Chiều 5/1, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký ban hành quyết định “Phê duyệt đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030.
Theo quyết định này, Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030 (gọi tắt là Đề án) gồm:
Nhóm giải pháp về chính sách quản lý, bao gồm: Công bố đề án; lập kế hoạch và xúc tiến đầu tư; quản lý danh mục dự án đầu tư; chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh quy hoạch; quy chế quản lý về nguồn vốn và quản lý dự án đầu tư.
Nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2030, bao gồm: Giải pháp phát triển; giải pháp huy động vốn và lộ trình thực hiện.
Nhóm giải pháp về nguyên tắc đề xuất chủ trương đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2030.
Kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước dự kiến đầu tư các dự án chuyển tiếp thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 và các dự án trọng điểm, cấp bách ngành giao thông vận tải.
Các nguồn vốn khác (vốn đầu tư từ Trung ương, vốn vay ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, vốn doanh nghiệp,…) dự kiến đầu tư các dự án đường bộ gồm: Vành đai 3, 4, các dự án cao tốc, cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ…; các dự án đường sắt đô thị, BRT; các cảng đường thủy nội địa và cảng cạn; cải tạo, mở rộng và xây mới các bến xe liên tỉnh, bến xe hàng và bến hàng hóa…
Khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.
Hệ thống cầu vượt tại nút giao Đại học Quốc gia TP.HCM, TP. Thủ Đức
Để đảm bảo đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có tính kết nối đồng bộ, sử dụng nguồn lực ngân sách đầu tư có hiệu quả cao, trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức độ ưu tiên đầu tư đối với các dự án ngành giao thông (quy hoạch, mô phỏng dự báo tình hình giao thông,…), Sở GTVT TP.HCM căn cứ vào danh mục dự án theo thứ tự ưu tiên trong giai đoạn 2021 – 2030 để tham mưu lập và trình UBND TP.HCM chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi TP.HCM quản lý.
Cụ thể, các công trình hạ tầng giao thông do Sở GTVT TP.HCM quản lý và chủ trì lập đề xuất chủ trương đầu tư (bao gồm các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP). Các công trình hạ tầng giao thông kết nối liên quận, huyện sẽ do Sở lập đề xuất chủ trương đầu tư. Các dự án hạ tầng giao thông chỉ được tổ chức lập chủ trương đầu tư khi thỏa mãn các điều kiện, tiêu chí đánh giá mức độ ưu tiên đầu tư theo các nguyên tắc của Đề án được phê duyệt.
Sở GTVT TP.HCM chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND 24 quận, huyện và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
Sở GTVT TP là cơ quan thường trực, khẩn trương tham mưu UBND TP.HCM ban hành kế hoạch phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả.
Định kỳ hàng năm, Sở GTVT TP.HCM chủ trì sơ kết, báo cáo UBND TP.HCM kết quả thực hiện Đề án; phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị liên quan để tham mưu, đề xuất điều chỉnh các nội dung cần thiết để phù hợp với quy định và tình hình thực tế.
Sở KH-ĐT TP.HCM và Sở Tài chính TP.HCM trên cơ sở danh mục dự án trọng điểm, cấp bách (nhóm dự án tiên quyết, ưu tiên 1) thuộc Đề án theo đề xuất của Sở GTVT TP và các cơ quan liên quan, 2 sở này căn cứ các quy định pháp luật có liên quan để tham mưu UBND TP.HCM bố trí kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm để triển khai thực hiện Đề án.