UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất phương án kêu gọi đầu tư vào các dự án giao thông của Thành phố, trong đó có 4 dự án metro, với tổng vốn đầu tư 9,7 tỷ USD.
Theo đó, 4 tuyến metro được UBND TP.HCM đề xuất kêu gọi đầu tư gồm: Tuyến metro số 2 (giai đoạn 2 gồm 2 đoạn tuyến: Bến Thành – Thủ Thiêm và Tham Lương – bến xe Tây Ninh ở Củ Chi) dài 9,1km với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Dự án sẽ giúp kết nối hành khách từ Tây Bắc thành phố tới trung tâm, trung chuyển với các tuyến metro khác và đường sắt quốc gia, tương lai sẽ kết nối tuyến đường sắt Thủ Thiêm – sân bay Long Thành (Đồng Nai).
Tuyến metro số 3A (Bến Thành – Tân Kiên) dài hơn 19,5km, tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD. Dự án nhằm kết nối với các tuyến metro khác tại ga Bến Thành (quận 1) để vận chuyển khách từ trung tâm đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, định hướng kết nối TP. Tân An (Long An).
Tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân – KCN Hiệp Phước) dài 36,2km, tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỷ USD, mục tiêu vận chuyển khách dọc theo các khu dân cư đông đúc nhất của thành phố qua khu vực Bến Thành theo trục Bắc – Nam.
Tuyến metro số 5 (giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn) gần 9km có tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ USD. Đây là một trong 3 tuyến metro thuộc dự án danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2012 – 2015 và 2016 – 2020 theo quyết định của Thủ tướng nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Về phương thức hợp tác đầu tư xây dựng 4 tuyến metro này, TP.HCM mong muốn được hợp tác với các tổ chức chính phủ có nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các tập đoàn lớn, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có năng lực tài chính và công nghệ. Hình thức đầu tư ODA hoặc đối tác công – tư (PPP).
Ngoài ra, 3 công trình khác tại TP. Thủ Đức cũng được Thành phố đề xuất đưa vào danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 là: Trung tâm tài chính Thủ Thiêm; Trung tâm hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại dịch vụ; Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc.
Cũng theo văn bản này, trên địa bàn TP.HCM còn một số dự án thuộc Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư để nghiên cứu triển khai.
Cụ thể: Dự án xây dựng nhà ga hành khách xe buýt tại Chợ Lớn hiện hữu; 2 tuyến tàu điện 1 ray (monorail) số 2 và số 3; Tuyến xe điện mặt đất số 1; Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 6; Khu xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại Tây Bắc Củ Chi; Khu đô thị Đại học Quốc tế (huyện Hóc Môn); Các bệnh viện trong Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh).
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, các dự án giao thông, đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông công cộng của TP.HCM. Các dự án này chỉ phát huy hiệu quả rõ nét khi được đầu tư và phát triển đồng bộ.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực tế vì nhiều nguyên nhân.
Bên cạnh đó, các dự này có quy mô và vốn đầu tư lớn, đặc biệt là chi phí liên quan việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đòi hỏi cần phải có các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực phù hợp. Hiện nguồn vốn vay ODA cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị ngày càng được thắt chặt.
Trong khi quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP áp dụng cho dự án giao thông, đường sắt đô thị vẫn còn nhiều bất cập, còn tồn tại các nội dung chồng chéo, vướng mắc giữa Luật Đầu tư theo phương thức PPP với các Luật khác như Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Do đó, mặc dù Thành phố đã tiếp xúc và làm việc với nhiều nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội hợp tác trong việc phát triển các dự án giao thông, đường sắt đô thị trong thời gian qua, song vẫn chưa đạt được kết quả. Các nhà đầu tư vẫn chưa nhìn thấy hiệu quả khi đầu tư dự án ở thời điểm hiện tại./.