nam mà còn có động lực lớn hơn để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng địa phương.
Bởi, Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng, đặc biệt là thành công trong việc kiểm soát tốt sự lây lan của dịch COVID-19 với nhiều chính sách, khoản hỗ trợ được duy trì tốt.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Việt Nam còn tăng cường chi phí xây dựng các cơ sở hạ tầng và ngăn chặn sự đóng băng của thị trường bất động sản. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường phục hồi sau đại dịch.
“Việt Nam có vị thế tốt, môi trường kinh doanh ổn định, đây là các yếu tố để phục hồi và phát triển mạnh sau COVID-19. Có thể thấy, lạm phát tiền lương tăng sau đại dịch thúc đẩy các nhà sản xuất rời Trung Quốc, làn sóng dịch chuyển đến thị trường các nước Đông Nam Á đang diễn ra và Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến của nhà đầu tư”, SaVills Việt Nam nhận định.
Là “đứa con đại diện” trong tương lai
Cũng theo Savills Việt Nam, trong bối cảnh hạn chế đi lại, hoạt động của lĩnh vực công nghiệp trong năm 2020, xoay quanh việc các công ty tại Việt Nam mở rộng hoặc di dời địa điểm sản xuất, cùng với đó là các giao dịch mua bán và sáp nhập lớn, sự xuất hiện của các tài sản phát mại và cơ sở vật chất để bán và cho thuê lại.
Mặt khác, nhu cầu về nhà kho, xưởng xây sẵn tăng mạnh do các nhà cung cấp dè dặt hơn trong việc cam kết thuê đất dài hạn hoặc dựa vào các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng của họ và sự phụ thuộc của ngành vào chuỗi cung ứng khi di dời ra khỏi Trung Quốc ngày càng rõ ràng từ các chủ đầu tư.
Savills nhận định, bước sang năm 2021 và trong tương lai, mô hình Trung Quốc +1 ngày càng được các nhà sản xuất hướng đến và mô hình này dẫn đến nhu cầu lớn hơn về địa điểm cho ngành công nghiệp.
“Các tập đoàn, chủ đầu tư sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm cho ngành công nghiệp, đặc biệt, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ trở thành “đứa con đại diện” cho ngành bất động sản trong tương lai, bởi, nhu cầu và hoạt động trên thị trường ngày càng tăng”, Savills Việt Nam dự báo.
Qua đó, để thu hút các nhà đầu tư, Savills cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đến nhiều yếu tố, trong đó, phải đảm bảo được nguồn cung lao động, bởi các ngành có giá trị gia tăng thấp sẽ tiếp tục gặp khó khăn với giá thuê và chi phí lao động tăng và để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ, chủ yếu đầu tư vào: Giáo dục, công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc.
Yếu tố thứ 2 là nguồn cung đất, theo Savills Việt Nam, Vụ Quản lý các Khu kinh tế (DEZM) công bố đã phê duyệt bản đồ quy hoạch tổng thể cho 561 dự án khu công nghiệp sắp tới với diện tích trên 201.000 ha. Trong số này, 259 khu sử dụng 86.500 ha vẫn chưa được thành lập và chiếm 43,1% tổng diện tích mới.
Do đó, cần hoàn chính khung pháp lý để phát triển các khu công nghiệp, tăng cường quản lý và đổi mới, cũng như nâng cao hiệu quả quy hoạch tổng thể. Đồng thời, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: Khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp…
Chiến lược “Trung Quốc + 1” là một phương pháp các doanh nghiệp dùng để bảo hiểm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Nghĩa là, các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc sẽ mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất sang các nước châu Á khác như: Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hoặc Myanmar..
Nguồn dẫn: PV/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-se-tro-thanh-dua-con-dai-dien-cua-nganh-bat-dong-san-trong-tuong-lai-d45089.html