Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ
Dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (giai đoạn 1) tại quận 7, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư.
Được triển khai từ tháng 4/2020, dự án có tổng mức đầu tư hơn 830 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 538,3 tỷ đồng, còn lại chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật 155,6 tỷ đồng, dự phòng 84 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 21 tỷ đồng…
Theo thiết kế bản vẽ thi công và dự toán được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt công trình bao gồm xây dựng một đảo tròn trung tâm (đường kính 60m) và 2 hầm chui (HC1 và HC2) cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. Cả hai hầm chui đều được xây dựng cho hướng xe lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ với tổng chiều dài khoảng 480m (bao gồm đường dẫn 2 đầu hầm và hầm kín).
Trong đó, hầm kín chui dưới giao lộ đường Nguyễn Văn Linh với đường Nguyễn Hữu Thọ, dài khoảng 80m; hầm hở phía khu chế xuất Tân Thuận dài khoảng 200m, phía quốc lộ 1A dài khoảng 200 m. Mặt cắt ngang hầm gồm 3 làn xe lưu thông với tốc độ 60km/giờ, bề rộng trong hầm 13,75m. Vận tốc thiết kế 60km/giờ, tĩnh không thông xe dưới hầm 4,75m và chịu được động đất cấp 7.
Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng trạm bơm và hệ thống thoát nước cho hầm, hệ thống chiếu sáng, tổ chức giao thông và một số công trình hạ tầng kỹ thuật khác hoàn chỉnh theo cấp công trình; xây dựng các đường nhánh rẽ cạnh hầm; cải tạo khu vực giải phân cách giữa đường Nguyễn Văn Linh và đường Nguyễn Hữu Thọ để bố trí các làn chờ, làn rẽ trái, quay đầu xe, tăng năng lực thông hành của nút giao.
Sau khi thi công xong giai đoạn 1 là hạng mục hầm chui, chủ đầu tư sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 là hạng mục cầu vượt Nguyễn Hữu Thọ. Dự kiến tổng kinh phí giai đoạn 2 là 1.400 tỷ đồng.
Về tiến độ dự án, thông tin với báo chí, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, đến nay toàn bộ dự án đã đạt 20% khối lượng công việc, riêng nhánh hầm HC2 đã thực hiện được khoảng 35% khối lượng, dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành (đây là nhánh hướng từ Khu chế xuất Tân Thuận đi về huyện Bình Chánh).
“Sau khi thi công nhánh hầm HC2, các đơn vị sẽ chuyển sang nhánh HC1 từ huyện Bình Chánh đi về Khu chế xuất Tân Thuận. Theo kế hoạch, công trình hầm chui sẽ được hoàn thành cuối năm 2022”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thông tin.
Bên cạnh đó, vị đại diện Ban Quản lý cũng cho biết thêm, dự án nằm trong khu vực có nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật của nhiều đơn vị chủ quản khác nhau. Hiện dự án đang vướng đường điện cao thế 220kV Nhà Bè – Tao Đàn, cùng các tuyến ống cấp nước lớn, do đó, công tác phối hợp thỏa thuận phương án di dời và hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công tốn rất nhiều thời gian. “Hiện hệ thống viễn thông đã được di dời xong, riêng hệ thống cấp nước và hệ thống điện cao thế, các đơn vị sẽ cố gắng sẽ hoàn tất việc di dời dự kiến trong quý II và quý III/2021”.
Giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ là một trong những nút thắt kẹt xe lớn ở cửa ngõ phía nam TP.HCM. Nguyên nhân nơi đây thường xuyên ùn tắc và tiềm ẩn tai nạn giao thông là bởi trục đường Nguyễn Văn Linh có lưu lượng lớn xe tải hạng nặng, xe container từ quốc lộ 1 đi về Khu chế xuất Tân Thuận và phía cầu Phú Mỹ để đi về cảng Cát Lái và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, trục đường Nguyễn Hữu Thọ cũng là một trong hai tuyến đường huyết mạch nối Nhà Bè, quận 7, Bình Chánh với trung tâm TP.HCM.
Cầu Thủ Thiêm 4
Liên quan đến dự án cầu Thủ Thiêm 4, trước đó, vào năm 2015, liên danh các công ty Bất động sản và xây dựng trong nước đã có văn bản gửi cho Thành ủy và UBND TP.HCM đề xuất được đầu tư xây dựng dự án bằng hình thức đổi đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng.
Đến tháng 4/2017, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và cho phép UBND thành phố được quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đến tháng 9/2019, UBND TP.HCM công khai quyết định về tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4”. Đến giữa tháng 5/2020, UBND TP.HCM đã giao Sở KH&ĐT đề xuất kế hoạch tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức PPP.
Đồng thời, giao đơn vị tư vấn nghiên cứu hoàn chỉnh thêm phương án ý tưởng “Tre Việt Nam”, trong đó thể hiện rõ cấu trúc tre, chi tiết lan can cầu, kiến trúc các nhịp dẫn đặc sắc cũng như các phương án chiếu sáng mỹ thuật.
Động thái gần đây nhất là, UBND TP.HCM đã có chủ trương khởi động dự án trong năm 2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Theo đó, cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 và 7 có mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị hơn 3.200 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (phía quận 7) là hơn 960 tỷ đồng.
Cầu có tổng chiều dài gần 2,2km, rộng 28m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành, tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7, vận tốc thiết kế 60km/h. Dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông ở khu Nam và thúc đẩy phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cầu Nguyễn Khoái
Đây là cây cầu thứ 2 bắc qua kênh Tẻ kết nối quận 7 và quận 4, theo phương án ban đầu cầu có tổng mức đầu tư là 1.250 tỷ đồng, cầu Nguyễn Khoái dự kiến sẽ có tổng chiều dài 1.000 m, bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam (quận 7, kết nối với đường Nguyễn Hữu Thọ) và điểm cuối là đường Bến Vân Đồn (quận 4), dự kiến sẽ khởi công trong năm 2017 và hoàn thành sau 18 tháng thi công.
Tuy nhiên, phương án thực hiện dự án sau đó được điều chỉnh và dự kiến sẽ khởi công trước Tết Nguyên đán 2020, về vấn đề tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4 diễn ra vào cuối năm 2019, thời điểm đó ông Trần Hoàng Quân là Chủ tịch UBND quận này cho biết, theo kế hoạch ban đầu, cầu Nguyễn Khoái sẽ kết nối quận 7 và quận 4, nhưng nhận thấy hướng đi này không giải quyết hiệu quả vấn đề ùn tắc giao thông, lại có thể tạo thêm điểm ùn tắc mới ở quận 4. Vì vậy, UBND quận 4 đã kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu, xem xét và báo cáo UBND TP.HCM phương án thay đổi, nối quận 7 với quận 1 từ trên cao và có đường nhánh dẫn xuống quận 4.
Theo ông Nguyễn Hoàng Quân, phương án này sẽ giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông nhưng kinh phí tăng lên khoảng 1.000 tỷ, các cơ quan chức năng đang khẩn trương trình phương án, sau khi UBND thành phố chuẩn y sẽ thông tin rộng rãi tới người dân.
Đến thời điểm đầu năm 2021, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021 do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM tổ chức, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban này cho biết, mục tiêu năm 2021, đơn vị sẽ cố gắng hoàn thành 45 dự án, gói thầu và quyết toán 32 dự án. Trong đó, có đề cập đến việc ưu tiên xây dựng cầu Nguyễn Khoái trong năm 2021.
Để thực hiện dự án, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng tổ chức lấy ý kiến về việc giảm lộ giới tuyến đường Nguyễn Khoái xuống còn 30m tại hai phía đầu. Đồng thời, tăng lộ giới từ 25m lên 30m đoạn từ hẻm 64 đến hẻm 144 (ở Bến Vân Đồn) để lộ giới toàn tuyến cầu đường Nguyễn Khoái sẽ rộng 30 m.
Nguồn dẫn: Lý Tuấn/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/loat-du-an-ha-tang-sap-khoi-cong-giup-giai-quyet-un-tac-cho-khu-nam-tphcm-d50236.html