(Xây dựng) – Trong mắt một du khách đã từng ngao du khắp thế giới nhưng lần đầu đến Lý Sơn, hòn đảo nhỏ bé vỏn vẹn diện tích 10km² này đẹp hơn cả Table Mountain National Park ở Cape Town và Great Ocean Road ở Úc.
Điều quan trọng nhất đến lúc này Lý Sơn có thể do địa lý biệt lập và những khó khăn về hạ tầng và cơ sở lưu trú khó khăn cách trở, nhưng đó cũng chính là nguyên nhân để Lý sơn vẫn giữ được cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ nguyên vẹn. Thiên đường xanh vẫn xanh, vách núi đá panorama vẫn trường tồn, cổng tò vò vẫn triệu năm hiện hữu nhưng thiên đường cũng đang đứng trước thách thức bởi sự lựa chọn phương án giữa bảo tồn hay thu hút đầu tư.
Du khách chi gần trăm triệu đồng cho chuyến du lịch Đảo Lý Sơn
Minh Đen, là một thổ dân địa phương thuộc dòng dõi 113 người gốc ra đảo Lý Sơn đầu tiên tại Quảng Ngãi. Minh Đen nhân tố trẻ ở trên đảo này được cộng đồng mạng biết đến với ngôi nhà homestay khá ấn tượng với vai trò tour guide nồng hậu thân thiện và đam mê chụp ảnh đẹp cho du khách.
Chàng trai trẻ chủ homestay Lý Sơn với tự hào “quê hương mình quá đẹp”.
Homestay của Minh Đen quy mô hơn chục giường ngủ mô hình như ký túc gọn gàng ngăn nắp, có khu sinh hoạt chung có thể đáp ứng đoàn 20 khách và phục vụ đồ ăn uống theo nhu cầu đặt trước. Mức giá chỉ dao động 100-150 ngàn/người/đêm, điểm đặc biệt là chàng trai bản địa đã tự làm thợ mộc để đóng bàn đóng ghế, đóng đồ trang trí nội thất theo phong cách đơn giản mà tiện dụng.
Khi được hỏi về ý tưởng làm homestay, Minh Đen trưởng thành hơn so với độ tuổi thế hệ đầu 9x khi thể hiện quan điểm của mình. Chỉ đơn giản là cảnh quê Minh đẹp quá, tình yêu quê hương và niềm tự hào lớn quá, muốn những người bạn trẻ và những người xê dịch ưa trải nghiệm biết đến và lưu lại những ký ức thật đẹp về Lý Sơn. Du lịch Lý sơn khai thác được 8-10 tháng/năm, mùa thấp điểm giá phòng giảm nhiều so với mùa cao điểm.
Vẻ đẹp hoang sơ trên Đảo lớn
Miệng núi lửa triệu năm bên bờ biển
Hữu xạ tự nhiên hương, mọi người đến Homstay của Minh Đen phần lớn là qua bạn bè đi về rồi giới thiệu, hoặc tìm thông tin trên fanpage, mỗi khách đến và đi xong đều quen như người nhà. Khi bắt tay làm, Minh Đen cũng tự tìm hiểu, vì chưa đi nhiều, nhưng cũng biết là Lý Sơn ít cơ sở lưu trú, người dân tự làm quy mô nhỏ và dịch vụ có nhà làm tốt có nhà làm chưa tốt. Có lái xe nhận giá rẻ nhưng chạy xô chở khách, còn Minh Đen làm tour giá thuê xe cao nhưng phục vụ khách tận tình không mệt mỏi nên khách vui. Ở đây sau này phần lớn là người lớn tuổi làm du lịch, xây những khu nhà nghỉ giống nhau, khai thác giống nhau ít tạo được bản sắc trong khi khách đến đảo này đa phần là giới trẻ trung năng động.
Nét chấm phá sắc màu nơi Đảo bé
Cổng tò vò, biểu tượng của đảo Lý Sơn
Vẻ đẹp Lý Sơn theo tiết trời đẹp huyền ảo trong mọi khoảnh khắc
Cảnh sắc Lý sơn thay đổi theo mùa, theo tiết trời và mỗi thời điểm có vẻ đẹp khác nhau biến ảo huyền diệu. Cũng như với Minh Đen, mỗi lần dẫn khách là mỗi cảm xúc không bao giờ trùng lặp. Còn với du khách, Minh Đen kể đã từng chứng kiến, có hai bà mẹ đi du lịch với bọn trẻ của hai gia đình, và chỉ riêng tiền ăn của chuyến đi tổng mức thanh toán đã lên đến gần năm chục triệu đồng trong ba ngày. Cộng với việc mua đặc sản hành tỏi địa phương về làm quà cùng chi phí khác của chuyến du lịch, du khách đã rất thoải mái và hào phóng khi chi cả gần trăm triệu đồng khi đến hòn đảo xinh đẹp này.
Đua thuyền là lễ hội truyền thống được tổ chức dịp sau tết âm lịch
Có tiền cũng không mua được đất trên đảo Lý Sơn
Một vòng quanh đảo, có thể rất dễ nhận ra, Lý Sơn đã có hệ thống dịch vụ phục vụ du khách như nhà hàng, café, karaoke đã bắt đầu nhộn nhịp hiện đại. Người dân nói với phóng viên rằng, sau khi Lý Sơn được hưởng cơ chế đặc thù, lãnh đạo chính quyền đã lập các dự án để phát triển xây dựng hạ tầng du lịch.
Đảo bé nhìn từ trên cao
Tình trạng chung trên đảo là khách sạn nhà nghỉ manh mún và người dân chỉ rằng có chỗ này chỗ kia xây chồng lấn đất quốc phòng. Một số dự án được thực hiện theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng. Có thể đó là nguyên nhân có tình trạng làm một dự án nghĩa trang lớn để dồn mộ dọn sạch mặt bằng đất trong dân. Một con đường vòng quanh đảo đang được thi công lỗ chỗ từng đoạn, lấn ra biển có thể để làm tăng quỹ đất. Khu vực sân bay cũ của đảo đang được quy hoạch lại và làm đường xá nhưng nham nhở và bị băm nát chưa hoàn thiện. Buổi tối, phía sau biển hiệu chợ đêm trang trí đèn điện xanh đỏ mang dòng chữ chợ đêm gây sự chú ý là một dãy những kiot giống những gian hàng triển lãm vắng hơ vắng hắt không ăn nhập gì với thắng cảnh ban ngày và lệch tông hoàn toàn với bản sắc văn hoá bản địa.
Hạ tầng du lịch Lý Sơn còn nghèo nàn và hạn chế
Khi phóng viên tìm hiểu về tình hình giao dịch bất động sản trên đảo, điều bất ngờ là trên đảo rất khó để mua đất để làm homestay hoặc nhà nghỉ khách sạn, cơ sở dịch vụ. Lý do được chỉ ra rằng diện tích đảo chỉ vỏn vẹn 10km². Giá đất tham khảo khu vực đắt nhất trên đảo là đất mặt đường từ cảng vào khách sạn Mường Thanh khoảng 40 triệu/m². Đất ở trong làng và khu vực khác dao động từ 12-30 triệu/m². Tuy vậy, người dân không muốn bán đất của tổ tiên để lại. Còn các nhà đầu tư phải tính đến phương án mua đất xong không xây được cao tầng vì tầng 4 thôi là gió rít ầm ầm. Phương án xây nhà cao tầng tái định cư sau khi đền bù giải phóng mặt bằng không khả thi vì người dân với phong tục tập quán địa phương biển đảo phóng khoáng sẽ không thích ứng với nhà cao tầng dồn dân đô thị.
Đảo nhỏ nhưng nghĩa trang được đầu tư xây dựng khá lớn
Có thông tin một tập đoàn bất động sản lớn cũng có động thái khảo sát, xúc tiến đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại đảo này. Tuy nhiên, việc lựa chọn giữa phát triển và bảo tồn là bài toán khó trên hòn đảo Lý Sơn. Nhà đầu tư lớn trên người viết không xa lạ bởi những dự án và những chiến dịch truyền thông ồn ào, đối tượng khách lưu trú ồn ào dường như đang vấp phải những khó khăn khi đảo Lý Sơn không phải là cô nàng dễ tính có thể kết hôn với bất cứ đại gia nào mà điều tiên quyết phải là chọn người phù hợp.
Một dự án làm hạ tầng lấn biển đang được xây dựng.
Cũng giống như quan điểm của chuyên gia Trần Lê Trà đến từ tổ chức GIZ về phát triển du lịch trên đảo Cù Lao Chàm, người viết cho rằng Lý Sơn cần được phân tích điểm mạnh, điểm yếu và quan điểm phát triển nên nhất quán rằng du lịch sinh thái là hướng đi bền vững cho bảo tồn và phát triển bền vững. Do vậy, lãnh đạo tỉnh cần tính toán giảm số lượng khách, nhưng tăng chất lượng du lịch, tăng thu nhập. Hướng tới đối tượng khách có thu nhập cao, thực sự có mong muốn thưởng ngoạn thiên nhiên trên đảo.
Con đường bích hoạ là điểm nhấn check in thú vị tại Lý Sơn
Nền nông nghiệp với đặc sản hành, tỏi là sản vật quý để du khách mua về tặng người than tại Lý Sơn
“Lý Sơn cần chọn đường đi mới, không phải là theo hướng các resort đắt tiền mà theo hướng đơn giản, sạch sẽ, thân thiện, chuyên nghiệp và các sản phẩm du lịch thân thiện với hệ sinh thái rừng, biển. Khách có thể giảm một nửa, giá có thể tăng gấp vài lần, chuyển dần từ du lịch đại trà sang du lịch có hơi hướng sinh thái. Du lịch sinh thái đúng nghĩa không hề là rẻ, và cũng không bao giờ là loại hình du lịch ăn chơi ầm ĩ. Nó kén khách và chỉ hợp với những ai có đủ ý thức để tôn trọng thiên nhiên, dám móc hầu bao để khoản tiền bỏ ra không chỉ đủ để dân đảo có lời mà còn có phần dư để đầu tư cho bảo tồn sao cho tài nguyên thiên nhiên và văn hóa trên đảo có thể “bán” được lâu dài. Nếu không, đảo nào rồi cũng sẽ trở thành Koh Phi Phi hay Bocaray tiếp theo. Hôm nay, Đảo Lý Sơn vẫn là “em đẹp, em có quyền”. Có điều em muốn đẹp dài lâu thì đừng thường xuyên ra nắng” – ông Trần Lê Trà nhấn mạnh.
Còn với phóng viên, hy vọng sau này có dịp trở lại Lý Sơn, không mong gì những khu resort bề thế sang trọng, chỉ mong gặp lại nụ cười thanh xuân du khách, những shot hình đẹp và những status đơn giản kiểu như là, đến Lý Sơn: “Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh, và đừng để lại gì ngoài những dấu chân”…