Trong một cuộc phỏng vấn với Tổng biên tập Tạp chí Atlantic – Jeffrey Goldberg, bà Hillary Clinton nói: “Đây là lần đầu tiên khi một quốc gia nước ngoài tấn công chúng ta, và chúng ta đã không làm gì cả. Một ví dụ không may và thật khó tưởng tượng, nhưng như thể sau những gì đã xảy ra vào ngày 11/ 9/2001, George W. Bush nói: “Tôi không có thời gian dành cho các cuộc gặp, không có thời gian để lo lắng về chuyện đó. Thật khủng khiếp. Chúng tôi xin lỗi, chúng tôi sẽ xây dựng lại New York và Lầu Năm Góc, nhưng điều đó không khiến tất cả chúng ta lo lắng”.
Theo bà, kết quả bầu cử bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của các yếu tố, đó là “chiến dịch của Nga”, dẫn đến việc công bố “thông tin bị đánh cắp” trên cổng WikiLeaks, cũng như hoạt động của công ty truyền thông tư nhân Cambridge Analytica và các công ty “tương tự” liên quan tới các thành viên đảng Cộng hòa và ông Donald Trump.
Trong năm 2016, tin tặc đột nhập vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ Hoa Kỳ và đánh cắp các thư từ của các thành viên trong bộ máy đảng. Tài liệu sau đó được công bố trên WikiLeaks. Một vụ bê bối đã xảy ra, sau đó người đứng đầu Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ, Debbie Wasserman-Schultz phải từ chức.
Các đại diện của đảng Dân chủ tin rằng việc các tài liệu bị hack đã ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử, và họ kết hợp việc này với “sự can thiệp của Nga”. Bà H.Clinton và các đảng viên đảng Dân chủ khác đã nói thẳng về sự tham gia của Nga vào các cuộc tấn công trên mạng, nhưng không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào cho việc này.
Phát biểu về những cáo buộc chống lại Nga, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng không có gì trong các tài liệu được công bố phục vụ lợi ích của Nga. Theo ông, “cơn cuồng loạn chống Nga” đang được sử dụng để chuyển hướng chú ý khỏi các vấn đề chính trị trong nước của Hoa Kỳ.
Trí Đức (Lược dịch)
Nguồn:infonet.vn