Theo nhiều nguồn tin, Softbank là tác nhân chính thúc đẩy thương vụ hợp nhất giữa Grab và Uber lần này.
Softbank hưởng lợi nhiều nhất?
Thương vụ giữa hai đối thủ kình địch là Uber và Grab nhưng hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong các bài báo sáng 26.3, lại là Masayoshi Son – người đứng đằng sau kịch bản Grab thâu tóm Uber. Và được cho cũng sẽ là “nhạc trưởng” của thị trường xe tự lái trong tương lai. Bởi không phải Uber hay Grab, chính tập đoàn Softbank của Nhật Bản do Masayoshi Son sở hữu mới là người được hưởng lợi nhiều nhất. Thương vụ Grab mua lại Uber chỉ là một trong những toan tính đầy tham vọng của ông trùm đầu tư người Nhật Bản.
Chấp nhận bán mình cho Grab. Dù thương vụ này có giúp Uber “làm đẹp bảng báo cáo tài chính” trước khi IPO nhưng vẫn là một thất bại đau đớn của Uber, với tư cách công ty khởi nghiệp giá trị nhất hành tinh.
Đây cũng là lựa chọn bất đắc dĩ của CEO của Uber, khi hồi đầu năm, chính vị này còn đích thân đến châu Á để đẩy mạnh việc hợp tác với các công ty taxi của Nhật Bản và Ấn Độ – nhằm mở rộng thị phần chứ không chỉ bó hẹp ở Mỹ và châu Âu.
Theo nhiều nguồn tin, gã khổng lồ Nhật Bản là tác nhân chính thúc đẩy thương vụ hợp nhất giữa Grab và Uber lần này. Bởi Softbank không chỉ đầu tư cho Uber, mà còn cho tất cả các đối thủ lớn nhất của Uber như Didi Chuxing ở Trung Quốc, ứng dụng gọi xe 99 tại Brazil, Ola ở Ấn Độ và Grab ở Đông Nam Á.
Uber đã rút khỏi Trung Quốc, nhường sân cho Didi Chuxing. Còn với thương vụ mới nhất vừa rồi, Grab đã loại được một đối thủ nặng cân nhất và gần như trở thành độc chiếm thị trường Đông Nam Á, khi bây giờ chỉ còn lại cái tên Go Jek là cần dè chừng. Trong khi Uber chật vật cạnh tranh với công ty taxi lớn nhất Nhật Bản Nihon Kotsu, Softbank đã âm thầm đứng đằng sau Didi Chuxing để dàn xếp quan hệ hợp tác với một công ty khác làm đối trọng ở Nhật.
Softbank không muốn dừng lại ở một tập đoàn viễn thông, Internet, mà còn tham vọng trở thành nhà đầu tư hùng mạnh nhất trong lĩnh vực công nghệ. Năm 2017, tập đoàn này hợp tác với Saudi Arabia và một số đối tác khác, thành lập quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới với giá trị lên đến 100 tỷ USD. Theo như tờ Business Insider đã nói, với việc đồng ý Softbank trở thành cổ đông lớn nhất của mình, “Uber đã mời hổ vào chuồng gà mất rồi”.
Tham vọng lớn của Softbank
Sự hợp nhất giữa Grab và Uber ở Đông Nam Á không phải là ý tưởng mới. Năm ngoái, nhà mạng Nhật Bản Softbank đã bơm hàng tỷ USD vào Uber để có được tiếng nói trong công ty này. Sau thương vụ, có nhiều đồn đoán cho rằng hai hãng gọi xe này sẽ về một nhà, vì đại diện Softbank cũng có chân trong ban điều hành của Grab.
“Softbank sẽ đóng vai trò hợp nhất”, nguồn tin thân cận với Grab nói hồi năm ngoái. Nguồn tin này cũng cho rằng, với việc Softbank có chân trong ban giám đốc của cả hai hãng gọi xe, việc đàm phán giữa hai bên có thể tiến triển tốt hơn.
Tờ Independent phiên bản Singapore cho biết nếu có hợp nhất, Grab và Uber vẫn sẽ tồn tại như hai ứng dụng riêng biệt, nhưng phần vận hành phía sau sẽ gom thành một. Điều này có nghĩa là những khuyến mại, các chương trình giảm giá có thể sẽ bị cắt giảm.
Việc chuyển giao thị trường Đông Nam Á cho Grab có thể giúp Uber tập trung hơn vào các khu vực khác có lợi nhuận tốt hơn.
Tuy nhiên, Dara Khosrowshahi – CEO Uber – hồi tháng 11/2017 cho biết việc sáp nhập giữa hai bên khó có thể xảy ra. Ông cũng nói rằng khu vực này đang được rót vốn rất mạnh để tăng trưởng và việc thay đổi kế hoạch sẽ không xảy ra trong tương lai gần.
Sự hợp nhất giữa hai công ty tiêu biểu nhất trong việc gọi xe có thể có lợi cho họ trong việc tiết kiệm chi phí vận hành và tập trung nguồn lực, tuy nhiên người dùng có thể không hưởng lợi do khi không còn đối thủ cạnh tranh, giá cước có thể tăng lên.