Đến nay, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đang phải còng lưng trả nợ những khoản vay “khổng lồ”.
10 năm vẫn chưa nhận được hỗ trợ theo cam kết
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Vidifi thông tin, năm 2007, Thường trực Chính phủ đã quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) huy động vốn và thành lập Vidifi để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc ô tô Hà Nội – Hải Phòng trong bối cảnh quốc lộ 5 đã quá tải nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công-tư (PPP), Nhà nước cần phải tham gia từ 30-50% tổng vốn đầu tư, phần còn lại do nhà đầu tư tham gia vốn và được hoàn vốn đầu tư bằng thu phí. Như vậy, tổng mức đầu tư của dự án cao tốc này khoảng 44.818 tỷ đồng thì Nhà nước cần phải góp vốn tham gia ngay từ đầu khoảng từ 13.000-22.000 tỷ đồng.
Tại dự án cao tốc này, Chính phủ đã quyết định thực hiện theo cơ chế thí điểm, trong đó Vidifi đi vay của VDB với lãi suất sát với lãi suất thị trường (lãi suất giai đoạn 2008-2011) khoảng 14-15%/năm, những năm gần đây khoảng 10%/năm để đầu tư dự án.
Sau khi hoàn thành tuyến đường, phần tham gia vốn Nhà nước và dự án được ngân sách Nhà nước bố trí một phần, một phần được sử dụng từ Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.
Đối với phần tham gia trực tiếp của Nhà nước, ngân sách Nhà nước bố trí thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.069 tỷ đồng, trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD-khoảng 6.690 tỷ đồng, thời gian từ 13-30 năm).
“Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn cho Vidifi. Thậm chí, Vidifi cũng đã nhiều lân làm việc với các bộ liên quan nhưng đến giờ vẫn chưa được hỗ trợ với những cam kết của Nhà nước tại thời điểm hình thành dự án” – Tổng giám đốc Vidifi bày tỏ.
Nhà đầu tư “mua” cao tốc đến rồi lại đi
Theo Vidifi, từ khi dự án bắt đầu triển khai đến nay đã được 10 năm, các khoản Nhà nước cam kết trả cho nhà đầu tư theo quyết định số 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa được thực hiện. Do đó, VIDIFI vẫn đang phải tiếp tục vay VDB với lãi suất khoảng 10%/năm, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, khoản Tiền sử dụng đất của khu đô thị Gia Lâm (hơn 4.700 tỷ đồng) đến nay, Tổng công ty vẫn chưa nhận được, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án, dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của VDB, không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn được Chính phủ bảo lãnh, ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài…
Do đó, Vidifi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để Vidifi sớm nhận được một phần Tiền sử dụng đất của Khu đô thị Gia Lâm theo cam kết của Nhà nước để hoàn trả khoản tiền đã vay của VDB.
Không những mang nỗi lo về việc phải trả nợ các khoản vay mà việc chậm thực hiện các chính sách tham gia của Nhà nước vào dự án cũng ảnh hưởng đến việc bán quyền thu phí của dự án cho các đối tác nước ngoài.
Lãnh đạo Vidifi tiết lộ, hiện đã có các nhóm nhà đầu tư đến từ Australia và châu Âu quan tâm tới dự án, đặt vấn đề chuyển nhượng một phần dự án.
Tuy nhiên, qua các cuộc làm việc, các nhà đầu tư hiện nay đều băn khoăn, chưa đi vào đàm phán, thỏa thuận chi tiết các điều kiện chuyển nhượng vì lo ngại các khoản cam kết hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng.
Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sau hơn 3 năm đưa vào khai thác vẫn đảm bảo tốc độ 120km/h , suất đầu tư sau 9 tháng kiểm toán được kết luận đạt theo quy định của Bộ Xây dựng đưa ra (10,4 triệu USD/km-khoảng 242 tỷ đồng/km) nhưng chất lượng đường đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Những năm đầu, lưu lương phương tiện tăng đều từ 10-15% và với tốc độ này khoảng 12 năm nữa tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ mãn tải. Tuy nhiên, tuyến đường đã được dự trù giải phóng mặt bằng thêm 100m để nếu có mở thêm làn xe thì sẽ không thêm chi phí giải phóng mặt bằng. Tuyến cao tốc này được quy hoạch cho 50-80 năm sau”- ông Tỉnh cho hay.