Trong năm tài khóa 2018, tổng nợ công của nước Mỹ đã gia tăng đến ngưỡng kỉ lục mới: 21.520 tỉ USD.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ ngày 28/9 (ngày cuối cùng của năm tài khóa 2018 tại Mỹ), tổng nợ công của nước này đã gia tăng đến ngưỡng kỉ lục mới – 21.520 tỉ USD, và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại hay giảm tốc.
Điều này có nghĩa là trong năm tài khóa 2018, khoản nợ của nước Mỹ đã tăng thêm 1.200 tỉ USD, gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và hiện nay tương đương với 105,4% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của nước này.
Khoản nợ công của Mỹ hồi cuối năm tài khóa 2017 là khoảng 20.250 tỉ USD, theo Bộ Tài chính Mỹ.
“Chúng tôi không biết ngưỡng nào mới là quá cao nữa. Nhưng việc [nợ công] gia tăng không ngừng chắc chắn là một vấn đề lớn, nó cho thấy sự không bền vững [trong sự phát triển của nền kinh tế Mỹ]. Và chúng ta là nền kinh tế tiên tiến duy nhất trên thế giới đang phát triển không bền vững như vậy”, nhà kinh tế học Jason Furman của trường đại học Harvard nhận định.
“Chúng ta là nền kinh tế tiên tiến duy nhất có nợ công gia tăng song hành cùng GDP. Trong khi đó, nợ công của các nền kinh tế tiên tiến khác lại giảm [so sánh với GDP]”, ông Furrman nói.
Mức thâm hụt thương mại đã lên đến 214 tỉ USD trong tháng 8 vừa qua, gấp đôi so với mức thâm hụt tháng 8/2017.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự tính mức thâm hụt trong năm tài khóa 2018 sẽ lên đến 895 tỉ USD. CBO còn cho rằng trong vài năm tới, Mỹ sẽ chi nhiều tiền hơn để trả nợ công, thay vì chi tiêu cho quân sự hay chương trình Medicare.
“Chúng ta đã tiến hành mở rộng kinh tế đến năm thứ 10, và tình trạng nợ công của chúng ta tiếp tục gia tăng cho thấy sự vô trách nhiệm. Nếu Quốc hội không có những thay đổi cơ bản về chính sách, thì Mỹ sẽ đối mặt với khủng hoảng tương tự như Hy Lạp”, ông Chris Edwards, người đứng đầu phụ trách nghiên cứu về chính sách thuế tại Viện nghiên cứu Cato, cho biết.
Ông này giải thích: “Khoản nợ công tăng cao có thể gây ra khủng hoảng khi lãi suất tăng đột biến, khiến chính phủ phải thực hiện những hành động quyết liệt, ví dụ như cắt giảm triệt để các khoản phúc lợi, an sinh xã hội… hay đột ngột tăng thuế, khiến nền kinh tế bị tổn hại”.
Thời đại