Tổn thất nặng nề
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện tất cả khu, điểm du lịch trên địa bàn đã thông báo tạm dừng hoạt động để đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thống kê các tháng 5 và tháng 6/2021 cho thấy gần như tất cả trong số hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch tại TP. Đà Nẵng đều phải tạm ngừng hoạt động. Chỉ còn một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng với các nhân sự chủ chốt.
Trong 6 tháng đầu năm 2021 số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ chỉ ước đạt 1.052,3 nghìn lượt, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khách quốc tế ước đạt 87,6 nghìn lượt, giảm 86,0%; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành 6 tháng ước đạt 1.980 tỷ đồng, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên các hãng hàng không đều giảm số lượng đường bay và chuyến bay đi/đến Đà Nẵng, chỉ duy trì các đường bay chính như Hà Nội – Đà Nẵng, TP.HCM – Đà Nẵng
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, có thể nói chưa bao giờ các doanh nghiệp du lịch lại đứng trước thách thức to lớn, thiệt hại nặng nề vì dịch COVID19 như hiện nay. Doanh nghiệp Đà Nẵng bị tổn thương nghiêm trọng khi các đợt bùng phát vào đúng thời gian cao điểm đón khách.
“Chưa thể thống kê chính xác những thiệt hại mà cộng đồng doanh nghiệp đang gánh chịu nhưng có thể ước tính năm nay doanh thu toàn ngành sẽ giảm trên dưới 80% so với năm 2019. Đến nay đã có khoảng 90% doanh nghiệp không còn hoạt động vì không có khách, không có doanh thu… Đồng nghĩa là hơn 70% lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch và liên quan phải tạm ngưng việc, mất việc hoặc chuyển công việc khác. Thiệt hại vô cùng lớn, cả trong ngắn hạn và dài hạn”, ông Dũng cho hay.
Báo cáo khảo sát của Quỹ Xúc tiến phát triển Du lịch TP. Đà Nẵng cũng cho thấy, để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch đã buộc giảm tới 90% nhân sự hoạt động.
Theo đó, tính đến tháng 2/2021, có tới 45.000 lao động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch phải nghỉ việc. Phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu giữ lại các nhân sự cốt cán, có chuyên môn, nghiệp vụ để tiếp tục vận hành công việc. Một số vị trí việc làm như nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên quốc tế, lái xe, phụ xe… không có việc làm trong thời gian dài. Hầu hết số lao động này buộc phải trở về quê, hoặc chuyển sang hoạt động ở các lĩnh vực khác.
Doanh nghiệp mong được hỗ trợ nhiều hơn
Thời gian qua, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng và lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, lữ hành, giao thông vận tải. Đồng thời, triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Song, đại dịch COVID-19 như cơn sóng thần càn quét ngành du lịch, khả năng và lộ trình hồi phục của ngành du lịch đến nay chưa thực sự rõ ràng. Để vượt qua cơn nguy kịch, doanh nghiệp mong muốn có thêm nhiều hơn nữa các gói hỗ trợ nhằm tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp du lịch.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Đà Nẵng cho biết, các chính sách của Chính phủ đưa ra đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trong lúc khó khăn nhất.
“Khi dịch bệnh được kiểm soát, những chính sách hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Các chính sách hỗ trợ này cần phải tiếp tục duy trì cho đến năm 2024. Khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch được cải thiện vào đầu năm 2022 thì phải đến cuối năm 2024 các doanh nghiệp mới có thể ‘khỏe’ trở lại. Nếu không không duy trì các chính sách hỗ trợ thì doanh nghiệp vẫn rất yếu đuối, kể cả khi dịch bệnh qua đi”, ông Quỳnh nói.
Theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, lạc quan nhất thì cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Đà Nẵng cũng khó có cơ hội phục hồi như năm 2020 và kém rất xa so với năm 2019. Mùa cao điểm khách trong nước gần như đã qua, khách du lịch quốc tế thì tín hiệu chưa rõ nét, doanh nghiệp chỉ trông chờ vào nguồn khách tại chỗ và các địa phương lân cận, vì vậy khả năng tạo đột biến như hồi tháng 6-7/2020 là điều chắc chắn không xảy ra.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hiệp hội Du lịch vẫn kiên trì với hai nhóm nhiệm vụ lớn: Một là tìm cách giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, tránh đóng cửa, giải thể, phá sản. Hai là làm sao phục hồi dần các hoạt động du lịch, giúp doanh nghiệp dần dần có khách trở lại, có dòng tiền để duy trì hoạt động.
“Hiệp hội đã nhiều lần đề xuất đến các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương tập trung vào các gói giải cứu, các gói hỗ trợ tín dụng (giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, cho người lao động vay ưu đãi…), các giải pháp về thuế (giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp), giảm các loại phí (điện, nước, viễn thông…)…. Hiện doanh nghiệp đã nhận được một số hỗ trợ từ phía Chính phủ và địa phương, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện nay, cần có thêm các giải pháp lớn hơn, các liều ‘vaccine mạnh’ giúp doanh nghiệp và người lao động vững vàng vượt qua đại dịch”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, trước mắt cần giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, lâu dài là phục hồi điểm đến bằng việc xây dựng được hệ thống sản phẩm, dịch vụ đặc sắc, cùng với đó là tăng cường các nguồn lực nhằm xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ vào các thị trường khách tiềm năng. Để làm được việc này cần có sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian vừa qua đã chứng minh được rằng du lịch Đà Nẵng có khả năng trở lại mạnh mẽ, nếu có được sự trợ giúp tích cực từ phía địa phương và Trung ương.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Sở này đang tiếp tục triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch tiếp cận các chính sách đã được Trung ương và TP. Đà Nẵng ban hành. Cùng với đó, Sở Du lịch tiếp tục theo dõi nắm tình hình doanh nghiệp và phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đề xuất, kiến nghị các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Hướng dẫn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch các bước và các yếu tố cần đảm bảo trước khi hoạt động trở lại.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch tại Đà Nẵng. Theo thống kê, năm 2020, số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, giảm 63,2% so cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 75,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Bước sang năm 2021, ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu phục vụ lượng khách tại cơ sở lưu trú tăng từ 85 – 86% so với năm 2020 (ước đạt hơn 5 triệu lượt). Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 bùng phát đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của du khách, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và ẩm thực… Đây là một đòn giáng mạnh khi thị trường đang bước vào cao điểm các hoạt động hội nghị và sự kiện, được kỳ vọng sẽ góp phần bù đắp sự mất mát của doanh thu phòng.
Cuối tháng 6/2021, để tháo gỡ khó khăn cho người lao động ngành du lịch, UBND TP. Đà Nẵng đã có chủ trương cho vay vốn đối với lao động trong ngành du lịch theo đề xuất của Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch.
Theo đó, người lao động trong lĩnh vực du lịch có nhu cầu vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và tự tạo việc làm được ưu tiên cho vay tín chấp đến 100 triệu đồng với lãi suất 7,92%/năm trong thời hạn tối đa 10 năm. Dự kiến nguồn vốn vay được bố trí cho chương trình này lên tới gần 65 tỷ đồng.
Nguồn dẫn: Thành Vân/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/du-lich-da-nang-trong-vong-xoay-cua-covid-19–bai-1-tan-tac-vi-dai-dich-d54656.html