Sau khi toàn tất sáp nhập, hệ thống Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart.
Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup mới đây đã phát đi thông báo về việc đã hoàn thành việc mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart từ Công ty cổ phần Nhất Nam. Sau khi toàn tất sáp nhập, hệ thống Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart.
Sau sáp nhập, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.
Nhìn lại hôn nhân với đại gia Nhật của Fivimart
Tháng 1/2015, sau một thời gian tìm hiểu, đại gia siêu thị Nhật Bản Aeon và Fivimart chính thức bắt tay hợp tác với việc Aeon sở hữu 30% cổ phần Fivimart. Tại thời điểm này, CTCP Nhất Nam (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) có 22 siêu thị tại tất cả các quận nội thành tại Hà Nội.
Chia sẻ về thương vụ này, bà Vũ Thị Hậu – Phó tổng giám đốc CTCP Nhất Nam từng cho biết mục tiêu của việc hợp tác này không chỉ vì mục đích tài chính. Theo đó Fivimart lựa chọn Aeon để cải thiện những điểm yếu của mình trong ngành bán lẻ.
Cụ thể về nhân viên của Fivimart được phía Aeon đào tạo về quản trị, chuyên môn. Về Hệ thống phần mềm được cải thiện xử lý được nhiều dữ liệu hơn, về tài chính được bổ sung để mở rộng hệ thống.
Về sắp xếp trong siêu thị cũng có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể về sắp xếp cơ cấu ngành hàng: Tiện hơn cho khách hàng. Khách hàng đến sẽ dễ thấy, dễ tìm, dễ lấy, giúp giảm bớt nhiều thời gian đi lại trong siêu thị của khách hàng.
Đối với Các khu vực chế biến thực phẩm, sơ chế, đóng khay thực phẩm tươi sống, nấu chín: Đã được quy chuẩn, phân khu rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm sản xuất tại siêu thị.
Khu vực quầy rau, củ, quả: Chú trọng nông sản của Việt Nam ở nhiều góc độ, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng ngày càng được nâng cao… Phần lớn các sản phẩm nông sản đã được chứng nhận VietGap.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến tới trở thành hệ thống siêu thị lớn nhất của Việt Nam”, đại diện Fivimart từng khẳng định.
Hai bức tranh tương phản
Hơn 3 năm sau khi hợp tác cùng Aeon, có vẻ kỳ vọng trở thành hệ thống siêu thị lớn nhất của Fivimart chưa thành hiện thực khi chỉ tăng thêm 1 siêu thị tại Hà Nội.
Tất nhiên khi kết hợp với Aeon, không thể phủ nhận doanh thu của siêu thị này cũng được cải thiện qua từng năm. Nếu như năm 2015, doanh thu Fivimart chỉ là 1.075 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên 1.269 tỷ đồng.
Báo lỗ của Fivimart và Citimart giai đoạn hợp tác cùng Aeon
Tuy nhiên bức tranh lợi nhuân chưa mấy tươi sáng khi năm 2015 (năm đầu tiên hợp tác), Fivimart báo lỗ 60 tỷ đồng và đến năm tiếp theo số lỗ đã lên 96 tỷ đồng. Trong năm 2017, tình hình có chút cải thiện nhưng siêu thị này vẫn lỗ 23 tỷ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỷ đồng. Nguyên nhân báo lỗ của Fivimart chủ yếu do các chi phí phát sinh trong kỳ tăng cao ví dụ như chi phí quản lý mỗi năm đều trên dưới 250 tỷ đồng.
Trái ngược với bức tranh ảm đạm của Fivimart, Aeon Việt Nam có những bước kinh doanh tươi sáng khi năm đầu vận hành đạt doanh thu gần 1.300 tỷ đồng nhưng lại báo lỗ 112 tỷ đồng.
Sang năm 2016, doanh thu Aeon Việt Nam đã tăng lên 3.883 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2014 và ghi nhận 54 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Năm 2017, hoạt động kinh doanh Aeon Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số tích cực với doanh thu 5.136 tỷ đồng – tăng 32%; Lợi nhuận trước thuế 234 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm trước đó.
Phía Aeon đánh giá mối quan hệ với Fivimart không đem lại nhiều hiệu quả và động thái rút vốn khỏi Fivimart sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn này tại Việt Nam.
Về Vingroup, tập đoàn đa ngành này chính thức tham gia thị trường bán lẻ siêu thị từ cuối năm 2014 với việc mua lại hệ thống siêu thị OceanMart. Với tiềm lực tài chính mạnh, Vingroup đã nhanh chóng mở rộng chuỗi siêu thị Vinmart và siêu thị mini Vinmart+ trên phạm vi toàn quốc. Sau gần 4 năm, Vingroup hiện sở hữu hệ thống 74 siêu thị Vinmart và hơn 1.000 siêu thị mini Vinmart+. Vingroup đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới Vinmart+ tăng gấp 4 lần quy mô hiện tại, lên con số 4.000 cửa hàng vào năm 2020.
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Sài Gòn Co.op Mart, tại các thị trường mới nổi sự phát triển của ngành bán lẻ hiện đại trải qua 4 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, các nhà bán lẻ nội địa thiết lập và chiếm lĩnh thị trường, các nhà phân phối nước ngoài bắt đầu thâm nhập thị trường.
Giai đoạn kế tiếp chứng kiến các nhà phân phối nước ngoài tăng tốc mở rộng thị trường, trong khi các nhà bán lẻ nội địa thụ động chờ đợi và quan sát diễn biến thị trường. Giai đoạn 3 là lúc các nhà bán lẻ trong nước bừng tỉnh và tăng tốc mở rộng. Cuối cùng, các nhà bán lẻ nội địa chiếm lĩnh thị trường.
Ông Hòa cũng cho rằng để cạnh tranh và thành công trong giai đoạn 3 và 4, các nhà bán lẻ nội địa phải biết khai thác và hợp lực, tạo nên cộng hưởng tất cả những thế mạnh của mình. Có thể xem bước hợp tác giữa Fivimart và Vingroup có thể xem là dấu hiệu hợp lực của các nhà bán lẻ nội địa để thành công trong giai đoạn 3 của sự phát triển toàn ngành.
Theo Trí Thức Trẻ