Nếu luôn xác định được rằng, đầu tư công là đầu tư cho tương lai, thì mọi rào cản, mọi vướng mắc sẽ dễ dàng được san phẳng.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Để giải quyết dứt điểm, phải có các thuốc “đặc trị”, không phải chỉ bằng quyết tâm chính trị, mà phải bằng cả một kế hoạch đầu tư công trung hạn hiệu quả và có tầm nhìn xa.
Bài 5: Đầu tư công là đầu tư cho tương lai
Trong tận cùng mọi vấn đề liên quan đến việc làm sao thúc đẩy giải ngân nhanh và tăng hiệu quả đầu tư công, có lẽ, tư duy về đầu tư công là yếu tố quan trọng nhất. Nếu luôn xác định được rằng, đầu tư công là đầu tư cho tương lai, thì mọi rào cản, mọi vướng mắc sẽ dễ dàng được san phẳng.
Nỗi lo… “đầu tiên”
Không nằm ngoài dự đoán, khi Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, với con số lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, không ít ý kiến bày tỏ sự quan ngại. Lo là phải, bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, lấy đâu ra ngân khoản khổng lồ đó? Hơn nữa, kinh tế Việt Nam chưa tích lũy được bao nhiêu, nên đã đầu tư là phải đi vay. Nếu vay nhiều, nợ công sẽ tăng cao.
“Nếu 5 năm 2021- 2025, đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng, thì kế hoạch chi ngân sách trong giai đoạn này sẽ lên con số 10,2 triệu tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với số tiền chi trong giai đoạn 5 năm trước, dẫn đến bội chi khoảng 1,96 triệu tỷ đồng, chiếm 3,7% GDP. Vấn đề là, phải tính xem bội chi này lấy ở đâu”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đặt câu hỏi.
Thực tế, như Báo Đầu tư đã thông tin, ban đầu, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 được đề xuất ở mức 2,75 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, căn cứ vào kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2020 (cao hơn đánh giá tại thời điểm tháng 10/2020), dẫn đến dự kiến thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tăng, Chính phủ đã quyết định đề xuất con số 2,87 triệu tỷ đồng, với chủ trương là sẽ giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư.
Đề xuất này đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ nhất. Mặc dù vậy, câu hỏi “đầu tiên” vẫn như đang lơ lửng đâu đó.
Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là trong 5 năm tới, sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước cho đầu tư tối thiểu 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1,5 triệu tỷ đồng.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong 5 năm tới, ngân sách Trung ương sẽ phải vay 1,773 triệu tỷ đồng và vay về cho vay lại 221.800 tỷ đồng, vay nước ngoài 526.000 tỷ đồng, nhưng đưa vào đầu tư công chỉ 300.000 tỷ đồng ODA.
Vay lớn và chi lớn cho đầu tư, nên giai đoạn 2021-2025, dự kiến bội chi ngân sách là 3,7% GDP, nợ công là 45,08% GDP, nợ Chính phủ là 41,6% GDP và nợ nước ngoài 41,9% GDP.
Ở góc độ vốn đầu tư công được hiểu là tiền thuế của nhân dân, kể cả là vốn đi vay, người trả cũng sẽ là nhân dân, thì việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn này là rất cần thiết. Quốc hội lo cũng là hợp lẽ.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải còn nói rằng, tuy các tỷ lệ an toàn nợ công trong giới hạn, nhưng số tuyệt đối của các khoản nợ lại tăng nhiều. “Mức dư nợ vay bình quân đầu người tăng cao so với giai đoạn trước. Tổng mức vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc đã lớn hơn tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2015. Chính phủ cần lưu ý trong điều hành để đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia”, ông Nguyễn Đức Hải nhắc nhở.
Đầu tư công là đầu tư cho tương lai
Lo nợ công, lo bội chi không phải là không có lý, nhưng một chuyên gia kinh tế đã nói với phóng viên Báo Đầu tư: “Chúng ta muốn làm sân bay Long Thành, làm cao tốc Bắc – Nam, đường sắt Bắc – Nam, nhưng hễ đề xuất là lại lo vay nợ, lo bội chị, lo nợ công. Thế thì phải làm sao?”. Vị này cho rằng, đã đến lúc, phải “đánh” vào tư tưởng đầu tư công và phải nghĩ rằng, “đầu tư công là đầu tư cho tương lai”.
“Nếu đã nghĩ như vậy, thì có lúc phải chấp nhận bội chi, chấp nhận nợ công tăng cao”, vị chuyên gia nói như vậy.
1,773 triệu tỷ đồng là số tiền mà ngân sách Trung ương sẽ vay trong 5 năm tới để đầu tư cho các dự án trọng điểm.
3,7% là tỷ lệ bội chi ngân sách dự kiến trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nợ công là 45,08% GDP, nợ Chính phủ là 41,6% GDP và nợ nước ngoài 41,9% GDP.
Câu chuyện này đã từng nhiều lần được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. Theo ông, lâu nay, đầu tư công luôn bị nhìn nhận theo hướng… xấu xí. Khi các quyết định đầu tư được đưa ra, khi Chính phủ muốn vay thêm tiền để đầu tư, luôn có nỗi lo về việc đầu tư lớn sẽ ảnh hưởng đến nợ công. Trong khi thực tế, ở một nền kinh tế như Việt Nam, không đầu tư thì không lấy đâu ra phát triển, cũng không có việc làm và nguồn thu.
“Tôi luôn muốn đẩy mạnh đầu tư công để quy mô GDP lớn lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trong khi đó, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cũng đã nói: “Nếu cứ khăng khăng lo trần nợ công, không đầu tư, thì chúng ta không phát triển được. Đừng lúc nào cũng chỉ lo trần nợ công 65%”.
Thúc đẩy đầu tư ngày càng trở nên quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi kinh tế gặp nhiều khó khăn do Covid-19. Cần đầu tư và chấp nhận nợ công, bội chi tăng cao hơn.
“Khi kinh tế phát triển trở lại, Nhà nước có thể thu lại dần chi tiêu công, giảm bớt nợ công. Nhưng tăng đầu tư để tăng quy mô nền kinh tế cũng là cách để nợ công sẽ thấp đi”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.
Liên quan vấn đề này, TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh) cho rằng, nếu muốn tăng đầu tư vào các công nghệ mới, đổi mới hạ tầng, giữ và nâng dần tiêu chuẩn an sinh xã hội, nhưng lại muốn giảm nợ công và thâm hụt ngân sách, thì đó là một thách thức lớn.
“Vấn đề nhiều khi không phải ở chỗ nên tăng hay giảm nợ công, mà nằm ở chỗ tiền vay về dùng để làm gì”, TS. Hồ Quốc Tuấn nói.
Tiền vay về để làm gì, thì đã được vạch rõ trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025. Và như cam kết của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: “Chúng tôi sẽ tập trung cho những công trình trọng điểm, những công trình có hiệu quả lớn và những công trình có tính chất lan tỏa và đột phá”.
Câu hỏi trách nhiệm
Để đầu tư công thực sự là “đầu tư cho tương lai”, còn nhiều việc phải làm. Ngay cả chuyện lựa chọn dự án cũng phải xuất phát từ lựa chọn cho tương lai.
Trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, Chính phủ đề xuất kế hoạch hoàn thành 1.700 km đường ven biển. Dẫu vậy, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội lại lo lắng về nguồn lực và cho rằng, nên để dự án này đầu tư ở giai đoạn sau.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình với ý kiến của Ủy ban. Ông Cảnh nói rằng, đây là con đường “rất quan trọng cho nhiều vùng, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long”.
“Như ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy cần nhìn nhận con đường này ở góc độ rộng hơn là đường giao thông. Nếu con đường này hình thành, ngoài vấn đề quốc phòng, an ninh, còn mở ra không gian kinh tế mới cho vùng, nhất là không gian kinh tế biển theo hướng công nghiệp và đặc biệt là hình thành các đô thị ven biển”, ông Cảnh nói.
Cũng theo ông Cảnh, Chính phủ cần tính toán với các địa phương và có sự ưu tiên, bố trí nguồn vốn, kể cả vốn vay, để thực hiện con đường ven biển này, vì hiệu quả kinh tế đem lại sẽ rất lớn trong tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng là người luôn ủng hộ việc đầu tư tuyến đường ven biển. Bởi rộng hơn ý nghĩa là một tuyến đường giao thông, một khi tuyến đường ven biển này được hình thành, cả một không gian kinh tế mới, rộng lớn được mở ra cho các địa phương nơi có con đường đi qua.
Đầu tư cho tương lai là như vậy, chứ không phải là chọn lựa các dự án theo phong trào, hay vì lợi ích nhóm, vì tư duy nhiệm kỳ. Vì tư duy nhiệm kỳ, muốn ghi “dấu ấn” trong nhiệm kỳ của mình, nên đã từng có chuyện phải làm sao hối thúc làm thật nhanh. Mà nhanh có thể sẽ đi đôi với lựa chọn dự án không đúng. Chưa kể, chuyện ra quyết định đầu tư vội vàng và ép tiến độ thi công còn dẫn tới chất lượng công trình không đảm bảo, vừa kém hiệu quả, vừa gây lãng phí nguồn lực.
“Muốn làm nhanh thì khó có chuyện chọn dự án “ra tấm, ra món”. Bởi dự án lớn, như sân bay Long Thành hay cao tốc Bắc – Nam không thể chỉ trong một nhiệm kỳ là xong, mà có thể phải là 2-3 nhiệm kỳ. Mà như thế, đâu phải của tôi. Không phải là không có những suy nghĩ như thế. Chính vì vậy, phải xác định làm đầu tư công là làm cho tương lai. Nhiệm kỳ này được hưởng thành quả của nhiệm kỳ trước và có trách nhiệm lo cho nhiệm kỳ sau”, một vị chuyên gia nói.
Đặt câu hỏi trách nhiệm là vì thế. Trong tận cùng các nguyên nhân khiến đầu tư công kém hiệu quả, chậm trễ trong thời gian qua là trách nhiệm của những người ra quyết định. Nếu có trách nhiệm với đất nước, sẽ lựa chọn dự án đúng, sẽ thực hiện các thủ tục đầu tư đúng pháp luật, sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại, sẽ nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, sẽ bỏ qua lợi ích nhóm, sẽ không có chuyện đầu tư theo phong trào, hay có những con đường “cong mềm mại”… Và thậm chí, sẵn sàng chuẩn bị sẵn dự án, để nhiệm kỳ sau, khi có nguồn lực là ngay lập tức có thể khởi công xây dựng, sớm đưa dự án vào vận hành…
Nếu làm được tất cả những điều đó, đầu tư công sẽ thông suốt và hiệu quả. Chỉ 5-10 năm nữa, khi các dự án đầu tư công hôm nay được lựa chọn trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành, nền kinh tế sẽ có thêm những nền tảng quan trọng để tăng tốc, phát triển…
Một số công trình hạ tầng giao thông dự kiến hoàn thành trong 5 năm 2021-2025Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam (từ Lạng Sơn – Cà Mau);
Hoàn thành 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh – Kiên Giang;
Hoàn thành cải tạo khoảng 1.600 km quốc lộ, 03 hầm (đèo Ngang, Phú Gia, Phước Tượng), các cầu lớn để đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo an toàn giao thông trên một số hành lang vận tải quan trọng.
Hoàn thành đấu nối ray Hà Khẩu để đảm bảo thông tàu chuyển tải với phía Trung Quốc;
Cải tạo một số ga đường sắt để tăng năng lực xếp dỡ, gom hàng; hoàn thành cải tạo một số cầu yếu, hầm yếu, kiến trúc tầng trên…
Cải tạo các tuyến luồng thủy nội địa khu vực phía Nam nhằm nâng cao năng lực kết nối, vận tải hàng hóa giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Đông Nam bộ và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.
Nguồn dẫn: Hà Nguyên/ Báo đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/thuoc-dac-tri-cho-giai-ngan-von-dau-tu-cong—bai-5-dau-tu-cong-la-dau-tu-cho-tuong-lai-d148610.html