Đó là thông tin được ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tại hội thảo “quy hoạch đô thị TP.HCM thực tiễn – cơ hội đầu tư” diễn ra sáng nay (30/10).
Quy hoạch chung của TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 đang được đưa ra lấy ý kiến các cơ quan chức năng để trình Chính phủ xem xét, sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và cả vùng.
Theo ông Tuyến, về mặt pháp lý quy hoạch thì cứ 5 năm Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch 1 lần. Nhưng nếu quy hoạch tốt như ở các nước châu Âu thì cả trăm năm vẫn không cần thay đổi.
Do vậy quy hoạch của thành phố trong những năm tới phải tính toán để ít khả năng điều chỉnh bổ sung, chu kỳ ít nhất phải là 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay. Thành phố sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung.
Ông Tuyến cũng cho biết thêm, sắp tới thành phố tiếp tục hoàn thiện và phát triển đô thị mới Thủ Thiêm khi đã giải quyết những tồn đọng thiếu sót chính sách đối với người dân ở đây.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển đô thị thông minh tại quận 1, quận 12 và Thủ Thiêm; xây dựng khu đô thị sáng tạo tại quận 2, quận 9 và Thủ Đức để mời gọi các doanh nghiệp có quan tâm đến vấn đề đột phát, sáng tạo tham gia. Thành phố cũng sẽ phát triển đô thị du lịch sinh thái ở Cần Giờ với quy mô khoảng 2.800 ha, dự án đô thị giáo dục ở phía Tây Bắc.
Ông Tuyến cũng thông tin thêm rằng, thành phố sẽ chú trọng phát triển đô thị cảng ở khu vực quận 9, Nhà Bè, quận 2; phát triển khu công nghệ cao tại một số khu vực; đồng thời tập trung phát triển khu đô thị ven sông để giải quyết vấn đề của khoảng 20.000 hộ dân đang sống ở trên và ven kênh rạch.
“Ví dụ như khu vực kênh đôi quận 8, nếu giải quyết được khoảng 8.000 hộ dân thì có thể thu hút được diện tích đất lớn để xây dựng khu đô thị ven sông ngay trung tâm thành phố. Thành phố sẽ mời gọi đầu tư dự án này như hướng phát triển ở một số thành phố lớn ở Hàn Quốc và Nhật Bản với các khu đô thị ven sông, ven kênh”, ông Tuyến cho hay.
Còn theo ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, hiện tại cấu trúc đô thị của thành phố vẫn là lan toả, mở rộng từ trung tâm với mô hình nhà ở riêng lẻ. Điều này dẫn tới cấu trúc sử dụng đất chưa hiệu quả, gây áp lực về giao thông, nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và chưa thể hiện được mô hình đa cực theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố gắn với bản sắc và sẽ bám chặt các kịch bản, chủ trương lớn như nước biển dâng, đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía đông, phát triển khu đô thị du lịch Cần Giờ.
“Thành phố sẽ không điều chỉnh hết mà xác định mục tiêu ưu tiên, có giá trị cho từng giai đoạn. Trong đó tiếp tục chỉnh trang khu đô thị hiện hữu, gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm, điều tiết phân bổ lại dân cư”, ông Thảo nói.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, cho rằng những vấn đề quy hoạch của TP.HCM và kể cả vấn đề sử dụng đất mặc dù đã làm rất nỗ lực nhưng chưa được xem là hiệu quả.
“Trong lần quy hoạch mới, tôi vẫn tâm huyết rằng chúng ta có thể làm tốt hơn. Từ công tác quy hoạch có thể nhìn thấy rằng Việt Nam đang phát triển trong vòng 20 – 50 năm tới. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các quy hoạch có giá trị hàng trăm năm”, ông Quang nói.
Tại hội thảo, ông Tuyến cũng thừa nhận hiện TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức do quá trình phát triển nhanh để lại.
Trong đó thách thức lớn nhất là vấn đề kẹt xe và giao thông kết nối của thành phố còn thấp. Theo chuẩn về mật độ giao thông của cả nước, 1km2 đất phải có ít nhất 10km đường. Nhưng hiện thành phố chỉ đạt khoảng trên 20%, tức khoảng 1km2 đất thì chỉ có trên 2km đường về giao thông, tỷ lệ thấp nhất cả nước.
Thách thức thứ hai là vấn đề ngập nước. Nguyên nhân một phần là do biến đổi khí hậu và do thành phố phải đối phó với những hạn chế từ quá trình phát triển quá nhanh. Tại khu vực phía tây thành phố, theo các tính toán hiện nay, cứ mỗi một năm độ lún và sụt là 1cm. Mặt khác việc các công trình mọc lên cũng gây cản trở và ách tắc thoát nước.
Thách thức thứ 3 là ô nhiễm môi trường. “Đó là những hạn chế mà trong quá trình phát triển chúng ta quy hoạch một cách khách quan thì chúng ta lại quy hoạch theo mong muốn phát triển”, ông Tuyến nói.