Liên quan đến vụ cháy tại chung cư Carina Plaza, Quận 8, TPHCM xảy ra ngày 23/3 gây thiệt hại lớn về người và tài sản, từ vụ việc này, PV Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM đã trao đổi với một số chuyên gia về những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những vụ cháy xảy ra ở các chung cư. Theo đó, các ý kiến cho rằng, cơ quan nhà nước cần đưa ra những quy định chặt chẽ hơn trong công tác quản lý phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở các chung cư.
Phải có người chuyên về phụ trách PCCC của chung cư
KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch phát triển đô thị cho biết: “Theo như quan sát của tôi ở hầu hết những chung cư, cũng như theo dõi tình hình vụ cháy chung cư ở Quận 8 thì trách nhiệm để xảy ra cháy cần phải làm rạch ròi, rõ ràng. Đầu tiên về thiết kế, đã có quy trình dành cho tất cả công trình xây dựng mới và cải tạo là khi triển khai công trình phải được cơ quan phòng cháy chữa cháy (PCCC) duyệt và đối với những công trình cao tầng phải đưa ra ngoài Bộ Công an duyệt nên vấn đề rà soát PCCC ở chung cư rất dễ. Vấn đề tôi quan tâm nhiều là quản lý, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi vì hiện nay cách quản lý của mình rất sơ sài và không có quy định ràng buộc trách nhiệm”.
Vì vậy, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, để hạn chế tình trạng cháy xảy ra ở các chung cư, đầu tiên về trách nhiệm phải rõ ràng là của ai, bởi vì hiện nay người thì nói là chủ đầu tư, người thì nói là Ban Quản lý. Do đó, TP nên đưa ra quy định chặt chẽ là trách nhiệm về PCCC của các chung cư là phải có người phụ trách cụ thể với tên, họ, số điện thoại được công bố rõ ràng và hễ khi xảy ra vấn đề cháy là căn cứ vào đó truy trách nhiệm người phụ trách PCCC của chung cư. Và để làm được việc này, phải có một Ban Quản lý chịu trách nhiệm quản lý về PCCC và khi PCCC có vấn đề gì thì quy trách nhiệm cho người phụ trách PCCC của ban đó.
Thứ hai, Ban Quản lý này phải có trách nhiệm và quyền lực để xử lý vấn đề PCCC. Quyền lực ở đây là họ phải có ngân sách để lo công tác PCCC, phải có quy trình hướng dẫn; trong Ban Quản lý này về trách nhiệm PCCC có người chịu trách nhiệm về quản lý, người chịu trách nhiệm về tài chính, người chịu trách nhiệm về chuyên môn PCCC. Trong đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn về quản lý PCCC của chung cư phải có chứng chỉ hành nghề và phải được tập huấn đầy đủ về các vấn đề PCCC. Điều này sẽ hạn chế được sự tắc trách của các chung cư trong việc PCCC.
Thứ ba, khi có Ban Quản lý và trách nhiệm rõ ràng như vậy rồi thì trong 1 năm ít nhất kiểm tra hệ thống PCCC hai lần và trong vòng 1 năm phải có diễn tập và hướng dẫn cho cư dân những tình huống có thể xảy ra để biết cách thoát hiểm. Bên cạnh trách nhiệm của người quản lý PCCC ở chung cư thì đơn vị kiểm tra PCCC cũng phải có trách nhiệm. Cụ thể, mỗi năm khi đơn vị xuống kiểm tra và người trực tiếp kiểm tra vấn đề PCCC ở chung cư phải ký tên xác nhận vào biên bản và phiếu kiểm tra các thiết bị PCCC. Khi đi kiểm tra xác nhận là đạt yêu cầu về PCCC nhưng sau này nếu xảy ra cháy mà tình trạng họng chữa cháy không có nước, bình chữa cháy xịt không ra, chuông báo động không kêu thì người đi kiểm tra cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật. Tôi tin chắc rằng, khi quy ra trách nhiệm cụ thể như vậy thì tình trạng qua loa, có lệ trong công tác PCCC nó sẽ giảm mạnh.
Thứ tư là luật lệ phải được đảm bảo, đó là tất cả các chung cư đều phải mua bảo hiểm PCCC nhằm mục đích có thêm đơn vị giám sát vấn đề này. Bởi lẽ, khi có đơn vị bảo hiểm giám sát nếu công tác PCCC ở chung cư không tốt thì chắc chắn cơ quan bảo hiểm không nhận bảo hiểm cho chung cư hoặc nếu có nhận bảo hiểm thì mức mua bảo hiểm sẽ rất cao và điều này buộc Ban Quản lý chung cư phải giải quyết tốt vấn đề PCCC.
Do đó, sau vụ việc này, với TPHCM hiện nay đã có cơ chế đặc thù nên TP hoàn toàn có thể đưa ra những quy định ngặt nghèo hơn, chặt chẽ hơn về PCCC.
Tuyên truyền, huấn luyện cho tất cả người dân về ý thức PCCC
Qua vụ cháy tại chung cư Carina Plaza, Quận 8, nhiều ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền, tập huấn về PCCC cho người dân còn hạn chế nên khi xảy ra cháy mới gây ra hậu quả nghiêm trọng. Về vấn đề này, KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích: Thực ra với vụ cháy ở chung cư Carina Plaza, Quận 8 đáng lẽ ra nó không thiệt hại tính mạng nếu như làm đúng quy trình hoặc nếu có thì cũng rất ít.
Bởi lẽ, với công trình này nếu được quản lý đúng tiêu chuẩn, thiết kế thì khi xảy ra cháy là ở mỗi tầng có cửa ngăn cháy. Do đó, khi cháy ở hầm không thể nào lan lên tầng trên được, khói ở hầm không thể nào lan vô hành lang cầu thang lên tầng trên. Chẳng hạn, khi cháy ở dưới hầm mà người dân chạy vào cầu thang và theo thiết kế đúng thì ở trong cầu thang có quạt áp suất, tức là nó có luồng gió thổi ra, đẩy không cho khói vào.
Tuy nhiên, với trường hợp cháy ở Quận 8, khói vẫn vào cầu thang, có nghĩa là hệ thống quạt áp suất ở trong cầu thang không thiết kế hoặc không hoạt động. Đặc biệt, có tình trạng cửa ngăn cháy bị chèn gạch, chuyện này là do tắc trách của người quản lý, vì cửa này bình thường phải luôn luôn đóng. Mặt khác, qua vụ cháy cho thấy, rõ ràng người dân không được huấn luyện, tập huấn. Bởi lẽ, mỗi khi người dân được tập huấn khi có cháy xảy ra ở tầng hầm thì chạy lên sân thượng hoặc tầng cao hơn sẽ không sao, chứ không phải chạy ngược xuống. Đây là bài học kinh nghiệm và TP cần rà soát lại cả quy trình hoạt động quản lý chung cư, phải kiểm tra từng thiết bị PCCC có hoạt động hay không, hỏi người dân có được tập huấn hay không.
Còn TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, về mặt pháp lý các quy định về PCCC trong xây dựng, cũng như trong quản lý đô thị đều đã có. Tuy nhiên, việc cháy nổ vẫn xảy ra và đồng thời khi cháy các thiết bị PCCC không hoạt động, không đảm bảo an toàn, xử lý không phù hợp, người dân không được trang bị kiến thức PCCC tốt. Tất cả những yếu tố trên do vấn đề là phổ biến, quản lý thường nhật về vấn đề PCCC có sự yếu kém.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, TS Võ Kim Cương đề nghị cần có sự tuyên truyền, huấn luyện thật kỹ lưỡng cho tất cả người dân về ý thức PCCC, nhất là những khu vực có nguy cơ dễ cháy và nhà chung cư cao tầng. Đồng thời, cần có sự điều tra đầy đủ nguyên nhân và yếu kém để có biện pháp khắc phục. Cảnh sát PCCC TP là cơ quan chính chịu trách nhiệm về PCCC và tất cả các công trình xây dựng đều phải có sự xem xét của cơ quan cảnh sát PCCC. Đặc biệt, trong quá trình đi kiểm tra vấn đề PCCC ở các chung cư nếu cơ quan cảnh sát PCCC phát hiện các thiết bị PCCC hư hỏng cần phải yêu cầu chung cư khắc phục trong một thời gian nhất định, tránh tình trạng kiểm tra xử phạt xong ra về mà không kiểm tra lại việc khắc phục sự cố các thiết bị này. Ngoài ra, các chủ công trình khi thi công, quản lý, sử dụng phải có trách nhiệm giám sát, kiểm tra để đảm bảo an toàn.
Theo: Đình Lý/ Website Thành ủy TP.HCM