Sau khi chạm đỉnh vào đầu tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào nhịp điều chỉnh với áp lực bán ra mạnh mẽ của nhà đầu tư.
Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết kể từ tháng 3.2020 khi chỉ số VN-Index bị đẩy lùi về mốc 65x điểm, mốc thấp nhất trong vòng 2 năm do COVID-19. Thời điểm ấy, định giá của thị trường chung và nhiều cổ phiếu được đánh giá là “rẻ” và hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Theo ước tính của Dragon Capital, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 5.000 USD/người. Kinh nghiệm tại Đài Loan (Trung Quốc) vào những năm 1980-1988 cho thấy, GDP bình quân đầu người vượt 5.000 USD thì lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán tăng rất mạnh. Bởi lẽ, khi nhu cầu thiết yếu đã được đáp ứng thì người dân bắt đầu đầu tư vào các sản phẩm tài chính, từ đó dẫn đến bùng nổ về số lượng tài khoản chứng khoán mở mới. Điều này phần nào lý giải cho con số hơn 619.911 tài khoản chứng khoán được mở mới trong 6 tháng đầu năm 2021, phá vỡ mức kỷ lục 393.000 tài khoản của năm 2020.
Có thể nói, chứng khoán luôn được đánh giá là một trong những kênh đầu tư tiềm năng và đem lại lợi nhuận hấp dẫn. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2016-2020, chỉ số VN-Index đã tăng gần 15% mỗi năm, trong đó 2018 là năm duy nhất ghi nhận mức giảm của chỉ số trong giai đoạn này. Đặc biệt, so với những kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản hay tiền gửi tiết kiệm thì đầu tư chứng khoán có ưu điểm hơn về tính thanh khoản, nguồn vốn và điều kiện gia nhập. Không có rào cản đầu vào, chỉ 1 tài khoản chứng khoán và một số tiền nhất định bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư trên thị trường này.
Tuy nhiên, những cú “knock out” của thị trường có lẽ vẫn khiến nhiều nhà đầu tư sợ hãi, đặc biệt là những nhà đầu tư mới. Việc “lên thang bộ, xuống thang máy” của thị trường chứng khoán vốn là đặc tính mà phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường đều nắm rõ.
Lấy ví dụ trong năm 2021, năm đã viết lại lịch sử của thị trường chứng khoán, VN-Index đã mất hơn 1 tháng để tăng từ vùng 1.297 điểm vào phiên ngày 24.5 lên mốc 1.400 điểm vào phiên ngày 28.6. Tuy nhiên, chỉ 2 phiên giảm mạnh đã khiến VN-Index quay trở lại vạch xuất phát dưới mốc 1.300 điểm. Hay những cái tên như HPG, TCB, CTG, VPB… cũng mất khoảng thời gian tính bằng tháng để đạt được những mức giá làm “nức lòng” nhà đầu tư. Thế nhưng, chỉ mất thời gian tính bằng phiên để trở về vạch xuất phát, về vùng giá của 1-3 tháng trước. Việc VN-Index rơi hàng chục điểm mỗi phiên, cổ phiếu nằm sàn hàng loạt đã khiến nhiều nhà đầu tư chới với, đặc biệt là nhà đầu tư mới.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital, những đợt tăng điểm mạnh nhất của thị trường chứng khoán thường đến ngay sau đợt bán tháo lớn nhất do hoảng loạn. Do đó, các nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh, tránh lo lắng tới mức rút tiền ra khỏi thị trường trong giai đoạn này. Nhịp điều chỉnh của thị trường cũng được đánh giá là cơ hội để tái cấu trúc danh mục đầu tư.
“Trong bối cảnh bất ổn của thị trường chứng khoán thời gian gần đây, nhà đầu tư hãy giữ bình tĩnh và cân nhắc thật kỹ nếu có dự định rút tiền ra khỏi thị trường. Ngay khi đợt bùng phát COVID-19 hiện tại được kiểm soát, thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi và các nhà đầu tư đã rút khỏi thị trường có thể sẽ hối hận về quyết định của mình”, bà Hoài Thu nhận định.
Đại diện VinaCapital cho biết sẽ tiếp tục thận trọng trong vài tháng tới trong lúc vẫn theo dõi sát sao diễn biến nền kinh tế, thị trường chứng khoán và quan trọng nhất là tình hình dịch bệnh, để kịp thời nhận biết các dấu hiệu và nắm bắt cơ hội quay trở lại với các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn. Ví dụ, giá cổ phiếu của một số nhà bán lẻ đã giảm mạnh do ảnh hưởng của biện pháp giãn cách xã hội lên hoạt động kinh doanh và có thể tăng trở lại khi các hạn chế nhằm phòng chống dịch được nới lỏng.
Trên thực tế, số liệu thống kê của NCĐT cũng cho thấy, mặc dù trong giai đoạn biến động của thị trường, có những cổ phiếu vẫn duy trì được đà tăng trưởng bền bỉ qua các năm. Và để loại bỏ yếu tố bất khả kháng là COVID-19, số liệu được thống kê trong giai đoạn 2017-2019.
Cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV là một ví dụ khi đã tăng hơn 83,4% trong năm 2017. Trong 2 năm 2018-2019, giá cổ phiếu BID đã tăng lần lượt 34,9% và 38,8%. Cổ phiếu KDH của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền cũng tăng trưởng bình quân 34,6% trong giai đoạn 2017-2019. Hay như cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận cũng ghi nhận mức tăng trưởng liên tục trong giai đoạn này với mức tăng bình quân 46,1%/năm.
Ở góc độ phân tích, các công ty chứng khoán đều cho rằng việc điều chỉnh của thị trường là cần thiết để thiết lập mặt bằng giá mới và hướng đến mục tiêu xa hơn. Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, khi so sánh tương quan với các thị trường khác và thống kê lịch sử, đánh giá mức định giá của thị trường khi VN-Index ở mốc 1.400 điểm đã không còn rẻ nhưng vẫn chưa phải là đắt.
Mirae Asset kỳ vọng nhịp điều chỉnh trong tháng 7 có thể đẩy VN-Index về 1.200 điểm và họ đánh giá đây là cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư với tầm nhìn tăng trưởng trong 3 năm tới. “Sau nhịp điều chỉnh, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm hướng về mức 1.500 điểm”, báo cáo Mirae Asset nhận định.
Nguồn dẫn: Vũ Hoài/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-738-3341462