Gần 3 thập kỷ vẫn chỉ nằm trên giấy
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992, có tổng diện tích rộng hơn 426 ha (toàn bộ địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM), với dân số khoảng 45.000 người.
Kể từ khi được phê duyệt đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Đến cuối năm 2004, công ty đã trình Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nhiệm vụ quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới – Thanh Đa.
Dù vậy, đến tháng 6/2005, Sở Quy hoạch Kiến trúc mới có báo cáo UBND TP.HCM nhiệm vụ quy hoạch này. Nội dung chủ yếu đề cập đến việc quy hoạch khu bán đảo Bình Quới – Thanh Đa trở thành là một đô thị sinh thái, hiện đại bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên, kết hợp chức năng thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc.
Đến đầu năm 2006, TP.HCM xác định cụ thể khu Bình Quới – Thanh Đa sẽ là khu đô thị mới với dân số khoảng 80.000 người. Theo đó, người dân trong khu quy hoạch sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang quận 9.
Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đã không thể triển khai được dự án. Đến năm 2010, đơn vị này đã bị chính quyền TP.HCM thu hồi giấy phép đầu tư vì đã “ngâm” quá lâu mà không triển khai.
Và câu chuyện doanh nghiệp tham gia vào dự án, rồi lại “phủi áo” ra đi cứ lần lượt tiếp diễn kéo dài hàng thập kỷ mà không thể thực hiện. Điển hình có thể kể đến như, năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời hạn 50 năm.
Nhưng đến giữa năm 2017, do vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã xin rút lui khỏi dự án vì không đủ kiên nhẫn để chờ đợi bàn giao mặt bằng sạch, khiến dự án lại tiếp tục bị kéo dài.
Đến cuối năm 2018, ông Võ Văn Hoan lúc đó là Chánh văn phòng UBND TP.HCM từng xác nhận đã có 4 nhà đầu tư nước ngoài xin ứng trước 3 tỷ USD để triển khai dự án. Tuy nhiên, về vấn đề này thành phố sẽ cho mở thầu công khai để chọn chủ đầu tư và khởi động lại quy hoạch dự án này.
Tiếp đó, tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình Kinh tế – xã hội trong 2 tháng đầu năm 2019, diễn ra vào trưa 5/3/2019, ông Võ Văn Hoan cho biết, dự án Bình Quới – Thanh Đa đến nay đã có 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu và cam kết ký quỹ hơn 3 tỷ USD. Đi cùng với đó là việc các nhà đầu tư đưa ra những yêu cầu đối với thành phố, nếu như họ trúng thầu thì thành phố phải bảo đảm thời gian giao đất, chi phí giải phóng mặt bằng, đơn giá sử dụng đất….
Cũng thời điểm này, có thông tin Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Keppel Land cũng mong muốn hợp tác để cùng đấu thầu, tham gia vào dự án đầu tư hạ tầng đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
Đến tháng 7/2020, xác nhận với Nhadautu.vn ông Võ Văn Hoan lúc này là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện nay dự án Bình Quới – Thanh Đa chỉ mới thông qua điều chỉnh quy hoạch, tới đây phía UBND TP.HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến dân.
Lúc đó, ông Hoan thông tin, “hiện đã có hơn 10 nhà thầu bao gồm cả nhà thầu quốc tế đã nộp đơn xin đấu thầu, tuy nhiên, vẫn phải chờ để lấy ý kiến dân, dự kiến là cuối năm 2020 sẽ hoàn tất việc quy hoạch cũng như sẽ triển khai lấy ý kiến của người dân”.
Đồng thời, theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, lần điều chỉnh này về cơ bản sẽ phù hợp hơn so với quy hoạch trước đó, tức là hạn chế giải tỏa dân cư và sử dụng đất công nhiều hơn. Dù nói là vậy nhưng thực hiện được hay không vẫn là một câu hỏi chưa có đáp án.
Tại buổi họp báo mới đây, trao đổi với Nhadautu.vn về tiến độ thực hiện dự án Bình Quới – Thanh Đa, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, dự án trước đây Thủ tướng Chính Phủ đã có chỉ thị cho Tập đoàn Bitexco và liên doanh Emaar Properties PJSC thực hiện, tuy nhiên, liên doanh này sau đó đã xin rút. Phía UBND thành phố sau khi nhận được báo cáo đã tiến hành triển khai các thủ tục xử lý tình huống theo quy định của Luật đấu thầu, cũng như dựa trên ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, thành phố nhận thấy không có cơ sở để tiếp tục chỉ định Tập đoàn Bitexco thực hiện đầu tư dự án.
“UBND thành phố cũng đã xin chủ trương của Thành ủy TP.HCM tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án. Hiện thành phố đang triển khai các bước để tổ chức đấu thầu theo quy định”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
“Đi không được, ở không xong”
Khu bán đảo Bình Quới – Thanh Đa từng được vẽ ra với viễn cảnh sau khi được quy hoạch sẽ là một khu đô thị sinh thái, hiện đại bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp chức năng thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, đến nay đã gần 30 năm trôi qua, chỉ vì bị bị vướng quy hoạch treo mà người dân tại bán đảo này phải sống trong khổ sở khi đi không được, mà ở cũng không xong.
Khi nhắc về cuộc sống của người dân nằm trong khu quy hoạch treo của dự án Bình Quới – Thanh Đa, thì chắc chẳng còn ai xa lạ với câu chuyện “nông thôn giữa lòng thành phố”, hiện nơi đây có hơn 3.000 hộ dân với khoảng 45.000 nhân khẩu, ngoài một số hộ dân kinh doanh, buôn bán ở dọc trục đường Bình Quới thì khi đi sâu bên trong bán đảo, đặc biệt là khu vực ven sông, đa số người dân vẫn lam lũ với nghề trồng lúa, chăn bò, nuôi cá….
Tưởng chừng như đây là không gian “yên bình” của một vùng nông thôn, thế nhưng, thực tế đằng sau đó là cuộc sống khốn khổ của hàng ngàn hộ dân đã kéo dài gần 3 thập kỷ qua vì dính quy hoạch. Điều đáng nói, khác với các khu vực nông thôn khác là người dân có thể xây dựng nâng cấp, làm lại căn nhà mình, thì người dân Bình Quới – Thanh Đa lại chẳng thể tự ý làm gì trên mảnh đất của mình. Suốt quãng thời gian dài, họ chỉ biết đến những dự định và lời hứa hẹn của chính quyền.
Theo người dân ở đây, mặc dù nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng họ không thể xây mới, muốn sửa chữa, cơi nới cũng phải xin phép, vướng rất nhiều thủ tục. Đến thời điểm hiện tại họ đã ngán ngẩm với 3 từ “quy hoạch treo”.
Chia sẻ với Nhadautu.vn, bà Hà (ngụ đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh) sinh sống gần 20 năm ở đây cho biết, việc xin phép xây dựng thậm chí là nâng cấp, sửa chữa nhà cửa đều rất khó khăn. Chính quyền chỉ cho phép xây tối đa 2 tầng và chỉ được xây dựng tạm, không hoàn công. Dù vậy, hàng năm vẫn phải đóng thuế theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng xây nhà thì không được.
“Tôi, hay bất kỳ ai cũng muốn xây dựng một căn nhà hoàn chỉnh, được hoàn công, đóng thuế theo đúng nghĩa vụ, được sống thoải mái trên chính mảnh đất của mình. Đối với những người không có điều kiện như tôi, giả sử như trong những lúc ốm đau, bệnh tật thì ngôi nhà ấy chính là tài sản duy nhất để mà sử dụng. Nhưng chỉ vì quy hoạch bị treo như vậy, nên việc bán đất, bán nhà giá cả cũng không tương xứng. Kể cả có bán được, thì số tiền đó cũng không thể mua nhà hay chung cư nơi khác để ở. Chưa kể, việc đi lại làm ăn của người dân sẽ khó khăn vì phải đi xa”, bà Hà bày tỏ.
Và đây cũng chính là vấn đề bức xúc của hầu hết các hộ dân sống đây trong thời gian qua. Nhiều người còn đặt ra nghi vấn tại sao họ thì không được xây dựng trong khi những căn villa hoành tráng, bề thế lại được xây dựng tại nơi này?. Ngoài gặp phải những khó khăn trong việc nâng cấp, sửa chữa nhà cửa, thì các tiện ích về hạ tầng, dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân cũng gặp nhiều trở ngại.
Một hộ dân (tại ngõ 45, phường 28) cho biết, việc sử dụng nước sạch cũng hết sức mệt mỏi, khi 9-10 hộ sử dụng chung một đồng hồ. Muốn xin sử dụng riêng cũng khó, kể có xin được thì việc kéo đường ống nước hàng km cũng không thể làm được vì người dân ở đây chả ai giàu có gì. Hay như lúc đồng hồ nước bị hỏng, đường ống vô tình bị vỡ khiến các hộ dân lại nghi ngờ nhau ăn gian làm đời sống trở nên xáo trộn, mất trật tự. Chưa kể, nước ở đây cũng hay bị cắt mà không có thông báo.
“Dân ở đây nghèo lắm, những lần đường ống nước bị hỏng, lượng nước hao hụt, tiền nước lại tăng, tốn cả triệu đồng. Trong khi chúng tôi 1 tháng sử dụng chẳng bao nhiêu, chỉ 8 m3 nước, nhưng vì hao hụt có khi lên tới gần 20 m3. Chưa kể, đường sá đi lại chật hẹp cũng không mở rộng chỉnh trang được, người già thì hay bệnh tật, muốn đi đâu đó cũng cực lắm. Trong những cuộc họp hay lấy ý kiến cử tri, chính quyền cũng không đề cập đến việc quy hoạch, dần dần chúng tôi cũng không mấy quan tâm nữa”, một hộ dân chia sẻ.
Đa số người dân khi được hỏi về nguyện vọng của mình, họ chỉ hy vọng, nếu như chưa quy hoạch, thì thành phố, chính quyền để cho họ có cuộc sống thoải mái như những nơi bình thường khác, được xây dựng, sửa chữa nhà cửa, các tiện ích hạ tầng, dịch vụ được chú trọng, nâng cấp hơn…
Danh tính 10 nhà đầu tư tham gia đấu thầu
Trước đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tại danh sách công bố các dự án đang được tái khởi động vào tháng 3/2020 thì dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đang được đề xuất giao cho Công ty TNHH TMDV KS Tân Hoàng Minh thực hiện lập đồ án quy hoạch dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng đã nhận được văn bản của 10 doanh nghiệp đề nghị được tham gia đấu thầu dự án Bình Quới – Thanh Đa gồm: Công ty TNHH Roytrade; CTCP Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam; Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á; Liên danh CTCP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land; Liên danh CTCP Đầu tư Thương mại DV Thuận Tuấn, Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd; CTCP xử lý ùn tắc giao thông – môi trường; CTCP Quy hoạch- Kiến trúc Gia Bảo; Liên danh CTCP AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih và CTCP Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân; CTCP Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Nguồn dẫn: Lý Tuấn – Nguyên Vũ/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/gan-3-thap-ky-vuong-quy-hoach-treo-nguoi-dan-binh-quoi–thanh-da-di-khong-duoc-o-khong-xong-d45176.html