Vinfast tạo ra hai mẫu xe mới chỉ trong vòng 12 tháng kể từ khi ra mắt cho thấy doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể sử dụng mọi thứ, từ công nghệ tới trí tuệ của “những người khổng lồ” để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt. Tuy nhiên, chính điều này cũng làm nổi bật vai trò của Văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ CMCN 4.0 bùng nổ nhằm giúp một công ty giữ được “chất” của riêng mình.
Một năm chính là quãng thời gian mà Vinfast, nhà sản xuất ô tô thương hiệu Việt, cho ra mắt hai mẫu xe khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Dựa phần nhiều trên nền tảng và công nghệ của BMW, được thiết kế bởi Ital Design và sau đó Pininfarina trau chuốt, hai chiếc LUX A2.0 sedan và LUX SA2.0 SUV của Vinfast đã bỏ qua phần lớn những công đoạn của một nhà sản xuất xe hơi truyền thống để ra đời với thời gian ngắn kỷ lục.
“Đứng trên vai những người khổng lồ” chính xác là những gì Vinfast đã làm được để có những chiếc xe thương hiệu Việt đầu tiên. Cũng bằng cách này, người Việt Nam sẽ có cơ hội tạo ra những sản phẩm đẳng cấp thế giới dù chúng ta không có nền tảng lâu đời như những quốc gia phát triển đang sở hữu, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, chia sẻ tại Diễn đàn Văn hóa Doanh nghiệp thời CMCN 4.0.
Theo ông Trung, trong sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, mọi công nghệ, thiết kế hay sự sáng tạo đều có thể được chuyển giao hoặc sao chép một cách nhanh chóng và dễ dàng. Ngay cả trong lĩnh vực nhân tài, người Việt cũng có thể tận dụng trí tuệ và kỹ năng của những người giỏi nhất thế giới để tạo ra những sản phẩm tốt nhất mang thương hiệu Việt.
Qua câu chuyện của Vinfast, ông Trung khẳng định CMCN 4.0 mang đến cho Việt Nam những thuận lợi to lớn để bắt kịp hoặc vượt lên phía trước dù xuất phát điểm khiêm tốn. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ là xây dựng được dấu ấn riêng, những thứ sẽ trở thành hồn cốt cho doanh nghiệp trong một thế giới phát triển chóng mặt. Câu trả lời nằm ở văn hóa doanh nghiệp.
Toàn cảnh Diễn đàn Văn hóa Doanh nghiệp thời CMCN 4.0.
“Văn hóa là những gì còn lại sau khi đã mất hết tất cả. Văn hóa là thứ còn thiếu sau khi đã có mọi thứ. Nó đóng vai trò thúc đẩy, định hướng và đảm bảo nét riêng không thể sao chép cho mỗi doanh nghiệp. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người từ những công việc chân tay tới khả năng đánh giá tổng thể hay kỹ năng quản lý. Với văn hóa, con người sẽ không trở thành nô lệ cho robot”, ông Giản Tư Trung nhận định.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng nhấn mạnh vai trò của Văn hóa doanh nghiệp trong thời đại mới. Trong CMCN 4.0, sự phát triển không ngừng của robot và trí tuệ nhân tạo giúp giảm sức lao động của con người và tạo ra lượng của cải vật chất lớn hơn. Văn hóa doanh nghiệp cần giá trị đạo đức và niềm tin – một giá trị riêng của con người mà robot không có được.
“Văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 sẽ khác hơn so với thời kỳ trước bởi vai trò quan trọng của nó là tạo dựng giá trị niềm tin chung vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong một môi trường có sự tham gia của các chủ thể đa dạng (con người và robot), cũng như sự tương tác đa chiều hơn giữa các chủ thể này”, ông Lộc nhấn mạnh.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Deloitte Việt Nam, thì cho rằng CMCN 4.0 sẽ mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với sự bùng nổ công nghệ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đi nhanh và nắm bắt xu thế 4.0 tốt hơn nếu họ nhận thức đúng những giá trị cốt lõi và kiên định theo đuổi nó.
“Tôi rất tâm đắc với quan điểm của tổ chức tư vấn và đào tạo hàng đầu của Mỹ – Franklin Covey: ‘Đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, quy trình, cho đến bí quyết công nghệ,… chỉ trừ một thứ duy nhất họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là Văn hóa Doanh nghiệp của bạn’”, bà Thanh chia sẻ.
Theo Trí thức trẻ