50 thương vụ đầu tư và M&A do Diễn đàn M&A Vietnam công bố giai đoạn 6/2019 – 10/2020. Giá trị thương vụ được ghi nhận theo thông tin công bố hoặc theo tính toán độc lập.
Giá trị các giao dịch đầu tư và M&A của 50 thương vụ của List 50 do Diễn đàn M&A Vietnam công bố giai đoạn 6/2019 – 10/2020 ước đạt 4,3 tỷ USD. Quy mô trung bình mỗi thương vụ tiêu biểu bình quân 86,9 triệu USD/thương vụ.
Những thương vụ lớn (quy mô > 100 triệu USD) ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây, giai đoạn 2019 – 2020 giá trị các thương vụ có quy mô > 100 triệu USD, chiếm 79,34% tổng giá trị của 50 thương vụ.
Các doanh nghiệp Việt Nam là người mua tích cực trong List 50 gồm Masan, Vinamilk, Gelex, Thaco, REE…, với 37,52% tổng giá trị. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A gồm Hàn Quốc 21,64%, Nhật Bản 12,73%, Thái Lan 10,73%, Singapore 9,85%.
Các thương vụ trong List 50 phản ánh xu hướng M&A khi tập trung vào các ngành bất động sản, tài chính – ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ… bên cạnh đó, những ngành khác có thương vụ trong danh sách bao gồm logistic, dược phẩm – y tế, đào tạo…
Danh sách List 50 được tổng hợp của nhóm nghiên cứu MAF và Viện CMAC. Giá trị thương vụ được ghi nhận theo thông tin công bố hoặc theo tính toán độc lập của Nhóm nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục nhận được các thông tin công bố của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà tư vấn để xây dựng Danh sách List 50 hàng năm.
Kwangju Bank – Morgan Stanley Hướng Việt
Theo thông tin từ cuối năm 2019, Kwangju Bank đã ký thỏa thuận nội dung mua lại 100% vốn Công ty chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt. Đến đầu năm 2020 các cổ đông cùng thống nhất chuyển nhượng vốn cho The Kwangju Bank. Giá trị thương vụ này, theo The Investor Korea, khoảng 382 tỷ đồng.
Sau thương vụ, Công ty Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt (MGSG) đã chính thức đổi tên thành Công ty Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV). Bên cạnh đó, công ty này cũng chuyển đổi loại hình từ công ty cổ phần trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Sau chuyển đổi, JBSV sẽ nắm 100% vốn tương ứng 300 tỷ đồng, kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ của MGSG.
Pharmacity
Chuỗi dược phẩm Pharmacity vừa công bố vừa gọi vốn thành công 730 tỷ đồng (tương đương 31,8 triệu USD) – khoản đầu tiên của vòng Series C và cũng là mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Nguồn vốn này chuỗi dự kiến sử dụng nhằm phát triển mạnh trong thời gian tới.
Riêng năm 2020, Pharmacity đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng, hướng đến mốc 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021. Tương ứng, doanh thu kỳ vọng dự tăng 230%.
Bên cạnh thành công của đợt gọi vốn Series C, cuối năm 2019, Pharmacity đã hoàn tất phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu với lượng mua vượt lượng đăng ký.
Về tình hình kinh doanh năm vừa qua, doanh thu Pharmacity tăng khoảng 129%, mở rộng đáng kể hệ thống nhà thuốc thông qua mở thêm 95 cửa hàng, đạt con số 252 đơn vị, tương ứng mức tăng trưởng 61% so với năm trước.
Smilegate (Hàn Quốc) – Lozi
Đầu tháng 11/2019, Lozi – công ty sở hữu ứng dụng giao hàng theo yêu cầu LoShip vừa kết thúc một vòng gọi vốn với giá trị lên đến 8 chữ số (từ 10 triệu USD trở lên), do công ty đầu tư Smilegate của Hàn Quốc dẫn đầu. Thương vụ gọi vốn này của Lozi tiếp tục cho thấy các nhà đầu tư Hàn Quốc đang ngày càng quan tâm đến các công ty công nghệ Việt Nam.
Với nguồn vốn mới, công ty kỳ vọng mang về doanh thu 31 triệu USD trong năm 2020. Startup này cũng dự kiến ra mắt dịch vụ Lo-xe trong thời gian tới, chính thức tham gia thị trường gọi xe đầy khốc liệt và trở thành đối thủ của Grab, Be, Goviet.
Kaizen Private Equity – Yola
Vào tháng 7/2019, Kaizen Private Equity (Kaizen PE) – quỹ đầu tư chuyên về mảng giáo dục có trụ sở tại Singapore và Ấn Độ quỹ chuyên đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại các thị trường mới nổi, đã công bố rót vốn 10 triệu USD vào tổ hợp giáo dục Yola – startup cung cấp dịch vụ giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Đây cũng là thương vụ đầu tư đầu tiên của Kaizen PE tại Việt Nam.
Đại diện startup cho biết đã đào tạo hơn 30.000 học viên, với mạng lưới 14 cơ sở tại TP.HCM và Hà Nội. Nhiều cựu học viên của Yola đã được nhận vào hơn 200 trường đại học lớn ở Mỹ, Australia, Anh… Thông qua hợp tác với Kaizen Private Equity, Yola có được một đối tác có chung tầm nhìn về tác động giáo dục và xã hội tiếp tục thực hiện sứ mệnh với cộng đồng 500.000 học viên.
PAN GROUP – VFG
Tập đoàn Pan thông báo chào mua công khai gần 4,81 triệu cổ phiếu của CTCP Khử trùng Việt Nam. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VFG mở đầu phiên 01/09/2020 ở mức 43.600 đồng/cổ phiếu, tăng gần 9% so với đầu năm 2020. Tổng giá trị thương vụ có thể lên tới 209 tỷ đồng.
Hiện tại, PAN đang sở hữu 13,24 triệu cổ phiếu VFG, tương đương 41,26% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của VFG. Dự kiến sau khi kết thúc đợt chào mua, số lượng cổ phiếu VFG mà PAN sở hữu sẽ tăng lên mức 18,05 triệu cổ phần, tương đương 56,25% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của VFG.
PAN tập trung theo đuổi mục tiêu dài hạn là phát triển ba mảng kinh doanh lớn gồm nông nghiệp, thực phẩm và phân phối hàng tiêu dùng nên việc chào mua công khai cổ phần của VFG sẽ giúp PAN khép kín qui trình sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, tối ưu hoá lợi nhuận.
VinCommerce – Queensland Mart
VinMart thâu tóm chuỗi 8 siêu thị Queenland Mart tại TP.HCM. Theo đó, 8 siêu thị Queenland Mart chính thức sáp nhập với hệ thống VinMart, nâng tổng số điểm bán VinMart lên 120. Tính cả VinMart+, Vingroup hiện sở hữu chuỗi siêu thị lên tới 2.122 điểm bán.
Chuỗi siêu thị Queenland Mart thuộc CTCP thực phẩm Bông Sen, được thành lập vào năm 2014 với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh hệ thống siêu thị, bán lẻ.
Hồi tháng tháng 4/2019, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+, công bố việc sẽ nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go với giá… 1 USD.
Doji – Thế giới Kim cương
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố mua lại chuỗi Thế giới Kim cương. Doanh thu của chuỗi Thế giới Kim cương hiện ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Với hệ thống 34 chi nhánh tại 34 tỉnh, thành phố của chuỗi Thế giới Kim cương, DOJI sẽ nâng tổng số điểm bán đang sở hữu lên gần 200 sau khi tiếp quản.
Trước khi mua lại Thế giới Kim cương, DOJI cũng đã từng thực hiện một số vụ M&A trong ngành. Giai đoạn 2006 – 2007, ông Đỗ Minh Phú mua cổ phần chi phối Công ty SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng, mở đường cho DOJI tiến vào thị trường kinh doanh và phân phối vàng miếng.
Haseko – Ecoba Xây dựng
Haseko Corporation (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Ecoba Việt Nam vừa chính thức công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai bên, trong đó Haseko Corporation đã hoàn tất đầu tư mua 36% cổ phần của Ecoba Việt Nam, một công ty trong lĩnh vực thiết kế – xây dựng – hoàn thiện công trình và là nhà thầu chuyên nghiệp trong ngành xây dựng.
Haseko Corporation là một trong những tập đoàn xây dựng và phát triển bất động sản tên tuổi và uy tín nhất tại Nhật Bản với tổng tài sản lên tới 6,8 tỷ USD. Haseko Corporation đánh giá cao cơ hội đầu tư vào Ecoba Việt Nam, đặc biệt là khả năng cung cấp các gói dịch vụ tổng thầu xây dựng cho các công trình có quy mô tại Việt Nam.
Lotte Chemical – Vina Polytech
Lotte Chemical gần đây đã mua lại Vina Polytech để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành công ty hóa chất lớn thứ bảy trên thế giới, theo báo cáo của Businesskorea.co.kr. Lotte Chemical đã mở rộng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á, vốn trước đây chỉ tập trung vào các vật liệu cơ bản, bao gồm cả vật liệu công nghệ cao.
Lotte Chemical đã chi hàng tỷ won để mua lại Vina Polytech, công ty sản xuất vật liệu cho thiết bị gia dụng và các sản phẩm di động. Việc mua lại nhằm mục đích đa dạng hóa danh mục kinh doanh ở nước ngoài của Lotte Chemical, từ vật liệu cơ bản đến công nghệ cao.
Được thành lập vào tháng 5/2010, Vina Polytech chuyên sản xuất hạt nhựa PC và nhựa ABS. Đặt tại Khu công nghiệp Bắc Ninh, công ty có vốn đầu tư đăng ký và vốn điều lệ là 1,2 triệu USD.
Tokyu Construction Corporation – Indochine Engineering
Indochine Engineering, một công ty tư vấn kỹ thuật đa ngành, hoạt động chủ yếu tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á đã thông báo sáp nhập vào Công ty Tokyu Construction Corporation (mã chứng khoán TYO 1720:JP). Tokyu Construction phát triển từ nguồn gốc ban đầu là các dự án phát triển đô thị khu Shibuya và dọc theo các tuyến tàu điện Tokyu ở Tokyo.
Ông Mitsuhiro Terada, Chủ tịch của công ty Tokyu Construction Co., Ltd. phát biểu “Chúng tôi rất vui mừng khi bắt đầu sự hợp tác mới với Indochine Engineering. Indochine Engineering sở hữu đội ngũ hơn 80 kỹ sư có tay nghề cao, dày dạn kinh nghiệm, và danh tiếng trong lĩnh vực ứng dụng BIM.
“Chúng tôi lấy làm vinh hạnh gia nhập vào Tokyu Construction”, ông Carl Gay, Tổng giám đốc Indochine chia sẻ. “Với những công trình xây dựng tầm cỡ và kinh nghiệm phát triển đô thị ở Tokyo, Tokyu Construction thực sự quan tâm đến năng lực cốt lõi của chúng tôi là tư vấn thiết kế sử dụng BIM và khả năng làm việc trực tuyến, cũng như các cơ hội ở thị trường mới nổi tại Việt Nam và các nơi khác trong khu vực Đông Nam Á.”
Nguồn dẫn: Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/50-thuong-vu-dau-tu-va-ma-viet-nam-2019—2020-phan-4-d134511.html