Là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số hàng đầu khu vực Asean, quá trình số hóa và sự phát triển của các công nghệ mới đang tạo ra sự phát triển năng động và toàn diện của kinh tế-xã hội Việt Nam.
Bài viết tập trung nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế số Việt Nam, trên cơ sở đó, đánh giá cơ hội, triển vọng phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2030 trong xu thế “đổi mới và đột phá” của kinh tế số toàn cầu. Tuy nhiên, một số thách thức, khó khăn chính trong quá trình phát triển kinh tế số như nhận thức chưa toàn diện; khung khổ pháp lý chưa theo kịp tốc độ số hóa; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghệ còn bất cập, hoạt động đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế; thói quen dùng tiền mặt còn phổ biến; rủi ro tội phạm công nghệ cao….
Bức tranh kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2016-2020
Kinh tế số là khái niệm rộng và khó đo lường, đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất và chính thức về “kinh tế số” trên thế giới. Trong phạm vi bài viết này, kinh tế số Việt Nam được đánh giá thông qua 7 tiêu chí bao trùm cả 3 trụ cột chính về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nằm trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới – khu vực Đông Nam Á, theo “e-Conomy SEA 2020 Report”, Việt Nam cùng với Indonesia là hai nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số hàng đầu khu vực ASEAN với tốc độ tăng trưởng trung bình 27% trong giai đoạn 2015-2020.
Năm 2020, trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế toàn cầu và khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt mức dương và cao nhất khu vực ASEAN đạt 16%yoy, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP 2,91%, quy mô kinh tế số của Việt Nam đạt 14 tỷ USD, đóng góp khoảng 5,2%GDP với sự phát triển năng động của các khu vực/ngành kinh tế mới nổi như: CNTT&TT; viễn thông; thương mại điện tử; Fintech, BigTech, HealthTech, Edtech.
Triển vọng kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 xác định đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Cùng với tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021-2030 (khoảng 6-6,5%), chiến lược “Make in Vietnam”, sự phát triển của các hoạt động đổi mới sáng tạo, sự gia tăng của lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao (đặc biệt trong lĩnh vực CNTT&TTICT), kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên tới.
Theo dự báo của Google và Temasek 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2020-2025 sẽ đạt mức 29-30%, cao hơn mức trung bình của khu vực ASEAN (25%), quy mô kinh tế số Việt nam sẽ đạt khoảng 52 tỷ vào năm 2025, đứng thứ ba khu vực ASEAN, sau Indonesia (124 tỷ USD) và Thái Lan (53 tỷ USD). Theo dự báo của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm 1,1% hàng năm nếu chuyển đổi số thành công. Sự phát triển kinh tế số sẽ góp phần tăng quy mô vị thế kinh tế Việt Nam, tăng tính hiệu quả và bền vững. Theo dự báo của PwC 2017, Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và lọt top 10 nền kinh tế đứng đầu Châu Á năm 2050.
Theo dự báo của Hamada Kazuyuki – tác giả cuốn sách “Cường quốc tương lai”, Việt Nam sẽ nằm trong Top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm 2030. Xét về khía cạnh xã hội, CMCN 4.0 và kinh tế số là nền tảng quan trọng để Việt nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, thu nhập cao đồng thời tạo sự thịnh vượng, bao trùm và tiến bộ xã hội.
Với dữ liệu về tốc độ tăng NSLĐ, đóng góp của TFP vào GDP, hệ số ICOR, đóng góp của kinh tế số vào GDP đến năm 2025 và năm 2030 được dự báo theo 3 kịch bản. Cụ thể, kịch bản 1 (tốc độ chuyển đổi số chậm, mức đóng góp của kinh tế số đạt thấp nhất vào tăng trưởng GDP); kịch bản 2: tốc độ chuyển đổi số được đẩy mạnh, mức đóng góp của kinh tế số đạt 1,15- 1,35%; kịch bản 3, nền kinh tế số phát triển toàn diện, mức đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GDP ở mức cao nhất 1,65-1,85% và có thể cao hơn nếu được kết hợp bởi các yếu tố như tỷ lệ đầu tư R&D/GDP đạt mức 2%; tốc độ tăng NSLĐ xã hội/năm đạt mức cao (10%); hệ thống DN công nghệ số phát triển (có thể đạt 100.000 DN vào năm 2030 với ít nhất 50.000 DN CNTT); thanh toán điện tử, thương mại điện tử tăng với tốc độ 35-40%/năm.
Tuy nhiên, để có thể đạt mục tiêu phát triển kinh tế số theo QĐ749, cần thay đổi tư duy, tăng niềm tin với phát triển kinh tế số, hoàn thiện hệ thống pháp lý (đặc biệt về tài chính-ngân hàng số, ngân hàng số, Fintech, mobile money và thanh toán không dùng tiền mặt…), phát triển hạ tầng kỹ thuật số toàn diện và đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực và công nghệ cao; chú trọng bảo mật thông tin cá nhân và an ninh mạng…
Cơ sở hạ tầng số Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công mạng 5G và sẽ triển khai rộng từ năm 202, tạo ra sự đột phá hạ tầng số, bắt nhịp với thế giới. Theo Báo cáo “Digital Vietnam 2020” của Hootsuite và We are social, tỷ lệ sử dụng Internet tốc độ cao đã tăng từ mức 30,6% năm 2010 lên 70,4% dân số (đạt 68,17 triệu người), đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Brunei và Malaysia; số lượng kết nối di động đạt 145,8 triệu, gấp 1,5 lần dân số Việt Nam, trong đó 93% là điện thoại di động thông minh; số người sử dụng mạng xã hội khoảng 65 triệu người, chiếm 67% dân số trong đó số người sử dụng mạng xã hội trên điện thoại di động chiếm 97% (63,1 triệu người). Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia có số lượng tài khoản Facebook nhiều nhất thế giới, cùng với đó là 04 mạng xã hội nội địa Zalo, Mocha, Gapo và Lotus. Về tốc độ truy cập Internet, theo Ookla, tốc độ Internet băng thông rộng cố định của Việt Nam đạt tốc độ trung bình 58,21Mbps, xếp hạng 62/175 toàn cầu; tốc độ kết nối di động đạt 38,36Mbps, xếp hạng 54/141 toàn cầu (tháng 2/2021), cao hơn một số nước như: Ấn Độ, Indonesia, Brunei, Lào, Campuchia, Srilanka, Philippines. Theo Cable.co.uk (Anh), Việt nam thuộc Top 10 nước có giá cước truy cập Internet di động thấp nhất thế giới (0,57USD/1GB), thấp hơn nhiều nước ASEAN (Indonesia, Myanmar, Malaysia, Lào) và nhiều nước phát triển (Mỹ, Đức, Nhật Bản).
Dù có sự tiến bộ vượt bậc song nhiều chỉ số quan trọng của hạ tầng viễn thông còn thấp hơn trung bình thế giới như: Tỷ lệ chuyển đổi từ 2G sang 4G, 5G còn thấp; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân của Việt Nam (68%) thấp hơn so với trung bình thế giới (83%) và khu vực châu Á – TBD (89%); tốc độ download internet còn thấp hơn mức trung bình của thế giới.
Nguồn dẫn: Th.S. Nguyễn Thị Thu Trang/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/kinh-te-so-viet-nam-thuc-trang-va-trien-vong-d51249.html