Gần đây các biện pháp Mỹ sử dụng để đối phó với Trung Quốc ngày càng mạnh thêm. Giới quan sát quốc tế cho rằng, có vẻ chính phủ Mỹ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để quyết tâm giải quyết bằng được “mối đe dọa” của Trung Quốc trong nhiệm kỳ này.
Xây dựng ê-kíp “đồng lòng” chống Trung Quốc
Giới phân tích quốc tế chú ý đến một thực tế, sau khi tổng thống Trump tuyên bố áp dụng biện pháp về thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 3, ông đã bắt tay vào điều chỉnh lớn trong ban lãnh đạo Nhà Trắng. Trong Nhà Trắng đã xuất hiện đội ngũ toàn những người thông thạo về Trung Quốc, có vẻ ông Trump đã chuẩn bị rất kỹ cho việc tiến hành một loạt biện pháp để “ra đòn” với Bắc Kinh nhằm giải quyết triệt để điều mà ông gọi là “mối đe dọa Trung Quốc”.
Từ tháng 3, ông Trump bắt đầu ra tay điều chỉnh lớn về nhân sự Nhà Trắng. Cố vấn kinh tế hàng đầu Gary Cohn xin từ chức do phản đối chính sách thu thuế đối với thép và nhôm, lập tức được ông Trump chấp thuận và thay thế bởi Larry Kudlow – một nhà bình luận nổi tiếng của kênh truyền hình CNBC. Sau khi được bổ nhiệm, ông Larry Kudlow đã nhiều lần chỉ trích hành vi mậu dịch không công bằng của Trung Quốc và kiên quyết ủng hộ chính sách đối với Trung Quốc của ông Trump.
Hầu như cùng lúc, cả hai chức vụ quan trọng hàng đầu là Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia cũng đổi chủ. Hai ông Rex Wayne Tillerson và Herbert Raymond McMaster có lập trường ôn hòa đã bị Tổng thống Donald Trump thay thế bởi Mike Pompeo và John Robert Bolton là những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Ông Donald Trump đã tạo lập cho mình ê – kíp gồm những người có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc
Sau khi cải tổ, vòng trung tâm quyền lực xung quanh Tổng thống Donald Trump gồm toàn những nhân vật bị Bắc Kinh coi là “diều hâu” đối với họ, gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Robert Bolton, Chủ nhiệm Ủy ban mậu dịch Nhà Trắng Peter Navarro. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Emmet Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Louis Ross…
Hoàng Hà, một nhà bình luận thời sự Mỹ của đài truyền hình NTDTV cho rằng, những người này có một đặc điểm chung đều là các chuyên gia về Trung Quốc. Đây là điều hiếm thấy trong lịch sử nước Mỹ. Những người này đều “có nhận thức rất tỉnh táo về Trung Quốc, đều có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc”.
Theo Giáo sư Tạ Điền, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc của Học viện kinh doanh Aiken thuộc trường Đại học Tổng hợp South Carolina, ông Trump thay thế Ngoại trưởng Rex Wayne Tillerson – một người có lập trường ôn hòa, bằng Mike Pompeo, một người rất cứng rắn với Bắc Kinh bởi tư duy của ông ta rất giống ông Donald Trump. Khi đối phó với các vấn đề gay cấn như với Trung Quốc hay Triều Tiên, Mike Pompeo đã thể hiện rõ chiến lược của Donald Trump, thực hiện được chiến thuật của Donald Trump.
Mike Pompeo trước đó giữ chức Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) là người “hiểu rõ như trong lòng bàn tay” mọi thứ về Trung Quốc. Mike Pompeo đã nhiều lần công khai phát biểu kêu gọi coi trọng “mối đe dọa của Trung Quốc” đối với các nước phương Tây, như việc lấy cắp bí mật thương mại của các cơ quan Mỹ và thâm nhập, thẩm thấu vào nước Mỹ.
Ông Jim Cramer, một phát thanh viên nổi tiếng của đài CNBC phân tích cho rằng, ông Donald Trump lựa chọn Mike Pompeo làm Ngoại trưởng nhằm gửi tới Bắc Kinh một tín hiệu nghiêm trọng, “tuyên bố Trung Quốc là kẻ thù của quyền sở hữu trí tuệ và lĩnh vực kinh tế của chúng ta”.
Cố vấn An ninh Quốc gia John R. Bolton là một nhân vật nổi tiếng “diều hâu”, từng giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Dưới thời ông Obama, ông thường xuyên viết bài phê phán chính sách ngoại giao “mềm yếu” của chính phủ, phê phán ông Obama quá nhu nhược trong các vấn đề đối ngoại với Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Emmet Lighthizer là người ủng hộ kiên định chính sách đối với Trung Quốc của ông Trump. Ông luôn chỉ trích Trung Quốc thông qua biện pháp “thao túng mậu dịch” để số lượng lớn việc làm của ngành chế tạo Mỹ chảy sang Trung Quốc. Ông cũng đề xướng đẩy mạnh bảo hộ mậu dịch. Chính Robert Emmet Lighthizer là nhân vật then chốt đã phát động điều tra về việc Trung Quốc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, trong chính sách mậu dịch đối với Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Louis Ross và Chủ nhiệm Ủy ban mậu dịch Nhà Trắng Peter Navarro cũng đều là những người kiên định ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc của ông Donald Trump.
Ông Peggy Grande, người từng là trợ lý chấp hành hàng đầu của cựu Tổng thống Ronald Reagan nói, ông Donald Trump cần phải tìm và lập được đội ngũ làm việc “chí đồng đạo hợp” với mình. Trên con thuyền của ông, mỗi người đều phải đoàn kết nhất trí cùng chèo hướng về một mục tiêu.
Liên tiếp tung ra các cú đòn siêu mạnh
Trong vòng mấy tháng qua, chính phủ Donald Trump đã “phản kích mối đe dọa Trung Quốc” trên nhiều mặt. Fred Kempe, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu Atlantic Council cho rằng, sau khi tiến hành rất nhiều việc trong điều tra và lập kế hoạch, chính phủ Donald Trump đã tung ra “những cú đòn chính xác và toàn diện”, liên quan đến mọi cơ quan chính phủ, từ Lầu Năm Góc đến Đại diện thương mại Mỹ. Xét về mặt kinh tế và vấn đề an ninh toàn cầu, ảnh hưởng của những cú đòn đó là trực tiếp và có thể sẽ lâu dài.
Ông Fred Kempe cho rằng. các quan chức cao cấp Trung Quốc lo ngại Washington đang trù tính một chuyển biến lớn về chính sách để giải quyết về căn bản “mối thách thức đến từ Trung Quốc” và họ (các quan chức Trung Quốc) đã có đáp án.
Mỹ đã đưa vào Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ – Mexico – Canada điều khoản nhằm cô lập Trung Quốc.
Về mặt mậu dịch, chính phủ Donald Trump đã tuyên bố đánh thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc theo 3 đợt: 34 tỷ ngày 6.7, 16 tỷ ngày 23.8 và 200 tỷ ngày 24.9. Ông Trump còn tuyên bố sẽ đánh thuế tiếp đối với 267 tỷ USD nếu Trung Quốc tiến hành trả đũa.
Hôm 10.10, chính phủ Donald Trump đã tuyên bố đạo luật tạm thời về việc thí điểm mở rộng thẩm tra đối với công ty nước ngoài đầu tư ở Mỹ. Đạo luật tạm thời này thực hiện hạn chế kim ngạch đầu tư của nước ngoài vào nhiều ngành công nghệ cụ thể. Đạo luật này liên quan đến 27 ngành nghề kỹ thuật, bao gồm các lĩnh vực viễn thông, bán dẫn và máy tính…Các nhà đầu tư nước ngoài khi bỏ thầu vào các công ty Mỹ liên quan đến các lĩnh vực này cần phải nộp bản tuyên bố, thông báo cho tổ chuyên gia của Mỹ biết ý đồ của mình. Chính phủ Mỹ đã dày công lập ra bản danh mục các ngành nghề, hạng mục thí điểm để đối phó với những khoản đầu tư của nước ngoài có động cơ chiến lược, gây nên mối đe dọa đối với ưu thế công nghệ và an ninh quốc gia của Mỹ.
Hôm 1.10, Mỹ công bố “Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ – Mexico – Canada” (USMCA), tuy bề ngoài có vẻ đây là chuyện của 3 nước, nhưng nội dung cụ thể lại khiến quốc tế thấy rõ có ý đồ cô lập Trung Quốc khi trong đó có quy định: nếu bất cứ thành viên nào đạt được hiệp định với “quốc gia có nền kinh tế phi thị trường” thì các nước thành viên khác có quyền rút khỏi USMCA. Thực chất “quốc gia có nền kinh tế phi thị trường” là ám chỉ Trung Quốc.
Từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc luôn ra sức yêu cầu các quốc gia phát triển Âu Mỹ công nhận địa vị kinh tế thị trường của họ, nhưng do các nước này phản đối mạnh mẽ chính sách bán tháo của Trung Quốc nên đều công khai phản bác và từ chối.
Về mặt quân sự, “Luật ủy quyền quốc phòng năm tài chính 2019” mà ông Trump ký có hiệu lực hồi tháng 8 thể hiện rõ, nhiệm vụ hàng đầu của Mỹ là “cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc”…
Mỹ đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quốc tế quan trọng Vành đai Thái Bình Dương.
Mỹ còn hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” tiến hành 2 năm một lần. Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố hành động quân sự hóa ở Biển Đông sẽ làm gia tăng tình hình căng thẳng và phá loại sự ổn định trong khu vực, không phù hợp với mục đích của cuộc tập trận này. Lệnh cấm này cũng được đưa vào Luật Quốc phòng do ông Trump ký.
Trước mối đe dọa của Trung Quốc trong không gian, tháng 6 năm nay ông Trump đã ký lệnh thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến không gian. Lầu Năm Góc cũng ký với 2 nhà thầu quốc phòng hợp đồng phát triển vũ khí siêu thanh. Theo Phó Tổng thống Mike Pence thì động thái này nhằm đối phó với “quốc gia khác đang ý đồ phá hoại hệ thống không gian và thách thức chưa từng thấy đối với địa vị bá quyền của Mỹ trong không gian”.
Gần đây, đài CNN đã dẫn lời nhiều quan chức Bộ Quốc phòng tiết lộ, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã soạn thảo một đề án mật, chuẩn bị tiến hành một loạt hành động quân sự để “thể hiện sức mạnh vũ lực” kéo dài 1 tuần trong tháng 11 tới, địa điểm là Biển Đông và gần Eo biển Đài Loan, nhằm “phát tín hiệu cảnh cáo Trung Quốc và răn đe dã tâm quân sự của Trung Quốc trong khu vực” – theo ông Fred Kempe.
Về chính sách an ninh quốc gia, đài CNBC cho biết, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã yêu cầu cơ quan chính phủ đề ra các phương án để hạn chế các công ty công nghệ Trung Quốc tham gia vào việc triển khai mạng 5G của Mỹ.
Đồng minh Australia của Mỹ cũng đã ngăn chặn các công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc tham gia vào hạng mục triển khai mạng 5G ở nước này.
Các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei và ZTE bị Mỹ cấm tham gia đấu thầu triển khai mạng 5G.
Ông Donald Trump mới đây còn ký Chiến lược an ninh mạng quốc gia đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền. Chiến lược này đề ra 4 trụ cột lớn, 42 hành động ưu tiên và trao quyền hạn lớn hơn cho nhiều ngành của Mỹ, chủ động ra tay loại bỏ các mối uy hiếp trên mạng đến từ bên ngoài như Trung Quốc.
Hôm 4.10, Phó Tổng thống Mike Pence đã có bài nói tại Viện Hudson tố cáo Trung Quốc trên nhiều mặt, phản ánh Mỹ sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Ông Donald Trump hồi tháng 9 đã ký một đạo luật hành chính, cho phép chính phủ Mỹ thực thi trừng phạt các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ.
Đó là được xem là những cú ra đòn siêu mạnh mà chính phủ của ông Donald Trump tung ra nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp.
Thu Thủy
Nguồn:baomoi.com