Sáng 22/5, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị Thành phố (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ nhất.

Cùng tham dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các Sở ngành, đơn vị.
Tại phiên họp đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.
Theo quyết định, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được làm Phó Trưởng Ban Thường trực
Phó Trưởng Ban gồm: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ và , Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Phước Lộc.
Ban Chỉ đạo gồm 19 Thành viên là lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Thanh tra Thành phố, và các lãnh đạo sở, ban ngành TP.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo là triển khai, tổ chức thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 188 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TP.
Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và phân công nhiệm vụ của Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập thể và Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định nội dung thực hiện. Sở Xây dựng là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được chia sẻ, để hoàn thành mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP.Hồ Chí Minh cần cập nhật hướng tuyến quy hoạch bổ sung với tầm nhìn mở rộng liên kết vùng để có giải pháp đầu tư tối ưu; nâng cấp Ban quản lý thành mô hình phù hợp hơn.
Về phương án tài chính, TP tiếp tục mời gọi nhiều thành phần kinh tế đầu tư, giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách… Đồng thời, cần phải bàn sâu để có giải pháp cụ thể để thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó là các nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt như huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; thu và sử dụng tiền thu trong khu vực TOD.
Song song đó, huy động vốn thông qua các khoản vay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị.
UBND Thành phố được tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.
Các tuyến Metro theo quy hoạch mới bao gồm: tuyến 1 (Bến Thành – An Hạ); tuyến 2 (Củ Chi – Quốc lộ 22 (Phan Văn Khải) – An Sương – Bến Thành – Thủ Thiêm); Tuyến 3 (Hiệp Phước – Bình Triệu – Ngã sáu Cộng Hòa – Tân Kiên – An Hạ); Tuyến 4 (Đông Thạnh – sân bay Tân Sơn Nhất – Bến Thành – Nguyễn Hữu Thọ – Khu đô thị Hiệp Phước); tuyến 5 (Long Trường – Xa lộ Hà Nội (Võ Nguyên Giáp) – Cầu Sài Gòn – Bảy Hiền – Depot Đa Phước); tuyến 6 (Vành đai trong); tuyến 7 (Tân Kiên – Nguyễn Văn Linh – Thủ Thiêm – Thảo Điền – Thanh Đa – Khu Công nghệ cao – Vinhomes Grand Park).
Nguồn dẫn: Hà Trang/ Cổng thông tin điện tử TP.HCM
Link bài gốc: https://hochiminhcity.gov.vn/vi/web/hcm/w/thanh-lap-ban-chi-dao-phat-trien-he-thong-mang-luoi-duong-sat-do-thi-tp