Dịch Covid-19 đã có những tác động nhất định đến thị trường bất động sản cả nước, nhưng khung chính sách pháp luật mới là yếu tố tác động mạnh hơn. Việc hoàn thiện khung chính sách để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, ổn định và hiệu quả, bao gồm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là cần thiết.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, tại hội nghị “Tổng kết năm 2020 và dự báo thị trường bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long năm 2021” diễn ra ở TP Cần Thơ vào chiều nay, 19-3, cho rằng, đối với cả nước, thị trường bất động sản có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng không nhiều.
“Cho đến nay, tức đến thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba ở Việt Nam, nhưng thị trường bất động sản nhà ở vẫn đang sốt, thậm chí sốt cao, chứ không phải theo kiểu thời điểm cục bộ”, ông Võ dẫn chứng và nói rằng, trên địa bàn hai Trung tâm kinh tế lớn của cả nước là TP Hà Nội và TPHCM, thì bất động sản có mức sốt giá khá cao.
Theo ông Võ, cơn sốt giá trên thị trường bất động sản cả nước luôn gắn liền với câu chuyện quy hoạch, như đề xuất xây sân bay hay với đề xuất các đô thị mới, cùng với việc phát triển hệ thống hạ tầng.
Sốt giá nhà ở có thể tiếp tục
Theo ông Võ, việc bất động sản nhà ở hiện nay rơi vào tình trạng thiếu cung, trong khi cầu thì tăng khá cao cũng là lý do tăng giá. “Tôi cho rằng đây là sốt thật, chiếm khoảng 40%, còn tính chất ảo chiếm 60%, tức có yếu tố thật, chứ không phải tất cả là ảo”, ông cho biết.
Câu chuyện thiếu nguồn cung bất động sản nhà ở bắt đầu từ năm 2019, khi lượng dự án được phê duyệt tại TP Hà Nội và TPHCM đều giảm đi 10 lần do quy định pháp luật và luật đất đai còn nhiều “khoảng trống”. Ông Hùng Võ dẫn ra lý do: “Người có thẩm quyền khi đó “e ngại” quyết định phê duyệt vì sai ở bất kỳ luật nào cũng là sai và phải hầu tòa. Viễn cảnh đó làm cho lượng cung dự án giảm đi 10 lần”. Nguồn cung giảm, những nhà đầu tư bất động sản có sản phẩm sẽ giữ hàng để đợi giá cao hơn, theo ông Hùng Võ.
Theo ông, về phía Nhà nước, cần phải tìm cách tháo gỡ, nếu để tình trạng này tiếp tục kéo dài, thì sốt giá vẫn sẽ tiếp tục và có thể gây ra đổ vỡ thị trương bất động sản, thậm chí nguy hiểm cho thị trường tài chính. “Điều này, năm 2008 tại thị trường Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã xảy ra”, ông cho biết.
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng “bệnh” nặng hơn
Ông Hùng Võ cho rằng, thị trường du lịch trong nước đang hoạt động cầm chừng, trong khi du lịch nước ngoài – vốn tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch – lại bị “mắc kẹt” vì Covid-19. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vốn không khỏe đã chuyển “bệnh” nặng hơn khi có dịch Covdi-19.
“Bởi, như chúng ta biết, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng kiểu mới (các condotel) đã bị chững lại với vụ “đứt gánh” của Cocobay Đà Nẵng và từ dự án này đã lan sang các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, kiểu condotel ở nhiều nơi khác”, ông Võ nói.
Tuy nhiên, cũng như xu thế chung ông Võ cũng kỳ vọng tình hình du lịch sẽ tái khởi sắc khi các quốc gia trên thế giới mở rộng việc tiêm chủng ngừa Covid-19 cho dân chúng. Khi đó, theo ông Võ, nhược điểm của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nó sẽ tiếp tục được “phơi” ra. “Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải hoàn chỉnh khung pháp luật cho bất động du lịch nghỉ dưỡng từ đầu 2018, nhưng cho đến nay, vẫn là con số… KHÔNG”, ông cho biết và nói thêm rằng, khung pháp lý đối với loại hình bất động sản này hiện nay vẫn chưa đầy đủ.
Ông Võ cho rằng, việc ông nêu ra vấn đề này là để các bên liên quan nghiên cứu, có khung chính sách cho loại hình bất động sản này. “Bây giờ dịch bệnh nên chúng ta chưa thấy nó quan trọng, nhưng chúng ta phải đề phòng trường hợp khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, du lịch được khôi phục và lúc đấy chúng ta thấy thiếu bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”, ông cho biết.
Nguồn dẫn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn