Trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM đến năm 2030 không có “siêu” dự án đại lộ ven sông.
Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn được “thai nghén” từ năm 2017 bởi Tập đoàn Tuần Châu, sau đó đến tháng 5-2020, Tập đoàn Tuần Châu chính thức chuyển giao ý tưởng lại cho Tập đoàn Đèo Cả. Đến nay, Tập đoàn Đèo Cả cho biết cũng chưa triển khai gì với dự án này. Tuy nhiên, trong động thái mới nhất, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tiếp tục kiến nghị bổ sung con đường này vào quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn 2060 của TP.
Chưa có kế hoạch gì với dự án
“Thời gian qua, tập đoàn đang tập trung nguồn lực để hoàn thành các dự án Hải Vân 2 và hiện nay đang tập trung đầu tư vào các dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Cam Lâm – Vĩnh Hảo nên với dự án ven sông Sài Gòn, chúng tôi chưa triển khai” – đại diện truyền thông Tập đoàn Đèo Cả trao đổi với PV ngày 4-3.
Trước đó, vào tháng 5-2020, Tập đoàn Tuần Châu, “cha đẻ” của dự án, đã tặng bản quyền và ý tưởng dự án đại lộ ven sông Sài Gòn cho Tập đoàn Đèo Cả. Theo đó, dự án đại lộ ven sông Sài Gòn được nghiên cứu thiết kế ban đầu từ năm 2017, dự án xuất phát từ cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) đến cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) với tổng chiều dài khoảng 64 km. Tổng mức đầu tư lên đến khoảng 63.500 tỉ đồng. Theo đơn vị nghiên cứu, ngoài rút ngắn thời gian đi lại từ trung tâm TP lên Củ Chi, tuyến đại lộ ven sông sẽ thúc đẩy phát triển vùng đất đầy tiềm năng ở khu Tây Bắc TP, giúp giãn dân, hình thành các khu đô thị mới trong tương lai.
Tuy nhiên, dù vẫn “án binh bất động” nhiều năm và chỉ “nằm trên giấy” nhưng mới đây, trong văn bản góp ý về nhiệm vụ quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, HoREA đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch giao thông, đô thị.
“Đề nghị bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi), kết nối vào quốc lộ 22, cao tốc
TP.HCM – Mộc Bài, quốc lộ 13, tỉnh lộ 8 để tạo điều kiện phát triển đô thị khu vực Tây Bắc, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), huyện Bến Cát (Bình Dương), huyện Đức Hòa (Long An)” – văn bản HoREA nêu.
Nhiều lo ngại với đề xuất
Trao đổi với PV, chuyên gia đô thị học, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa đánh giá: “Tôi thấy nhiều đề xuất về quy hoạch như hôm nay TP Tây Bắc, mai TP Củ Chi… sẽ làm rối loạn. Người dân cũng sẽ rối lên, người ta mua đất, rồi lỗ, bán cũng không được… Những thông tin như vậy sẽ có hại”. Theo ông Hòa, dự án này Tập đoàn Tuần Châu coi như đã bỏ từ lâu và TP.HCM cũng không thấy có lợi vì nếu họ làm dự án xong sẽ đổi lấy khu đất rất lớn khác.
TS Võ Kim Cương, cựu phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM thì cho rằng TP làm thêm một con đường thì tốt nhưng quan trọng là hiệu quả về kinh tế, đầu tư, xã hội… và phải nghiên cứu kỹ điều này. Đặc biệt với dự án đổi đất lấy hạ tầng, đổi như thế nào để hài hòa lợi ích thì lại phải đánh giá rất tỉ mỉ.
Về nguyên tắc, ông Cương cho biết đấu thầu công khai dự án từ lúc thiết kế đến triển khai sẽ là tốt hơn. Đấu thầu công khai cũng mang lại lợi ích chung cho TP vì sẽ chọn được phương án tối ưu. “Đường ven sông tạo cảnh quan sông nước là tốt nhưng làm xong đường sẽ phát triển gì thì cần tính toán, ngoài ra xét theo hướng, TP đang phát triển hướng theo phía Đông – TP Thủ Đức. Nếu làm dàn trải sẽ không tạo ra động lực để đột phá” – ông Cương nói.
Nêu quan điểm, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, đặt câu hỏi: Con đường này để phục vụ giao thông TP hay chỉ mang tính chất “khu vực”, “nội bộ” để làm ăn kinh tế? “Chúng ta phải có nghiên cứu, làm đường thì nguyên tắc chung, có diện tích dành cho giao thông là tốt nhưng phải đặt trong quy hoạch chung, giải quyết liên hoàn, phải xem con đường đó giải quyết ùn tắc được khu vực nào…” – ông Hùng nói.
Ngoài ra, theo ông Hùng, làm đường ven sông còn phải lưu ý đến bài toán môi trường, giải quyết xói lở bờ sông, chỉnh trang đô thị bờ sông… “Còn về lo ngại lợi ích nhóm thì chúng ta phải hiểu thế này, nếu không có lợi thì họ sẽ không làm. Vấn đề đặt ra là cần hài hòa giữa lợi ích của các đơn vị đầu tư và lợi ích chung của TP, xã hội…” – ông Hùng thẳng thắn.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, các dự án giao thông khi đề xuất cần xem xét về quy mô, mật độ dân số, chứ không chỉ làm đường lên cho đẹp rồi bán đất, bán dự án bất động sản trong khi không chú trọng giải quyết bài toán ùn tắc giao thông hay quy hoạch giao thông chung.•
Dự án chiếm khoảng 5% diện tích TP
Đầu năm 2017, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất thực hiện dự án đại lộ ven sông Sài Gòn bằng hình thức BT. Chiều rộng mặt đường đoạn qua hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp là sáu làn xe; đoạn qua quận 12 đến hai huyện Hóc Môn và Củ Chi lúc đầu dự tính bốn làn xe nhưng gần đây đưa lên sáu làn cho đồng bộ với đoạn qua hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Tốc độ lưu thông toàn tuyến là 80-100 km/giờ. Khi thực hiện, TP phải giao cho nhà đầu tư gần 12.400 ha, tương đương khoảng 5% diện tích TP.HCM.
Tháng 10-2017, Bộ KH&ĐT có văn bản nêu ý kiến TP cần yêu cầu Tập đoàn Tuần Châu bổ sung các nội dung còn thiếu như chứng minh năng lực, kinh nghiệm. Tháng 11-2017, Bộ GTVT có văn bản góp ý gửi Sở KH&ĐT TP. Theo đó, các nội dung chi tiết của hồ sơ đề xuất cần rà soát, hoàn chỉnh thêm về giao thông như lưu lượng xe, các phương án kết nối các tuyến… Bộ GTVT cũng đồng ý với quan điểm của Bộ KH&ĐT về tính khả thi trong việc bố trí quỹ đất. |
Nguồn dẫn: KIÊN CƯỜNG/ Báo Pháp luật TPHCM
Link bài gốc: https://plo.vn/do-thi/y-kien-trai-chieu-ve-de-xuat-dai-lo-ven-song-sai-gon-970539.html