Là đơn vị phát triển cho nhiều dự án tiếng tăm, song tình hình tài chính của Đất Xanh Miền Nam năm 2019 không mấy tích cực. Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng các dự án cũng đang làm cho thương hiệu này đi xuống.
Chất lượng dự án “bết bát”
CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam (Đất Xanh Miền Nam) là công ty thành viên của Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG).
Theo tìm hiểu, công ty được thành lập từ ngày 12/12/2009, đóng trụ sở tại đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Trải qua hơn 1 thập niên hình thành và phát triển, vốn điều lệ công ty tính tới hết năm 2019 đạt 272,4 tỷ đồng. Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, cơ cấu cổ đông Đất Xanh Miền Nam gồm: DXG (65%) và ông Đỗ Văn Mạnh (30%) – cá nhân này cũng là Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc công ty.
Không chỉ đóng vai trò cổ đông, sự hiện diện của DXG tại Đất Xanh Miền Nam còn được thể hiện qua loạt vị trí lãnh đạo cấp cao. Đơn cử, ông Lương Trí Thảo – Thành viên HĐQT DXG (anh trai ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch HĐQT DXG) là Thành viên HĐQT Đất Xanh Miền Nam; hay một lãnh đạo khác là ông Nguyễn Cảnh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT DXG, tính đến tháng 6/2019 là Chủ tịch HĐQT Đất Xanh Miền Nam (hiện đã không còn nắm chức vụ này).
Với sự hậu thuẫn từ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực địa ốc của công ty mẹ, không khó hiểu khi Đất Xanh Miền Nam đã tham gia phân phối nhiều dự án lớn như: Sài Gòn Gateway, Saigon Asiana, Conic Riverside, Opal Boulevard, Ecogreen Saigon, Topaz City, Saigonres Plaza, Sky 9, Thủ Thiêm Garden, Sunview Town, Khu dân cư Phú Gia Hưng, Khu dân cư Giáng Hương, Khu dân cư Five Star, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sunset Sanato, Khu dân cư Gold Hill,….
Tính toán của Nhadautu.vn cho thấy, các dự án mà Đất Xanh Miền Nam tham gia phân phối và phát triển có tổng diện tích lên đến hơn 5,9 triệu m2. Điều này phần nào cho thấy tham vọng chiếm lĩnh thị trường từ phân phối tới phát triển dự án của doanh nghiệp hơn 10 năm tuổi này.
Tuy nhiên, thuyền to thì sóng lớn, sau khi các dự án được doanh nghiệp này triển khai đã gặp không ít lùm xùm từ việc pháp lý dự án tới việc chất lượng xây dựng dự án xuống cấp sau khi bàn giao cho khách hàng.
Tiêu biểu nhất, đó là dự án Khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại là Viva Park) tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom do CTCP đầu tư LDG (LDG Group) làm chủ đầu tư. Dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định số 3901 “về chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư dự án khu dân cư Tân Thịnh” vào ngày 6/11/2018.
Theo UBND huyện Trảng Bom, hiện dự án KDC Tân Thịnh có phần đất cao su chưa được hiện thực bồi thường, chưa được giao đất, chưa được cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, LDG Group đã tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 60% và xây dựng hoàn thiện phần thô 488 căn nhà (gồm 198 căn biệt thự và 290 căn nhà liền kề). Ngoài ra, LDG Group còn thi công 192 căn nhà liền kề đã hoàn thiện phần móng.
Trước hành vi này, Thanh tra Sở Xây dựng Đồng Nai vào ngày 4/9/2020 đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với LDG Group số tiền là 75 triệu đồng. Các biện pháp khắc phục hậu quả là ngưng thi công xây dựng công trình vi phạm. Trong 60 ngày, LDG Group phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Nếu quá thời hạn trên, chủ đầu tư bị buộc tháo gỡ công trình vi phạm theo quy định.
Hoặc, ở một dự án đáng chú ý khác có sự góp mặt của Đất Xanh Miền Nam là Saigon Skyview. Theo đó, Thanh tra TP.HCM vào tháng 5/2020 cho rằng, việc Sở Xây dựng cấp phép dự án Saigon SkyView (do CTCP Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 làm chủ đầu tư) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp là không đúng. Vì vậy, Thanh tra đề nghị Sở Xây dựng tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Hiện tại, dự án Saigon Skyview đã thi công xong hạng mục móng, hầm đến cốt sàn tầng trệt.
Hay, dự án chung cư SaiGon Gateway (quận 9, TP.HCM) dù đã bàn giao từ năm 2019 nhưng tới nay đã xuống cấp về chất lượng. Mặt khác, dự án cũng gặp vấn đề bất cập liên quan đến giấy tờ pháp lý nên tới nay hàng ngàn khách hàng mua dự án này đã treo băng gôn đòi chủ đầu tư phải tiến hàng cấp sổ hồng cho cư dân, tổ chức hội nghị nhà chung cư, và nhất là việc chất lượng bảo đảm cháy nổ của chung cư không đảm bảo khi đã có nhiều vụ cháy nhỏ diễn ra tại dự án này….
Kinh doanh không mấy tích cực
Tham gia phân phối nhiều dự án là vậy, song tình hình tài chính của Đất Xanh Miền Nam năm 2019 không mấy tích cực.
Theo đó, tính riêng năm 2019, doanh thu Đất Xanh Miền Nam đạt 178,6 tỷ đồng, giảm gần 43% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí và thuế, lãi sau thuế công ty chỉ còn 6,9 tỷ, tương đương giảm 94,5%.
Nhìn nhận một cách khách quan, nếu xét trong giai đoạn 6 năm (2014 – 2019), tình hình tài chính của Đất Xanh Miền Nam rất tốt. Trong 3 năm từ 2014 đến 2016, lãi sau thuế công ty ở mức khá thấp dao động từ vài chục tỷ đến vài tỷ. Đến năm 2017 và 2018, lãi sau thuế tăng đột biến lần lượt đạt 120,3 tỷ và 125,6 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tại ngày 31/12/2019 là 1.204 tỷ, tăng 14,6% so với số đầu năm, cấu thành tài sản chủ yếu là nợ vay 916,5 tỷ, chiếm 75,6%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu 295,5 tỷ chiếm gần 24,4%. Tính ra, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là hơn 3,1 lần, mức khá cao.
Nguồn dẫn: Nhân Tâm – Gia Huy/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/dat-xanh-mien-nam-lam-an-bet-bat-tu-kinh-doanh-toi-chat-luong-du-an-d47862.html