Hiện thực hóa khát vọng
Ngày 5/5, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học,… về các giải pháp lớn để phát triển TP.HCM – đô thị lớn nhất của cả nước về dân số và quy mô kinh tế trong hơn 45 năm qua.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong hơn 45 năm qua, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Giai đoạn 2016 – 2019, GRDP của TPHCM tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước.
Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, TP.HCM vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng và vẫn đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM đã tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020.
Nhắc lại mục tiệu của nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, nghị quyết đã xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương.
Theo đó, đến năm 2025, TP.HCM sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình cùng GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.
Đến năm 2030, sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Theo ông Phong, để triển khai hiệu quả những định hướng đó, TP.HCM nhận thức cần phải phân tích đánh giá dự báo các yếu tố đặc thù, nhất là khơi dậy các tiềm năng. Cùng với đó là tìm kiếm các giải pháp đột phá trong bối cảnh mới, cụ thể các mô hình giải pháp này như là một đầu bài trong nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045.
“Việc tổ chức hội thảo hôm nay là một trong số nhiều giải pháp để TP.HCM lắng nghe ý kiến, hiến kế của các chuyên gia nhằm hiện thực hoá khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ của thành phố, đưa TP.HCM hướng tới một đô thị thông minh, năng động sáng tạo mang đẳng cấp khu vực và quốc tế “, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Cần giải quyết bài toán liên kết vùng
Tại hội thảo, trình bày phần tham luận của mình, TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế cho rằng, giữ vững vị thế, vai trò đầu tàu của TP.HCM là vấn đề mang tầm quốc gia chứ không phải chuyện riêng của TP.HCM, và Việt Nam có phát triển được hay không, nằm ở chỗ có hay không tận dụng được động lực này.
“Hiện, TP.HCM đang giảm dần tốc độ tăng trưởng, trong đó, bất cập lớn nhất vẫn là hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng, với việc thực hiện quá chậm trễ rất khó để giải quyết bài toán liên vùng và phát triển. Mặt khác, TP.HCM là đô thị đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù nhưng vẫn là “chiếc áo chật”, hạn chế sự năng động sáng tạo của thành phố”, TS. Trần Du lịch nhấn mạnh.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, để TP.HCM tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước, trong 10 năm tới, thành phố cần duy trì tốc độ tăng trưởng gấp 1,2-1,5 lần mức bình quân cả nước. Hoạt động kinh tế phải là hoạt động mang tính thị trường nhất cả nước, nếu không sẽ không còn năng động.
“Vấn đề đột phá là giao thông kết nối vùng. Tôi rất buồn là chúng ta đã quy hoạch đường vành đai 1-2-3-4 nhưng đến nay chưa cái nào hoàn thành. Đường bao nhiêu mét đã có hết trong quy hoạch. Nhưng thực tế… không ai làm! Với giao thông thế này đừng bao giờ nói liên kết vùng. Nếu không đột phá cái này để phát triển vùng, thì TP.HCM sẽ bị bó và không phát triển được”, TS Trần Du Lịch nói.
Nguồn dẫn: Lý Tuấn/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/bat-cap-lon-nhat-cua-tphcm-la-giao-thong-ket-noi-vung-d51402.html