Mặc dù có tâm huyết với nghề nhưng do mức lương thấp, nhiều nhân viên y tế, bác sĩ tại một số bệnh viện đã bỏ nghề… trong đó có hàng loạt nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM. Việc nhân viên y tế nghỉ việc đã gây không ít trở ngại cho bệnh viện trong công tác chữa bệnh, cấp cứu cho người dân.
Nghỉ việc vì lương không đủ sống
Tại Trung tâm Cấp cứu 115, TPHCM (TTCC 115) đã có hàng loạt nhân viên y tế bỏ nghề, tại đây người có lương thấp nhất khoảng hơn 1,6 triệu đồng/tháng, bác sĩ từ 4-6 triệu đồng/tháng. “Thu nhập thấp không đủ để trang trải cuộc sống, còn công việc lại nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây áp lực thì làm sao có thể bám nghề” – một nhân viên y tế của TTCC 115 chia sẻ.
Theo BS Nguyễn Duy Long – Giám đốc TTCC 115 – hiện nay điều kiện kinh tế phục vụ hoạt động của trung tâm còn khó khăn, hưởng ngân sách 100%. Năm vừa qua có 23 cán bộ, công nhân viên của trung tâm xin nghỉ việc do chế độ lương thấp (trong đó có 6 bác sĩ, 1 y sĩ, 6 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, 3 lái xe, 1 bảo vệ). Người có lương thấp nhất khoảng 1,6 triệu đồng/tháng, bác sĩ từ 4-6 triệu đồng/tháng. Hiện trung tâm chỉ còn 16 bác sĩ, 60 điều dưỡng, 15 dược sĩ, 12 y sĩ, 22 lái xe…
Ngoài vấn đề lương thấp, nguyên nhân khiến nhân viên y tế tại đây bỏ nghề có thể do môi trường làm việc của cán bộ trung tâm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, áp lực với hiện trường đa dạng như ngoài đường, nhà dân, công xưởng… trong khi dụng cụ hỗ trợ còn hạn chế, kíp cấp cứu nhiều lúc phải chịu áp lực khi cấp cứu vào ban đêm, cấp cứu cho những trường hợp tai nạn giao thông, say sỉn, thân nhân bệnh nhân vây quanh can thiệp chuyên môn…
Ngoài tình trạng nhân viên y tế tại TTCC 115 đồng loạt bỏ việc, một số bác sĩ ở các bệnh viện khác cũng nghỉ việc vì lương thấp. Tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM (BVUB), năm 2017 thu nhập trung bình đối với các cán bộ viên chức toàn bệnh viện khoảng 6,9 triệu đồng/tháng, tăng 600.000 đồng so với năm 2016.
Toàn bệnh viện có khoảng 420 bác sĩ, trong năm 2017 có 4 bác sĩ đã bỏ việc để chuyển sang bệnh viện tư làm. Mặc dù con số này chỉ chiếm khoảng 1% nhưng đã gây trở ngại trong công tác khám-chữa bệnh của bệnh viện.
TS-BSCK2 Diệp Bảo Tuấn – Phó Giám đốc BVUB – cho biết, đa số những người nghỉ làm để đi làm việc ở chỗ khác do mức thu nhập. “Việc bác sĩ nghỉ làm ở bệnh viện công sang bệnh viện tư tồn tại ở nhiều bệnh viện. Đây là mối bận tâm hàng đầu của lãnh đạo bệnh viện. Bởi bác sĩ nghỉ làm chủ yếu là bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm hơn chục năm công tác…
Khi các bác sĩ này đột ngột nghỉ việc, thì khó kiếm được đội ngũ bác sĩ khác thay thế. Đối với ngành ung thư, để đào tạo một bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 phải mất hơn chục năm… Tuy nhiên, đó là quyết định cá nhân khó có thể giữ chân họ” – TS-BSCK2 Diệp Bảo Tuấn chia sẻ.
Làm gì để “níu chân” nhân viên y tế, bác sĩ?
Tại TTCC 115, để “níu chân” nhân viên y tế, giải quyết những vấn đề còn khó khăn tại đây, BS Nguyễn Duy Long đề xuất tăng thu nhập cho nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện, đồng thời kiến nghị lãnh đạo UBND thành phố phê duyệt đẩy nhanh tiến độ dự án triển khai trung tâm điều hành thông minh. Bên cạnh đó, tăng số xe cấp cứu từ 2 chiếc lên 3 chiếc đối với các trạm vệ tinh.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp tăng hiệu quả trong quá trình công tác quản lý, điều phối mạng lưới cấp cứu ngoại viện; tăng khả năng giám sát, đánh giá của người dân trong hoạt động cấp cứu, tiết kiệm nhân lực, hạn chế thất thu… Ngoài ra, cần xây dựng chương trình đào tạo cấp cứu cho mạng lưới cấp cứu ngoại viện và cho cộng đồng vừa đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng hoạt động cấp cứu ngoại viện, vừa đáp ứng cho nhu cầu xã hội” – BS Long cho biết thêm.
PGS-TS Ngô Minh Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM – cho biết, nhu cầu cấp cứu ngoại viện, chăm sóc cấp cứu tại nhà của người dân thành phố ngày càng cao, lực lượng cứu hộ 115 là cần thiết.
“Hiện tại chưa có một cơ sở nào đào nhân sự cho TTCC 115, chưa có chương trình đào tạo chính quy. Trước mắt nếu được đồng ý mở mã ngành mới, trường sẽ liên kết với Phần Lan mời giảng viên Phần Lan về giảng dạy hoặc cử học viên sang Phần Lan đào tạo ngắn hạn để triển khai chương trình đào tạo cử nhân điều dưỡng theo chuyên ngành cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedic Nursing) nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho TTCC trong tương lai” – PGS-TS Ngô Minh Xuân nói.
Về vấn đề khó khăn của TTCC 115, tại buổi làm việc với trung tâm ngày 10.5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã chia sẻ, với môi trường việc luôn xảy ra áp lực, điều kiện làm việc thiếu thốn nhưng các anh, chị em nhân viên trung tâm vẫn ở lại bám trụ với nghề, mặc dù với năng lực đó có thể xin vào những nơi có điều kiện tốt hơn, thu nhập cao hơn…
Bà Thu cho rằng, về chính sách thu nhập cho cán bộ nhân viên trung tâm cần được nghiên cứu kỹ trên cơ sở nào đề nghị khoản hỗ trợ; kinh phí thành lập trung tâm điều hành thông minh cần xem xét lại, đặc biệt là tên đề án để trình UBND, trước mắt cần đầu tư chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng ốc, đồng bộ…
“Chủ trương của thành phố là đầu tư chăm sóc tốt sức khỏe, kịp thời cứu cho người dân các nơi về thành phố. Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho dân thì đội ngũ nhân viên y tế phải khỏe và bám được với nghề. Mong thời gian tới, lãnh đạo trung tâm cần quan tâm đến điều kiện, môi trường, sức khỏe của anh em nhân viên; trang bị những công cụ bảo vệ cho cán bộ, nhân viên trung tâm.
Về lâu dài, ngành y tế thành phố cần có cơ chế chính sách hỗ trợ thu nhập cho nhân viên của trung tâm, giúp các y-bác sĩ làm công tác rất đặc thù là cấp cứu người bệnh ở môi trường bên ngoài BV an tâm công tác và gắn bó lâu dài” – bà Thu nhấn mạnh.
Lương thấp, hàng loạt bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ việc
Ngày 11.5, chia sẻ với PV Báo Lao Động, bác sĩ Văn Công Minh – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long – cho biết, hiện nay bệnh viện đang rơi vào tình cảnh thiếu hụt đội ngũ y-bác sĩ do thời gian qua, nhiều người nghỉ việc. Cụ thể, năm 2017 có 7 bác sĩ có chuyên môn đào tạo sau đại học, có thâm niên công tác từ 7-8 năm tại bệnh viện, xin nghỉ việc. Đáng lo ngại hơn, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018 lại có thêm 6 bác sĩ nghỉ việc và 11 trường hợp khác đã nộp đơn xin nghỉ việc. Số người đã nghỉ và đang xin nghỉ đều có chuyên môn và thâm niên công tác lâu năm. “Để đảm bảo hoạt động khám-chữa bệnh, các bác sĩ, nhân viên y tế còn lại của bệnh viện phải đảm trách thêm nhiều công việc hơn trước” – bác sĩ Minh nói.
Về nguyên nhân, bác sĩ Minh cho biết, trong đơn xin nghỉ việc, họ chỉ nêu lý do hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, theo khảo sát của ngành y tế thì do thu nhập thấp nên họ xin nghỉ ở bệnh viện công để ra ngoài làm cho tư nhân. Bởi, theo bác sĩ Minh, hiện nay, bác sĩ thâm niên công tác 10 năm tại bệnh viện lương chưa được 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại một số bệnh viện tư mà ông nắm bắt được, lương bác sĩ mỗi tháng từ 20 – 40 triệu đồng, tùy chính sách thu hút của mỗi bệnh viện.
“Chúng tôi đã kiến nghị tỉnh tạo điều kiện về cơ chế để đội ngũ y-bác sĩ công có thu nhập tương đối hơn để đảm bảo đủ trang trải được cuộc sống, thì mới giữ chân họ ở lại được. Nếu không, chắc chắn thời gian tới còn nhiều người xin nghỉ việc nữa” – bác sĩ Minh nói.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long – ông Nguyễn Minh Đức – cho biết, trong năm 2017, tỉnh Vĩnh Long có 19 bác sĩ xin nghỉ việc ở bệnh viện công. Trong đó có cả trưởng, phó khoa và cả lãnh đạo trung tâm y tế. Hiện các bệnh viện, cơ sở y tế công trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt khoảng 300 y-bác sĩ. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long thiếu khoảng 30 y-bác sĩ. TRẦN TUẤN
Tại Bệnh viện quận Thủ Đức, lãnh đạo bệnh viện này cho biết, để giữ chân các bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện đã đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho bác sĩ. Một bác sĩ có thể yên tâm khám-chữa bệnh khi bệnh viện nơi họ công tác đảm bảo được ba yếu tố là đồng lương, điều kiện phát triển chuyên môn và cơ hội học tập, thăng tiến. Với mức lương đảm bảo đủ sống theo mặt bằng chung, điều kiện hàng đầu và tiên quyết để một bác sĩ làm việc, gắn bó với bệnh viện công lập là được tạo điều kiện phát triển chuyên môn, cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn trong nước và nước ngoài…