Theo các chuyên gia, cần kiểm soát tín dụng, có cơ chế hướng dòng tiền trong nền kinh tế vào các lĩnh vực sản xuất để tạo ra giá trị và sự thịnh vượng.
Nới lỏng tài khóa và tiền tệ là hướng chính sách luôn được các quốc gia sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, thông qua việc bơm thêm cung tiền vào nền kinh tế.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tổng giá trị các gói tài khóa đã được ban hành trên toàn thế giới để chống lại tác động của Covid-19 đạt tới khoảng 12 nghìn tỷ USD. Về chính sách tiền tệ, nhiều quốc gia cũng đã hạ lãi suất tới mức gần 0%.
Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển không có đủ dư địa để triển khai các chính sách hỗ trợ kinh tế quy mô lớn như vậy.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang gây ra một số hệ lụy, đặc biệt là hiện tượng dòng tiền đổ vào thị trường tài sản, chủ yếu là bất động sản và chứng khoán.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, hiện tượng lãi suất giảm dẫn tới người dân và doanh nghiệp tìm kiếm những kênh đầu tư sinh lời tốt hơn, do đó dòng tiền hỗ trợ từ Chính phủ và tiền tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp được đổ vào nhà đất, chứng khoán.
Hiện tượng này gây ra những bất ổn mang tính căn bản và lâu dài khi làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, đồng thời đánh mất đi nguồn lực để sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực “tạo ra sự thịnh vượng cho xã hội”.
Ông Anh nhận định, các nhà hoạch định chính sách cần xem xét nghiêm túc hiện tượng này, đặc biệt thận trọng với chính sách nởi lỏng tiền tệ khi không đem lại lợi ích thực chất mà chủ yếu hướng vào đầu cơ.
Trước thực trạng đó, theo ông Anh, chính sách tiền tệ cần đặc biệt lưu ý tới sự chuyển dịch dòng vốn, không chỉ đóng vai trò tăng cung tiền vào nền kinh tế mà còn cần hướng tới điều khiển nguồn lực, định hướng cho dòng vốn chung của toàn xã hội.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, việc dòng tiền đổ vào bất động sản và chứng khoán làm giá các tài sản này tăng mạnh đang là xu thế chung của toàn thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam, hiện tượng này đang diễn biến tương đối mạnh và có tính lan tỏa.
Giá tài sản, cộng với giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào tăng cao là nguyên nhân đẩy tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, tạo ra áp lực cho điều hành chính sách kinh tế.
Tuy nhiên, ông Lực nhận xét, áp lực lạm phát thực tế không quá đáng lo ngại bởi sức mua của thị trường, đặc biệt là trong tiêu dùng, dịch vụ vẫn còn nhiều. Từ đó, chuyên gia kinh tế của BIDV đề xuất Chính phủ cần hết sức thận trọng với lạm phát, tuy nhiên không nên thắt chặt quá mức như đã từng thực hiện vào năm 2011, rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Điều hành chính sách có thể tham khảo quan điểm của Mỹ: “năm nay điều hành kinh tế chấp nhận áp lực lạm phát và tài khóa”.
Đối với hiện tượng sốt đất, quan điểm của ông Lực là cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ Chính phủ, đặc biệt là cần kiểm soát cả vấn đề “những quan chức đang đầu cơ bất động sản”.
“Cách phản ứng cần phải cực kỳ thông minh, đa chiều, nhìn rộng chứ không phải bóp nghẹt”, ông Lực cho biết.
Đồng quan điểm về những bất ổn trong thị trường chứng khoán và bất động sản, tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, Nhà nước cần có biện pháp thắt chặt tín dụng hơn, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp.
“Tăng trưởng GDP đạt 2,91% trong khi doanh nghiệp phá sản hàng loạt, người dân tiêu dùng ít đi thì tín dụng đang đi về đâu? Rõ ràng là tín dụng đang đổ vào tài sản sinh lời, chủ yếu là bất động sản và chứng khoán”, chuyên gia tài chính ngân hàng đặt vấn đề.
Theo ông Hiếu, các ngân hàng đang không kiểm soát được việc cho vay khi “rất mặn mà với việc cho vay để mua đất”, trong khi hệ thống ngân hàng của một số nước khác từ chối khoản vay này.
Mặt khác, dù đã có quy định không cho vay trên 5% vốn điều lệ với khoản vay đầu tư chứng khoán nhưng nhiều khách hàng vẫn vay bằng danh nghĩa cá nhân, vay tiêu dùng để đổ vào chứng khoán và bất động sản.
Hoàn toàn đồng ý với những cảnh báo đã được đưa ra bởi Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ và đề nghị Chính phủ cần kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn nữa, ông Hiếu cũng nhấn mạnh: “Tôi không đồng ý với một số chuyên gia kêu gọi mở rộng tín dụng, vì ngân sách đang không phục vụ cho sản xuất, kinh doanh”.
Nguồn dẫn: Phạm Sơn/ Nhà quản trị
Link bài gốc: https://theleader.vn/ts-can-van-luc-can-kiem-soat-van-de-nhung-quan-chuc-dang-dau-co-bat-dong-san-1618909767106.htm