Theo đó, Uber đã chính thức bán mình cho Grab và rút lui khỏi cuộc chiến khốc liệt tại Đông Nam Á.
Ngày 26/3, Uber Technologies Inc đã đồng ý bán lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình ở Đông Nam Á cho Grab, tiếp tục rút lui khỏi một thị trường tăng trưởng nhanh và kết thúc cuộc chiến đắt đỏ với một đối thủ tàn khốc ở địa phương.
Như vậy, đây là thương vụ M&A lớn nhất cho đến nay tại khu vực. Dưới thỏa thuận này, Grab Grab sẽ tích hợp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn UberEats tại thị trường 620 triệu người. Đổi lại, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab và CEO của Uber – ông Dara Khosrowshahi sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
Thương vụ đánh dấu một thắng lợi vẻ vang cho Grab cũng như SoftBank Group – cổ đông lớn nhất của cả 2 công ty. Công ty của tỷ phú Masayoshi Son dự đoán thị trường gọi xe Đông Nam Á sẽ đạt 20,1 tỷ USD trong năm 2025. Theo số liệu mà Softbank đưa ra, Uber và Grab cùng với 2 hãng gọi xe khác mà công ty này đang nắm cổ phần là Ola của Ấn Độ và Didi của Trung Quốc trung bình phục vụ 45 triệu chuyến xe mỗi ngày. Động thái sáp nhập giữa Uber và Grab nằm trong đúng kỳ vọng của Softbank nhằm giảm sự cạnh tranh giữa các hãng gọi xe tại thị trường Đông Nam Á.
Đối với Uber, việc bán lại khoản kinh doanh tại Đông Nam Á sẽ giúp hãng này cắt giảm lỗ trước khi diễn ra cuộc IPO trong năm 2019. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy một sự xuống cấp trầm trọng của một startup kỳ lân nổi tiếng với tốc độ mở rộng nhanh trên thế giới. Năm 2016, Uber bán lại hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc cho đối thủ địa phương là Didi sau một trận chiến khốc liệt mà cả hai bên cùng “đốt tiến” để giành chiến thắng. Năm ngoái, Uber lại tiếp tục thực hiện một đàm phán tương tự ở Nga.
“Việc sáp nhập ngày hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, khi chúng tôi trở thành công ty đi đầu về nền tảng công nghệ và hiệu quả chi phí trong khu vực”, CEO Grab – Anthony Tan cho biết trong thông cáo báo chí.
Trong suốt 9 năm qua kể từ ngày thành lập, Uber đã “đốt” khoảng 10,7 tỷ USD. Trong chuyến công tác châu Á tháng trước, CEO Uber – Dara Khosrowshahi không ngừng đánh bóng tình hình tài chính của công ty này và cam kết đẩy mạnh phát triển các thị trường chủ chốt khác như Nhật Bản và Ấn Độ. Tuy nhiên, động thái mới đây cho thấy Uber đang phụ thuộc vào thị trường quê nhà ở Bắc Mỹ nhiều hơn là mở rộng.
Grab khởi nghiệp là một ứng dụng đặt xe taxi ở Kuala Lumpur năm 2012. Hiện nay, công ty này trở thành dịch vụ đặt xe lớn nhất khu vực, kêu gọi được 4 tỷ USD vốn đầu tư trong năm ngoái. Theo CB Insights, giá trị vốn hóa của Grab hiện rơi vào khoảng 6 tỷ USD. Với hơn 86 triệu lượt tải ứng dụng trên điện thoại, Grab cung cấp dịch vụ đặt xe cho khắp 191 thành phố từ Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan cho đến Việt Nam, Myanmar và Campuchia.
Theo: Anh Sa/ Trí thức trẻ