Để thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, một trong những giải pháp hữu hiệu là phải tăng thêm năng lực cho nền kinh tế.
Năng lực mới của nền kinh tế
Một loạt dự án đã được Tổng cục Thống kê chỉ ra như những năng lực mới của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm nay.
“Nhờ có những năng lực mới trong từng giai đoạn, nền kinh tế được tăng cường nguồn lực thực hiện các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 7 tháng năm nay, sản xuất công nghiệp ở một số địa phương vẫn duy trì tốc độ tăng so với 7 tháng năm trước”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Chẳng hạn, ở Hưng Yên, có Nhà máy TPTech với năng lực thiết kế 32.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất khuôn đúc, sản phẩm đúc của TSUKUBA Việt Nam tại Khu công nghiệp Phố Nối A với năng lực thiết kế 1.800 tấn/năm; Nhà máy Nikkiso Việt Nam II với năng lực thiết kế 4.200 sản phẩm/năm; Dự án Texco Việt Nam giai đoạn I với 400.000 sản phẩm/năm.
Hay ở Sơn La có Nhà máy May xuất khẩu Mường La với 2 triệu sản phẩm/năm. Lai Châu có công trình thủy điện Nậm So 2 với 0,3 MW/năm. Thanh Hóa có Trang trại bò sữa Organic Vinamilk Thanh Hóa với năng lực thiết kế 2.000 con bò sữa/năm; Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn 2 triệu tấn phôi thép/năm.
Trong khi đó, Quảng Nam có 3 nhà máy sản xuất vải mành polyester, túi khí, vải mành nilon của Hyosung. Ninh Thuận có Điện gió Phước Minh với 27 MW/năm; Trang trại điện mặt trời SP-infra Ninh Thuận với 50 MW/năm; Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ 300.000 tấn/năm…
Rất nhiều dự án như vậy tại các tỉnh khác, như Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long… Trong số đó, có một số dự án đáng chú ý, như nhà máy sản xuất bột ngọt của Vedan, nhà máy sản xuất giày của Changshin, nhà máy sản xuất linh kiện ô tô của Kyungshin Việt Nam…
Khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh, nhờ có năng lực sản xuất tăng thêm, nên bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất công nghiệp ở một số địa phương trong 7 tháng qua vẫn tăng, như Bình Dương (tăng 6,1%), Đồng Nai (tăng 5,3%), Long An (tăng 3,4%)…
Đặc biệt, ở một số địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng rất cao. Ví dụ, chỉ số này của Đắk Lắk tăng 39,1% (chủ yếu do ngành sản xuất điện tái tạo đầu tư mới tăng 110,9%); Ninh Thuận tăng 36,8% (chủ yếu do ngành sản xuất điện tái tạo đầu tư mới tăng 64,4%); Lai Châu tăng 30,5% (chủ yếu do sản xuất thủy điện tăng 31,7%); Nghệ An tăng 24,5%; Quảng Nam tăng 21,1%; Hà Tĩnh tăng 20,9%… Đó là dấu hiệu khá tích cực.
Cơ hội nào cho nền kinh tế?
Để nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, hoặc tăng trưởng nhanh hơn, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng như đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa đang có xu hướng tăng chậm lại vì dịch Covid-19, cần phải có thêm nhiều năng lực mới cho nền kinh tế.
Nhờ có năng lực sản xuất tăng thêm, nên bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất công nghiệp ở một số địa phương trong 7 tháng qua vẫn tăng, như Bình Dương (tăng 6,1%), Đồng Nai (tăng 5,3%), Long An (tăng 3,4%)…
Tuy nhiên, khả năng đó không nhiều. Thực tế, nhìn vào các dự án được coi là năng lực mới của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm, không nhiều dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá. Ít năm trước đây, khi kinh tế gặp khó khăn, các trông chờ được đặt vào các nhà máy quy mô lớn của Nghi Sơn, Formosa, Samsung… Thế nhưng năm nay, khó có dự án lớn nào đi vào hoạt động để tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy cho năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Hiện nay, theo như thông tin của Báo Đầu tư, có thể trông chờ vào việc tăng năng lực sản xuất của các nhà máy mới của Foxconn tại Bắc Giang, đặc biệt là nhà máy chuyên sản xuất iPad, Macbook Air; hay Dự án LG Display Hải Phòng, Polytex Far Eastern (Bình Dương). Đây là các dự án quy mô lớn. Với việc LG Display tăng vốn thêm 750 triệu USD, Polytex Far Eastern tăng vốn thêm 610 triệu USD…, năng lực sản xuất của các nhà máy này sẽ nhanh chóng tăng. Trong khi đó, Intel cũng dự kiến tăng vốn thêm hơn 400 triệu USD…
Song việc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đang tăng chậm lại (7 tháng chỉ tăng 3,8%) cũng sẽ ảnh hưởng tới việc gia tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Doanh nghiệpnước ngoài đã vậy, các doanh nghiệp trong nước cũng còn gặp khó khăn, nên chưa thể sớm đưa các dự án mới vào hoạt động. Chưa kể, việc giãn cách xã hội kéo dài đang ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và đưa các nhà máy mới vào hoạt động.
Theo ông Jean Michel, Giám đốc điều hành Airbus tại Việt Nam, việc các chuyên gia và người lao động nước ngoài gặp vướng mắc trong nhập cảnh vào Việt Nam thời gian gần đây đã gây khó khăn cho việc vận hành các dự án đầu tư.
Thông tin đáng mừng là, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các chính sách pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là động thái tích cực giúp các dự án đầu tư sớm được vận hành, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn dẫn: Hà Nguyên/ Báo đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/soi-nang-luc-moi-cho-nen-kinh-te-d149794.html