Còn nhớ năm 1996, khi huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) được phê duyệt quy hoạch lên thành phố, là đô thị loại II với dân số dự kiến năm 2005 là 100.000 người cho diện tích 2.000ha và đến năm 2020 khoảng 500.000 người cho diện tích 8.000ha, nơi đây có đầy đủ các tiềm năng như công nghiệp, dân dụng, đô thị…
TS: Hơn 20 năm trước, tỉnh Đồng Nai quyết định phát triển huyện Nhơn Trạch thành một thị trường bất động sản sầm uất, là vệ tinh đắt giá của TP.HCM, một “Đông Sài Gòn”. Để thực hiện được kỳ vọng này, hàng loạt dự án lớn nhỏ ra đời dựa trên những tiềm năng về hạ tầng giao thông, khu công nghiệp… Thế nhưng tới nay thị trường này vẫn chưa đạt được kỳ vọng mà tỉnh đề ra. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, trong đó nguyên nhân chính là việc giao thông phát triển quá chậm so với các dự án đô thị. Và giờ đây, cơ hội để thị trường hồi phục phát triển theo kỳ vọng của Đồng Nai lại một lần nữa trỗi dậy.
Thị trường một thời tai tiếng
Huyện Nhơn Trạch nằm ở phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai, cách TP.HCM chỉ một con sông Đồng Nai. Từ TP.HCM có thể đi đến Nhơn Trạch bằng quốc lộ 51 hoặc từ trung tâm TP.HCM qua đường hầm sông Sài Gòn rồi đến cảng Cát Lái hoặc từ ngã ba Cát Lái (đại lộ Mai Chí Thọ) theo Đồng Văn Cống (quận 2), đi phà Cát Lái qua sông Đồng Nai – Nhà Bè là đến địa phận huyện Nhơn Trạch. Ngoài ra, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thành, đây cũng là một tuyến đường dẫn đến Nhơn Trạch thuận tiện. Bằng xe buýt, cũng có thể đón chuyến 603 từ bến xe Miền Đông đi Khu công nghiệp Nhơn Trạch.
Tuy nhiều lợi thế, nhưng thị trường bất động sản tại đây lại đầy tai tiếng về câu chuyện “bơm thổi” của nhà đầu tư bất động sản thành các cơn sốt đất. Sau những cơn sốt đất đi qua, những dự án hoang tàn đã làm cho Nhơn Trạch trở thành một trung tâm của những dự án vắng bóng người.
Cụ thể, đợt sốt đất đầu tiên diễn ra vào năm 1996, khi huyện này được phê duyệt quy hoạch lên thành phố, là đô thị loại II với dân số dự kiến năm 2005 là 100.000 người cho diện tích 2.000ha và đến năm 2020 khoảng 500.000 người cho diện tích 8.000ha. Huyện Nhơn Trạch lúc này đã có đầy đủ các tiềm năng như công nghiệp, dân dụng, đô thị…
Lần thứ 2, giá đất Nhơn Trạch lên đỉnh bắt đầu từ năm 2006, khi có thông tin xây cầu nối với quận 9, TP.HCM. Đến năm 2014, dự án sân bay quốc tế Long Thành được thông qua chủ trương, đất đai ở huyện Nhơn Trạch lại sốt lần thứ 3, sau đó trầm lắng.
Lần thứ 4 là vào năm 2016, khi TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái. Điểm đầu dự án kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 và điểm cuối cách bến phà Cát Lái hiện hữu khoảng 1,2km, thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.
Đợt sốt giá lần thứ 5 là hồi đầu tháng 8 năm 2018, khi UBND tỉnh Đồng Nai họp với TP.HCM về phương án xây cầu Cát Lái. Theo đó, Đồng Nai tỏ ra sốt ruột với việc TP.HCM chậm triển khai các thủ tục để có phương án xây cầu Cát Lái, nên tỉnh Đồng Nai đang muốn thay TP.HCM chủ trì thực hiện dự án.
Tại cuộc họp này, TP.HCM đồng ý để Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án xây cầu Cát Lái. Thông tin này một lần nữa đã khiến thị trường bất động sản Nhơn Trạch sốt ảo trở lại. Bởi tàn tích của những lần sốt đất trước đó là hàng trăm ha đất nền đã làm xong hạ tầng nhưng không có một nóc nhà, cỏ dại mọc um tùm. Một số biệt thự, chung cư đã xây xong phần thô để cho rêu phong phủ kín…
Tới năm 2019 và đầu năm 2020, thị trường Nhơn Trạch lại tiếp tục có 3 đợt sóng sốt đất ảo khi mà thông tin cầu Cát Lái được xây dựng. Tuy nhiên, những cơn sốt đất này không tồn tại lâu, và sau mỗi lần sốt đất thì thị trường lại im ắng trở lại.
Những dự án không người ở
Có thể thấy, khi những cơn sốt đất tại Nhơn Trạch tới cũng là lúc những dự án bất động sản được hình thành. Tuy nhiên, giờ đây những dự án này lại là những dự án không người ở dù được xây dựng nhà thô, hạ tầng giao thông nội khu hoàn chỉnh…
Đơn cử từ TP.HCM qua phà Cát Lái hướng vào trung tâm huyện Nhơn Trạch, dọc hai bên đường có một số dự án đất nền quy mô, đơn cử như dự án Swan Park. Trước đây dự án có tên Đông Saigon New City do Tổng Công ty Tín Nghĩa làm chủ đầu tư, nhưng mới đây đã chuyển lại cho Tập đoàn Swan City (thuộc Tập đoàn CFLD, Trung Quốc) triển khai.
Bên ngoài dự án Swan Park trông rất hoành tráng nhưng đi vào bên trong mới thấy sự vắng vẻ quạnh hiu. Khu đất rộng hàng trăm ha bị bỏ trống, vỉa hè trong tương lai cũng trở thành nơi tập kết rác thải.
Ngoài Swan Park, Tập đoàn Swan City còn có dự án khu đô thị Swan Bay nằm ở bán đảo Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. 27 ha giai đoạn 1 của dự án đã được triển khai cuối năm ngoái với mức giá từ 2,5 – 14 tỷ đồng/căn biệt thự/nhà phố. Tuy vậy, đến nay dự án này vẫn chưa đâu vào đâu.
Dọc theo đường Lý Thái Tổ hướng vào trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch, rất dễ bắt gặp hình ảnh những dãy biệt thự, nhà phố xây dựng dang dở bị bỏ hoang. Thậm chí có cả chung cư không bóng người ở.
Nằm dọc đường Thích Quảng Đức, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch là hình ảnh các biệt thự của dự án Khu cao ốc liên hợp Cát Tường Hưng Phát của Công ty Sova Holdings SDN.BHD. Dự án có quy mô rộng 5 ha nhưng đến nay, ngoài những biệt thự xây xong phần thô rồi bỏ hoang, cỏ mọc um tùm thì còn có không ít căn nhà chỉ dừng lại ở hạng mục xây móng.
Đi thêm gần chục km đến xã Phước An là dự án Khu dân cư Thăng Long Home – Phước An do Công ty CP Địa ốc Thăng Long (Thăng Long Real) làm chủ đầu tư.
Được xem là dự án nhà ở thương mại đầu tiên ở Nhơn Trạch, Khu dân cư Thăng Long Home – Phước An chính thức mở bán từ tháng 11/2015, nhưng đến nay phần lớn trong khoảng 400 căn nhà tại đây không có người ở, nhiều bảng rao bán nhà được trưng ra.
Nằm ở nơi heo hút của huyện Nhơn Trạch còn có dự án Ecosun trong tổng thể dự án Sunflower City của Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn (thành viên của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang). Phải có mặt tại đây mới thấy được hết vẻ hoang vắng của dự án này, hạ tầng xây dựng xong nhưng đã xuống cấp theo thời gian.
Ngoài ra, tại Nhơn Trạch còn nhiều dự án khác cùng trong cảnh hoang tàn không người ở. Theo các nhà đầu tư bất động sản tại đây, việc họ mua các dự án này bởi lời chào mời sinh lời và việc giá đất đẩy lên cao liên tiếp của các doanh nghiệp và dân môi giới địa ốc. Tuy nhiên, sau khi mua nhà thì lại không thể bán ra được cũng như giao thông không thuận lợi trong việc đi lại nên đành bỏ hoang.
(Còn tiếp)
Nguồn dẫn: Gia Huy/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/bo-mat-bat-dong-san-nhon-trach–dong-nai–bai-1-mot-thoi-hoang-kim-d45796.html