Đô thị hóa là hướng tới sự hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội với mục tiêu là đời sống cư dân khá giả hơn, sống tiện nghi, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, phát triển đô thị ở nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức.
Đô thị hóa – câu chuyện của hơn 20 năm về trước…
KTS. Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư là một trong những người từng tham gia thiết kế cho khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng năm 1997. Đó là khu đô thị Linh Đàm. Khi đó bà đã đau đáu dành hết tâm huyết, cân nhắc, đắn đo từng nét vẽ, để cùng với nhiều nhà kiến trúc sư khác, biến vùng đất trũng, ao hồ phía Nam thành khu đô thị mới khang trang, xanh – sạch – đẹp với gần 4.000 căn nhà, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hàng vạn cư dân thủ đô.
Phải khẳng định, khu đô thị mới Linh Đàm khi đó đã góp phần tích cực trong việc tạo dựng bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại cho thủ đô, nhất là đã tạo được bước đột phá khi phát triển khu vực phía Nam Hà Nội. Vậy mà nào ngờ, chỉ trong chốc lát, sự điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch đã “băm nát” một bức tranh đẹp. Và cũng bắt đầu từ đây, Hà Nội bắt đầu hình thành một “cuộc đua” của những tòa nhà cao ốc.
Điển hình như tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, một tuyến đường được kỳ vọng là huyết mạch mới tạo đà phát triển cho khu vực phía tây thành phố, giải tỏa một phần áp lực cho đường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, một loạt khu đô thị đã mọc lên bám dọc tuyến đường, với con số ước tính khoảng 30 – 40 tòa chung cư thuộc gần 20 dự án với chiều cao từ 20 đến trên 30 tầng, trong đó có những “đại đô thị” như khu đô thị Dương Nội với quy mô dân số lên tới 2,5 – 3 vạn người, hay khu Park City với quy mô xấp xỉ 2 vạn người. Ngoài ra, hàng loạt dự án với quy mô khủng cũng mọc lên nhanh chóng như dự án Handico, Diamond Flowers…
Loạn điều chỉnh quy hoạch – đô thị Hà Nội đang từng ngày bị bức tử
Đô thị hóa là một xu thế tất yếu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh và “nóng” sẽ để lại những hệ quả không tốt cho xã hội. Một đô thị nhếch nhác, thiếu bản sắc, một đô thị mà nhắc tới nó, KTS. Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viên Nghiên cứu định cư khôi hài khi ví von đó là những “đô thị phòng ngủ”… Đây là một trong những lát cắt về vô số hệ quả mà Việt Nam đã và đang phải gánh chịu trong quá trình phát triển đô thị hóa nhiều thập kỷ qua.
Một thành phố không có những công trình xây dựng mới thì không có điều kiện để phát triển, cả về kinh tế và văn hóa – xã hội. Nhưng xây dựng không theo quy cách nào cả, không có chuẩn mực thì cũng không thể nào tạo động lực phát triển, nếu không muốn nói là ngược lại.
Những năm gần đây, người dân đã chứng kiến không chỉ là sự gia tăng ô nhiễm, từ một loạt hệ thống nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện và nước thải công nghiệp mà còn phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm không khí cũng ngày càng tồi tệ gây hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường. Hiện Việt Nam đang đứng trong top 10 nước ô nhiễm không khí ở châu Á.
Bên cạnh đó, đô thị hóa nhanh với sức ép gia tăng dân số còn kéo theo cơ sở hạ tầng bị quá tải. Các điều kiện về kết cấu hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh viện, điện, nước, đường phố… không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân sống tại đô thị. Những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều chung cư cao tầng mọc lên trở thành những “điểm nóng” quá tải về trường lớp.
Đô thị Việt đánh mất bản sắc vì 4 cái “hóa”
Ở một góc nhìn khác, KTS. Nguyễn Thế Khải, người có tới 50 năm kinh nghiệm trong nghề và được mệnh danh là “người tạc hồn dân tộc trên mỗi công trình” cảm thấy nuối tiếc khi sự phát triển của đô thị đang đánh mất dần bản sắc riêng có của mỗi vùng. “Hiện nay kiến trúc Việt Nam đang đánh mất bản sắc bởi 4 cái “hóa”. Thứ nhất là các đô thị đang bị quốc tế hóa, TP.HCM bắt chước Bangkok, Hà Nội bắt chước TP.HCM. Các tỉnh lại bắt chước Hà Nội. Thứ hai là các làng xóm đang đô thị hóa một cách cứng nhắc, các khu Kim Liên, Trung Tự, Nhật Tân… mất dần. Thứ ba là các đô thị miền núi đang bị đồng bằng hóa. Thứ tư là kiến trúc của các dân tộc ít người đang bị kinh hóa, điều đó làm cho đâu đâu cũng giống nhau, mất đi các bản sắc”, KTS. Nguyễn Thế Khải xót xa bày tỏ.
Một điều nữa cũng khiến ông cảm thấy đau lòng, khi hiện nay ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, xuất hiện ngày càng nhiều những quảng cáo theo kiểu tây hóa như “Không khí châu Âu giữa lòng Hà Nội”, “Paris trong lòng thành phố”… Ông cho rằng, đây là những lời quảng cáo rất phản cảm, không thể chấp nhận được…
Việt Nam thất bại trong quá trình đô thị hóa – đâu là nguyên nhân?
PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng sự thất bại trong quá trình đô thị hóa ở nước ta bắt nguồn từ các nghịch lý trong đô thị hóa. Ở nhiều quốc gia trên thế giới đô thị hóa xảy ra trước công nghiệp hóa nhưng ở nước ta, quá trình này đã đi ngược lại. Làn sóng di cư tới các đô thị ngày càng gia tăng sớm hơn tốc độ tăng công nghiệp, dịch vụ. Nhu cầu định cư tại đô thị vì thế tăng theo, gây áp lực về công ăn việc làm, tắc đường và quá tải nhiều dịch vụ thiết yếu ở trung tâm cũ.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tất cả các bản quy hoạch ban đầu của đô thị đều rất nghiêm túc nhưng khi thực hiện thì lại có sự điều chỉnh vì lợi ích của nhà đầu tư còn cơ quan quản lý thì lại làm ngơ cho nhà đầu tư làm sai. Cho đến nay chưa một sai phạm nào liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch bị xử lý trách nhiệm đến cùng. Tất cả cái sự lôm nhôm này là vì lợi ích tư vẫn cài cắm lợi ích công.
“Thả phanh” cho quy hoạch, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng nhà cao tầng tràn lan… một phần do buông lỏng quản lý, điều này không thể phủ nhận, nhưng ở một góc độ nào đó, KTS. Phạm Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng khi còn tồn tại cơ chế xin – cho đã và đang mang lại lợi nhuận rất lớn cho chủ đầu tư thì tình trạng xây dựng bất chấp quy hoạch sẽ còn tiếp diễn. Thậm chí với một cách nói ví von, KTS. Phạm Thanh Tùng thẳng thắn chỉ ra, quy hoạch đô thị Hà Nội hiện nay đang bị các dự án đầu tư dẫn dắt.
Việt Nam – tìm lời giải để kiến tạo đô thị bền vững…
“Việt Nam sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất để đô thị hóa đúng đắn. Nếu thất bại trong đô thị hóa, chúng ta cũng sẽ thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa”… Đây là khẳng định của ông Nguyễn Sinh Hùng, lúc còn đảm nhiệm vị trí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại một hội nghị Đô thị Toàn quốc, cách đây hơn 10 năm. Bởi vậy có lẽ đã đến lúc, chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa, rất cần một cuộc “đại phẫu” để tìm cơ hội vàng bứt phá.
Thời gian gần đây, trước sức ép và ngổn ngang hệ lụy của quá trình đô thị hóa, Bộ Xây dựng đã tăng cường công tác quy hoạch xây dựng tại các đô thị bằng những khuôn khổ pháp luật như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các Nghị định Chính phủ… Nhưng có lẽ để phát triển đô thị bền vững, thì đó mới chỉ là điều kiện cần. Theo KTS. Nguyễn Hồng Thục, giai đoạn này, Việt Nam cần “kìm hãm”, làm chững lại sự phát triển nóng của quá trình đô thị hóa và quan trọng hơn là cần thay đổi tư duy về phát triển đô thị từ những nhà quản lý.
KTS. Nguyễn Hồng Thục cũng thừa nhận, xây dựng một đô thị bền vững cần rất nhiều tiêu chí, song không thể thiếu tiêu chí về chất lượng thị dân. Trong giai đoạn tới cần định hình những phẩm chất của một tầng lớp thị dân mới, sao cho xứng đáng là chủ nhân của những đô thị hiện đại. Nói cách khác, phẩm chất của những công dân đô thị cần được đặt ra, bức bách hơn là cả chuyện tắc đường hay ô nhiễm..
Đặc biệt đã đến lúc, Việt Nam cần quan tâm xây dựng mô hình đô thị xanh – đô thị thông minh, xem đó là giải pháp chiến lược được ưu tiên hàng đầu. TS. Nguyễn Hữu Ninh, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, một đô thị được coi là “chuẩn” xanh, cần nhiều yếu tố, trong đó cây xanh chỉ là một phần. Quan trọng hơn là ở đó phải kiểm soát được nguồn chất thải, tái sử dụng chất thải, sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường quản trị, vận hành xanh và cuối cùng là đảm bảo yếu tố cây xanh, mặt nước, văn hóa trong mỗi đô thị.
Đồng quan điểm này, bà Vương Phan Liên Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty Encity, công ty tư vấn quốc tế cung cấp các giải pháp đô thị và kiến tạo không gian tại Singapore và Việt Nam cho rằng: “Trong xu hướng sống mới của cư dân đô thị thời hiện đại và công nghệ 4.0, nhu cầu về nhà ở của người dân có thay đổi. Môi trường sống hiện đại phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, xanh, sạch, đẹp, gần gũi với thiên nhiên, nâng cao giá trị cuộc sống. Cùng với đó, không gian sống chất lượng còn phải bắt kịp với xu hướng công nghệ như sự thông minh, khả năng dễ sử dụng, tiện ích tối ưu trong mọi ứng dụng”.
Một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội là phát triển nhanh và bền vững thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Chắc chắn đây là một hướng đi đúng và cần thiết. Người dân thủ đô lại tiếp tục kỳ vọng và tin tưởng vào một nhiệm kỳ mới khởi sắc. Bởi lẽ, sự phát triển bao giờ cũng luôn đi kèm với những áp lực gìn giữ những giá trị cũ và tiếp thu phương thức mới phù hợp. Nhưng chắc chắn, một đô thị như Hà Nội, TP.HCM hay bất cứ một đô thị nào khác sẽ chỉ tốt hơn nếu ở đó con người được đặt ở vị trí trung tâm./.