Buổi đấu giá cổ phần HUD Kiên Giang do HUD sở hữu tới đây sẽ là cuộc cạnh tranh đầy thú vị của 12 ứng viên. Nhà đầu tư trúng thầu sẽ sở hữu 2 dự án khủng, trong đó có dự án hơn 90ha ở Phú Quốc.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) vừa công bố danh sách 12 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện về năng lực tham gia đấu giá theo lô cổ phần CTCP Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang (HUD Kiên Giang). Được biết, việc thoái vốn tại HUD Kiên Giang được thực hiện theo định hướng của Bộ Xây dựng đến năm 2025, trong đó, giai đoạn 2019 – 2020, HUD dự kiến thoái vốn tại 17 công ty con.
Theo danh sách được công bố, có 4 nhà đầu tư cá nhân là ông Nguyễn Quế Sơn, ông Nguyễn Đình Tùng, ông Đoàn Văn Vinh và bà Phạm Thị Xuân. Còn 8 nhà đầu tư là tổ chức gồm CTCP Thương mại Xây dựng Trí Dũng, Công ty TNHH Bất động sản Tân Hà Thành, CTCP Tư vấn Đầu tư Bluechip IB, CTCP Dịch vụ Đầu tư và Quản lý Bất động sản Việt, CTCP Thương mại Phát triển Hoà Phát, CTCP IVLAND, CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thăng Long.
Giữa các nhà đầu tư đã lọt qua vòng xét tuyển năng lực, đâu sẽ là cái tên được chọn? Kết quả chung cuộc sẽ phải chờ đến khi phiên đấu giá kết thúc. Do vậy, trong phạm vi bài viết, Nhadautu.vn sẽ chỉ cung cấp thêm một số thông tin về các ứng viên cho lô cổ phần này.
Đầu tiên là CTCP Thương mại Xây dựng Trí Dũng, công ty này được thành lập vào tháng 9/2017, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật. Tại ngày 31/12/2019, vốn điều lệ công ty này ở mức 20 tỷ đồng, thành phần cổ đông lớn gồm Trần Đức Dũng (25%), Nguyễn Quang Trí (50%) và Nguyễn Thị Kim Chung (25%). Tình hình hình doanh của công ty này không ổn định trong 4 năm gần đây, riêng năm 2019, doanh thu thuần của Trí Dũng đạt 2,85 tỷ đồng còn lợi nhuận thuần ở mức 100 triệu đồng.
Công ty TNHH Bất động sản Tân Hà Thành chỉ mới được thành lập vào tháng 10/2020, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất với vốn điều lệ ban đầu ở mức 50 tỷ đồng, cổ đông gồm Lê Thị Thu Hiền (95%) và Phạm Trung Kiên (5%). Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật tại đây là ông Phạm Trung Kiên (SN 1984). Ngoài Tân Hà Thành, ông Kiên cũng là chủ sở hữu tại Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hải Thịnh (thành lập năm 2017, vốn điều lệ 1 tỷ đồng).
CTCP Tư vấn Đầu tư Bluechip IB (tên viết tắt BCIB) được thành lập vào tháng 4/2018, hoạt động chính trong lĩnh vực hỗ trợ tài chính. Tại ngày 31/8/2020, vốn điều lệ công ty này ở mức 8 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là bà Đặng Thị Thuyết (sinh năm 1979), còn Tổng Giám đốc là Trần Anh Đức (SN 1979).
CTCP Dịch vụ Đầu tư và Quản lý Bất động sản Việt (viết tắt VISAMCO) được thành lập vào cuối năm 2011, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực môi giới, đấu giá bất động sản. Tại ngày 31/12/2019 vốn điều lệ công ty này ở mức 20,1 tỷ đồng, thành phần cổ đông lớn gồm: Nguyễn Việt Hải (30,93%), Trần Văn Hùng (24,22%), Nguyễn Thị Thu Hà (7,45%).
CTCP Thương mại Phát triển Hoà Phát được thành lập vào tháng 3/2020, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Tiến Dũng (nắm giữ 90% VĐL), bà Vũ Thị Thanh (5%) và bà Phạm Trâm Anh (5%). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1986).
CTCP IVLAND được thành lập vào tháng 5/2020 với vốn điều lệ ban đầu ở mức 50 tỷ đồng, cổ đông góp vốn gồm: Nguyễn Ngọc Tiến (20%), Nguyễn Công Hiền (40%) và Nguyễn Văn Trang (40%). Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là Nguyễn Công Hiền.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thăng Long tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Dự án Mễ Trì, được thành lập vào tháng 1/2012. Đầu năm nay, công ty này nâng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 1.200 tỉ đồng. Chủ tịch công ty hiện tại là bà Bùi Thị Huyền Trang (SN 1990), trước đây vị trí này do doanh nhân Bùi Mạnh Hưng (SN 1972) đảm trách. Vị doanh nhân 1972 này còn đứng tên tại nhiều công ty vốn nghìn tỷ khác là CTCP Đầu tư Địa ốc Thành phố – Đảo Phú Quốc, Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố, Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Thành Phố, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Nhà Gia Định.
Ngoài ra, trong danh sách nhà đầu tư tổ chức xuất hiện cái tên đáng chú ý là CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, pháp nhân này thành lập vào tháng 2/2019 và là thành viên thuộc Tập đoàn Tân Á Đại Thành do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Mai Phương trực tiếp nắm giữ 50% vốn. Cuối tháng 1/2020, công ty này tăng vốn điều lệ từ 510 tỷ đồng lên 1.657 tỷ đồng.
Trong khi đó các nhà đầu tư cá nhân được công nhận năng lực lại là một ẩn số lớn, chỉ biết rằng trong số này, doanh nhân Đoàn Văn Vinh (SN 1987) chính là chủ sở hữu của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Minh Phúc Thịnh, một công ty quy mô khá nhỏ.
Mặc dù vẫn chưa có quá nhiều dữ kiện để đánh giá đầy đủ nhất về 12 ứng viên cho 34,8 triệu cổ phần (tương ứng 98,15% VĐL) của HUD Kiên Giang do HUD đưa ra đấu giá, song cần nhấn mạnh rằng, mức giá khởi điểm mà HUD đưa ra cho lô cổ phần này là 34.000 đồng/cổ phần. Phía HUD sẽ bán đấu giá trọn lô cổ phần của HUD Kiên Giang, tức là mỗi nhà đầu tư trên sẽ phải chi số tiền không hề nhỏ là 1.184 tỷ đồng để mua được cổ phần trong phiên đấu giá này.
HUD Kiên Giang tiền thân là Công ty Xây dựng Kiên Giang được UBND tỉnh thành lập năm 1993. Năm 1996, công ty hợp nhất với Kinh doanh nhà Kiên Giang. Đơn vị được cổ phần hóa vào năm 2005 và đến năm 2008 được chuyển giao về HUD.
HUD Kiên Giang chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 7/2014 với vốn điều lệ 355 tỷ đồng. Hiện công ty sở hữu 5 công ty con và 6 công ty liên kết, hoạt động kinh doanh chính trong 4 lĩnh vực gồm: Đầu tư tài chính, Xây lắp, Bất động sản và Kinh doanh vật liệu xây dựng. HUD Kiên Giang quản lý và sử dụng 4 cơ sở nhà và đất tại tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích lên tới 65.701 m2, trong đó tất cả là đất thuê.
Theo bản công bố thông tin đấu giá, hiện HUD Kiên Giang đang quản lý và sử dụng 5 cơ sở nhà đất, bao gồm trụ sở làm việc, nhà máy sản xuất bê tông, trạm trộn bê tông, khu du lịch sinh thái Bãi Chén.
Công ty này cũng đang thực hiện và chuẩn bị đầu tư 2 dự án là khu du lịch sinh thái Bãi Chén (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) và khu dân cư và đô thị mới Suối lớn (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Trong đó, với dự án khu du lịch sinh thái Bãi Chén, HUD Kiên Giang được UBND tỉnh Kiên Giang giao 19.294,3m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh vào năm 2009, có thời hạn đến năm 2059; giao 22.871,4m2 đất có mặt nước ven biển vào năm 2010, có thời hạn đến năm 2060. Tính đến tháng 6/2020, chi phí xây dựng cở bản dở dang của dự án này là 5,66 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đã kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa hoàn thiện để đưa vào hoạt động nên dự án có thể gặp rủi ro bị UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi theo quy định của pháp luật.
Về dự án khu dân cư và đô thị mới Suối Lớn, hiện HUD Kiên Giang vẫn đang thực hiện các thủ tục để chuẩn bị đi vào đầu tư. Quy mô ban đầu của dự án là 187ha (được phê duyệt vào năm 2009). Sau khi được điều chỉnh lên 280,7ha vào năm 2011 thì đến năm 2012, dự án được điều chỉnh xuống còn 90,17ha.
Dẫu vậy, tình trạng pháp lý cũng cho thấy một số rủi ro của dự án này khi đã kéo dài nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, một phần diện tích của dự án thuộc quỹ đất dự trữ phát triển cần xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án.
Song sức hấp dẫn của dự án này không vì thế mà giảm đi bởi lẽ mới đây Phú Quốc đã chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc thị trường bất động sản nơi đây sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bên cạnh 2 dự án trên thì HUD Kiên Giang còn là đơn vị trúng thầu thi công dự án khu dân cư trường nhà trẻ mẫu giáo Ba Hòn (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Điểm đáng chú ý của dự án này là việc thanh toán cho nhà thầu thi công là HUD Kiên Giang sẽ được thực hiện với nguồn vốn thanh toán là quyền sử dụng đất của dự án. Theo đó, HUD Kiên Giang thống nhất nhận 15 nền đất với tổng diện tích là 2.118,5m2, tổng giá trị là hơn 2,6 tỷ đồng, đối ứng với giá trị khối lượng thi công đã được nghiệm thu đợt 1 của dự án là hơn 2,7 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của HUD Kiên Giang là hơn 29,5 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn 18%, đạt hơn 26,4 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của HUD Kiên Giang đạt 475,5 tỷ đồng, tăng 1% so với thời điểm đầu năm, vốn chủ sở hữu ở mức 382 tỷ đồng.
Nguồn dẫn: Khánh An/ Nhà đầu tưLink bài gốc: https://nhadautu.vn/so-gang-12-ung-vien-tranh-lo-co-phan-1200-ty-dong-cua-hud-kien-giang-d46314.html