Như chúng tôi phản ánh, khu vực đô thị và ngoài đô thị đã có hệ thống camera dày đặc. Tuy nhiên, việc đầu tư phân tán dẫn đến chồng chéo, sử dụng chưa hiệu quả. Mời bạn đọc cùng ngắm hệ thống camera đông đảo nhưng được đầu tư riêng lẻ, rời rạc, không tích hợp các chức năng để dùng xử phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội.
Do đầu tư riêng lẻ nên đã xảy ra việc cùng một vị trí có hai camera cùng chĩa về một hướng. Ảnh chụp tại đường Núi Trúc. Ảnh: Kiến Nghĩa
Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên đường Điện Biên Phủ. Ảnh Kiến Nghĩa
Ba camera lắp trên cùng một cần vươn tại ngã tư Nguyễn Thái Học – Cửa Nam. Ảnh Kiến Nghĩa
Sáu camera trên cùng một cần vươn, cùng hướng về một hướng tại ngã ba Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch. Ảnh Sỹ Lực
Một điểm có đến 5 camera khác cũng tại ngã ba Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch
Do không phối hợp tốt giữa các đơn vị lắp đặt và đơn vị tuần tra xử lý nên nhiều vị trí lắp đặt chưa hợp lý. Trong ảnh là camera trên đường Phạm Hùng, đối diện bến xe Mỹ Đình. Camera chĩa về phía trước, trong khi phía sau camera này là bến xe buýt, là tụ điểm xe khách dừng xe bắt khách nhiều năm nay. Tác giả: Long Vân
Camera được công nhận là thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mới có thể xử phạt
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho hay, những thiết bị để xử phạt người vi phạm giao thông phải nằm trong danh mục quy định theo Nghị định 165/2013/NĐ-CP (quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường,). Theo đó, những thiết bị này phải được kiểm định, thỏa mãn các điều kiện giữa hai kỳ, hiệu chuẩn, đảm bảo về góc độ pháp lý. “Hiện nay có nhiều video phản ánh vi phạm giao thông được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau rất khó xác minh làm rõ. Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ xây dựng được quy chuẩn cơ bản và hợp nhất hệ thống camera xử lý hình ảnh vi phạm trong lĩnh vực giao thông; thậm chí tận dụng được hết các camera kể cả trong nhà dân. Trước hết, việc lắp camera giao thông, xử lý hành chính bằng hình ảnh, cần phải có sự chuẩn hóa nhất định” – Thượng tá Nhật đề nghị.
Theo Thượng tá Nhật, ngoài khu vực nội thành, các tuyến quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT cũng có bất cập. Theo đó, các chủ đầu tư BOT đầu tư lắp camera ở một số tuyến cao tốc chủ yếu để bảo đảm hoạt động nghiệp vụ của đơn vị quản lý đường, không đủ chức năng, cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt nguội.
Nên phối hợp và tích hợp Ông Nguyễn Thế Kỷ – Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, đơn vị đầu tư hệ thống camera giao thông không nhỏ cho hay: “Xu hướng phối hợp đầu tư, tích hợp tính năng của các camera giao thông là hợp lý”. Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ GTVT) cũng cho biết: Tại các nước, chỉ một cơ quan quản lý có thẩm quyền lắp camera giám sát giao thông, qua đó sẽ thống nhất trong cách vận hành, sử dụng. Trong khi nước ta hiện nay có một số cơ quan cùng lắp camera giám sát giao thông để thực hiện những công việc khác nhau. “Nếu tích hợp các camera giám sát giao thông lại với nhau thì vẫn đảm bảo hiệu quả công việc cụ thể của từng cơ quan, qua đó sẽ tiết kiệm được chi phí do không phải lắp nhiều camera tại cùng một chỗ như hiện nay”- ông Nguyễn Văn Thạch nói.
Tiền Phong