Hòa vào dòng chảy phát triển của TPHCM, một trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và hàng đầu cả nước, lĩnh vực thể thao cũng có những bước tiến vững chắc và tạo được nhiều dấu ấn về thành tích trên các đấu trường trong nước lẫn quốc tế. Ở đó, còn có những công trình mang hơi thở thời gian, cũng là chứng nhân cho sự trưởng thành qua từng thời kỳ của thể thao thành phố mang tên Bác Hồ.
Dấu ấn thời gian
Sài Gòn – TPHCM nằm ở trục giao lộ của “ngã năm, ngã bảy” tấp nập, hội tụ những sắc thái văn hóa khác nhau đến từ bốn phương trời. Đặc biệt, với truyền thống yêu thích vận động, người dân thành phố tìm đến thể thao như một cách rèn luyện thể chất và xây dựng lối sống lành mạnh. Bởi thế, nhiều cơ sở hạ tầng dành cho thể thao luôn được các cấp lãnh đạo “ưu ái” tạo dựng, song hành với nhiều cột mốc phát triển của TPHCM.
Là chứng nhân lịch sử của cột mốc thể thao ý nghĩa: trận bóng Bắc – Nam sum họp giữa 2 đội Tổng cục Đường sắt Việt Nam và Cảng Sài Gòn vào ngày 7-11-1976, sân vận động Thống Nhất (quận 10) còn được xem là biểu trưng cho phong trào bóng đá Sài Gòn – TPHCM. Không những có riêng một lịch sử được xây dựng và tồn tại khá lâu đời (được khánh thành vào năm 1931), đây cũng là nơi có đường chạy điền kinh đạt chuẩn quốc tế duy nhất trên địa bàn thành phố và trở thành “đại bản doanh” của đội tuyển điền kinh TPHCM.
Tiếp đến là Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3) được xây dựng mới lần đầu và đi vào hoạt động vào năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước. Nơi đây đã chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng: World Cup bóng bàn 1992, World Cup cầu lông 1994, giải Vô địch Taekwondo châu Á 2000, giải Vô địch Bóng chuyền nữ châu Á 2003, gần 20 mùa giải bóng bàn Cây vợt vàng và vô số giải đấu đỉnh cao khác…

Trên hành trình hội nhập quốc tế, Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (quận 11) được xây dựng và trở thành công trình trọng điểm, thuộc vào loại quy mô và hiện đại bậc nhất khu vực phía Nam để phục vụ cho SEA Games 22 vào năm 2003. Nhà thi đấu đa năng này có thể tổ chức nhiều môn thể thao thi đấu trong nhà và các hoạt động văn hóa, văn nghệ với sức chứa 5.000 chỗ ngồi, phần quảng trường bên ngoài với sức chứa 20.000 người.
Bên cạnh cơ sở vật chất, điểm son của ngành thể thao TPHCM còn được nhắc đến chính là nơi khơi nguồn cho các công trình, sự kiện mang tính biểu tượng, vừa tạo được điểm nhấn về hình ảnh cho địa phương, vừa góp phần phát triển nền thể thao nước nhà. Đơn cử như Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam (do Báo SGGP khởi xướng và duy trì tổ chức từ năm 1995 đến nay), một giải thưởng dành để tôn vinh các cầu thủ nam xuất sắc nhất trong năm của bóng đá Việt Nam, song đến nay đã trở thành sự kiện bóng đá được chờ đón nhất vào dịp cuối năm – đầu xuân.
Bước sang tuổi 30, Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đã trở thành thương hiệu lớn và cao quý của nền bóng đá nước nhà, cũng là thước đo phản ánh tài năng và đạo đức của các thế hệ cầu thủ bóng đá nước nhà suốt 3 thập niên qua. Giá trị của danh hiệu Quả bóng vàng đã vượt lên trên ý nghĩa của một giải thưởng thông thường, một “công trình” truyền cảm hứng, mang hơi thở thời đại, cũng là chứng nhân cho sự trưởng thành của bao thế hệ cầu thủ.
Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Đặng Hà Việt nhận định: “Thật đáng tự hào khi Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam giờ đây đã trở thành một phần quan trọng trong hành trình vươn tầm thế giới của bóng đá nước nhà. Năm nay, giải thưởng cũng là một trong những sự kiện quan trọng của Báo SGGP đang cùng với TPHCM hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Tôi hy vọng Báo SGGP và các đơn vị đồng hành sẽ tiếp tục duy trì và tổ chức cuộc bầu chọn, tôn vinh tài năng bóng đá Việt Nam về lâu dài, xứng đáng là một trong những sự kiện trao thưởng giàu ý nghĩa trong bức tranh của bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung”.
Hơn 3 thập niên trôi qua, cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình TPHCM (do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức từ năm 1989) vẫn luôn là bệ phóng vững chắc cho sự trưởng thành của nhiều thế hệ vận động viên nói riêng, cũng như góp phần thúc đẩy hành trình phát triển và chinh phục những cột mốc mới cho thể thao nước nhà nói chung. Thời điểm tháng 4 hàng năm gắn liền với kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hình ảnh những vận động viên xe đạp vượt qua mọi thử thách trên hành trình Bắc – Nam như biểu tượng cho ý chí, sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Đầu tư xứng tầm
Dù là một trong 2 địa phương đóng góp nhiều nhất cho thể thao Việt Nam, song việc nhiều năm chưa chính thức đăng cai một kỳ đại hội thể thao lớn mang tầm cỡ quốc gia hay quốc tế đã phần nào ảnh hưởng đến vị thế của thể thao TPHCM. Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận nhìn nhận, nguyên nhân cốt lõi là do cơ sở vật chất lạc hậu, thiếu trang thiết bị đạt chuẩn chuyên môn, không theo kịp nhu cầu phát triển nhanh của thành phố cũng như người dân. Thiếu sân bãi, cơ sở tập luyện lẫn không gian sinh hoạt cộng đồng đã khiến cả thể thao phong trào lẫn thể thao thành tích cao của TPHCM dần lép vế so với nhiều địa phương khác.
Ngoài ra, TPHCM cũng gặp khó trong việc thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư do thiếu các chính sách khuyến khích hấp dẫn. Công tác quản lý hệ thống sân bãi, nhà thi đấu còn phân tán, hoạt động kém hiệu quả khiến lãng phí nguồn lực. Hiện nay, quỹ đất dành cho thể thao tại TPHCM chỉ chiếm khoảng 1,35% tổng quỹ đất toàn thành phố, mức thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Trong bối cảnh các địa phương khác đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thể thao, TPHCM càng cần đến một chiến lược “thay áo mới” toàn diện để thể thao phát triển xứng tầm vị thế của TPHCM.
Năm 2025 dự báo sẽ là một năm bận rộn và nhiều kỳ vọng của thể thao TPHCM ở các đấu trường lớn, đặc biệt, nhằm chào mừng cột mốc kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành thể thao TPHCM quyết tâm “làm mới” chính mình nhằm tạo bước đột phá trong tương lai. Lãnh đạo Sở VH-TT TPHCM cho biết, định hướng phát triển của ngành thể thao thành phố trong những năm tới là thúc đẩy sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thể thao và cộng đồng trong việc đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mô hình xã hội hóa.
Gần 1.000 tỷ đồng được đầu tư cho việc nâng cấp và tu sửa để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Từ cuối năm 2024, sân vận động Thống Nhất, Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, Nhà tập luyện TDTT Phú Thọ, sân vận động Hoa Lư, Câu lạc bộ bơi – lặn Phú Thọ… đang dần được tu sửa và nâng cấp.
Những địa điểm trên dự kiến được dùng làm nơi tổ chức nhóm môn thi đấu Olympic, những môn thi đấu chính trong chương trình đại hội, nên điều kiện bắt buộc phải đạt chuẩn tối ưu. Ngoài ra, trong số 61 công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sẽ có một loạt các công trình thuộc lĩnh vực thể thao. Đáng chú ý, dự án xây dựng mới Nhà thi đấu Phan Đình Phùng dự kiến khởi công nhân dịp 30-4.
Giữa tháng 2-2025, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy đã ký văn bản đốc thúc tiến độ các công trình này. Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp sân vận động Thống Nhất phải khẩn trương trình UBND TPHCM về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng thì cần xem xét khả năng điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định.
Đối với các dự án đầu tư công là vậy. Còn với các dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, có đến 16/21 dự án thể thao là dự án thành phần nằm trong Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, bao gồm các dự án lớn như sân bóng đá có sức chứa 50.000 chỗ ngồi. Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận cho biết, đây là sự “tái khởi động” cần thiết sau thời gian dài bị gián đoạn bởi các vướng mắc về quy hoạch và pháp lý. Dự án này vốn được quy hoạch từ hơn 20 năm trước với diện tích 410ha, gặp vướng mắc về mặt bằng và nguồn vốn nên chưa triển khai được.
Không chỉ Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, dự án xây dựng mới Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, từng được phê duyệt đầu tư từ năm 2008, đến nay vẫn đang trong quá trình chuyển đổi sang đầu tư công và dự kiến sẽ là công trình thể thao lớn nhất khu vực trung tâm TPHCM với 13 hạng mục thi đấu, sức chứa gần 5.000 chỗ ngồi.
Từ những tín hiệu tích cực này, nhiều người kỳ vọng thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa các công trình có quy mô lớn hơn tại Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc để giải “cơn khát” về sân bãi và đáp ứng các sự kiện thể thao quốc tế trong tương lai.
Nguồn dẫn: Báo SGGP
Link bài gốc: https://www.sggp.org.vn/50-nam-non-song-lien-mot-dai-bai-13-the-thao-thanh-pho-khoac-ao-moi-post791382.html