Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến giảm tối đa 4%, dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua.
Đây là nhận định trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam “Điểm lại” của Ngân hàng Thế giới (WB).WB cho rằng Việt Nam có kết quả như trên nhờ khả năng chịu đựng của cả khu vực kinh tế trong nước và đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết định và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các khóa chính sách và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho các khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi.
Báo cáo cũng cho thấy, khu vực kinh tế đối ngoại – động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua đạt kết quả rất tốt khi khủng hoảng COVID-19 bắt đầu. Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu hàng hóa lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng cường đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hồi.
Báo cáo cho biết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư, dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam do đã quản lý tốt đại dịch. Trong thời gian tới, triển vọng của kinh tế Việt Nam được đánh giá tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định mức 6,5% các năm tiếp theo.
Dự báo này của WB được đưa ra dựa trên giả định rằng khủng hoảng COVID-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vắc xin COVID-19 chứng minh được tính hiệu quả.Bên cạnh yếu tố tích cực, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, tại Việt Nam vẫn còn tiềm tàng những rủi ro tài chính và xã hội, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau COVID-19. Việt Nam đang có cơ hội để lựa chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm, nhờ đó trở thành vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch và hay thảm họa thiên nhiên.
“Việt Nam cần xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như đã làm với COVID-19 vì cái giá phải trả từ việc không hành động ngày càng tăng và khó có thể đảo ngược. Đợt bão lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua và ô nhiễm không khí tăng lên ở các thành phố lớn trong nước là minh chứng rõ ràng về sự mong manh dễ tổn thương”, bà Carolyn Turk nói.
Trước khi báo cáo của WB được công bố, nhiều tổ chức trong và ngoài nước cũng đưa ra những đánh giá độc lập về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 và triển vọng 2021.
Theo Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, thay vì điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế theo hướng tích cực hơn so với dự báo hồi tháng 9/2020, ADB hạ dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN từ mức âm 3,8% xuống âm 4,4%. “Tăng trưởng kinh tế ở khu vực ASEAN vẫn chịu áp lực khi những đợt bùng phát COVID-19 và các biện pháp ngăn chặn vẫn tiếp tục, nhất là ở Indonesia, Malaysia và Philippines”, báo cáo của ADB bình luận.
Nằm trong khu vực ASEAN, nhưng Việt Nam là ngoại lệ khi ADB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 là 2,3% (trong khi 9 tháng đầu năm mới tăng 2,12%) thay vì chỉ tăng 1,8% như dự báo được đưa ra hồi tháng 9/2020.
Trong khi đó, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế- xã hội quốc gia (NCIF) ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam đạt 2,48%; CPI tăng 3,85.
Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam, PGS.TS Phạm Thế Anh (chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR) dự báo, năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,6 – 2,8%.
“Mức dự báo này thấp hơn so với dự báo trước đây do nguy cơ dịch bệnh quay trở lại luôn rình rập và hậu quả của bão lũ ở miền Trung trong tháng 10 vừa qua làm gián đoạn quá trình phục hồi của ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí, ăn uống và hàng không nội địa”, ông Thế Anh cho biết.
Mặc dù dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 của VEPR (tăng 2,6 đến 2,8%) khả quan hơn so với NCIF (2,48%), nhưng VEPR cũng không chắc chắn trước thực tế bệnh dịch ở các trung tâm kinh tế – tài chính quan trọng của thế giới tái bùng phát mạnh mẽ, nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới buộc phải tái phong tỏa xã hội. Vì vậy, VEPR cũng đưa ra kịch bản thứ hai là GDP năm 2020 chỉ tăng 1,8 – 2,0% trong điều kiện các đối tác kinh tế, thương mại, du lịch của Việt Nam tái áp đặt lệnh phong tỏa xã hội.
Nguồn dẫn: My Anh/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/wb-kinh-te-viet-nam-du-kien-tang-truong-gan-3-nam-2020-d46612.html