Trái ngược với sự thay đổi của khu nam, khu tây bắc TP Hồ Chí Minh bao năm qua chưa khai thác, chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế. Chuyển hướng, tập trung đầu tư để “đánh thức” khu đô thị này đang là phương án được thành phố hướng đến.
Cần đòn bẩy giao thông
Theo quy hoạch đã được TP Hồ Chí Minh phê duyệt, khu đô thị phía tây bắc nằm gọn tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, với diện tích hơn 9.000 ha. Ðây sẽ là một trung tâm thương mại, y tế, thể dục, thể thao… cấp thành phố, với 11 phân khu chức năng như khu trung tâm công cộng, khu thương mại, dịch vụ, y tế, công nghiệp, kho bãi trung chuyển… Tầm quan trọng và quy mô là vậy, nhiều dự án xây dựng khu đô thị (KÐT) cũng được cấp phép. Tuy nhiên, sau đó vì khó khăn, nhà đầu tư phải thu hẹp dự án, thậm chí có nhà đầu tư xin trả lại dự án khiến sau hơn 10 năm quy hoạch, khu đô thị vẫn chưa hình thành. Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ khu vực này chưa phát triển được là do thiếu giao thông kết nối với khu trung tâm. Hiện nay, muốn tới KÐT này gần như chỉ có một con đường là quốc lộ 22. Trong nhiều năm, tuyến đường này đã rơi vào tình trạng quá tải, thường xuyên ùn tắc giao thông tại các nút cửa ngõ. Một nguyên nhân khác khiến khu tây bắc thành phố chậm phát triển là do chưa được quan tâm đúng mức, bởi nhiều năm trước, TP Hồ Chí Minh chỉ tập trung phát triển khu nam và khu đông thành phố. Trong khi đó, khu tây bắc chỉ là hướng phát triển phụ mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế về dân cư và địa hình.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Tám, hạ tầng giao thông như một “cây đũa thần” để phát triển khu tây bắc. Ðể phát triển kinh tế khu vực này, không còn cách nào khác là phải đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Thời gian qua, thành phố đầu tư nhiều dự án đường hướng tâm như quốc lộ 22, đường Phan Văn Hớn, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 15… Một trong những dự án trọng điểm để tháo nút thắt cho cửa ngõ tây bắc đang được thi công gấp rút là nút giao thông An Sương (quận 12). Công trình này sẽ tạo thông thoáng cho trục đường huyết mạch từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền đông, miền tây và ngược lại; cũng như từ trung tâm thành phố về huyện Củ Chi, tỉnh Tây Ninh…
Chuyển hướng phát triển
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, thành phố định hướng phát triển với hai hướng chính là hướng đông và hướng nam ra biển và hai hướng phụ là hướng tây bắc và hướng tây – tây nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần rà soát lại các hướng phát triển thành phố; trong đó, đẩy mạnh phát triển về phía đông – khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi về địa chất, thủy văn và quỹ đất để phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh; kết nối với sân bay Long Thành và nhiều cực động lực của vùng như Biên Hòa, Nhơn Trạch… Tập trung hình thành KÐT khoa học – công nghệ đông bắc với hạt nhân là khu công nghệ cao, các làng đại học, công viên khoa học… Thành phố cũng đang xem xét tiềm năng ưu tiên phát triển về hướng tây bắc vì khu vực này còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị, giá đất còn rẻ; kết nối về phía tỉnh Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài… Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh phát triển KÐT cảng Hiệp Phước theo quy hoạch, sớm hình thành KCN – logistics cảng kết hợp KÐT hoàn chỉnh ở phía nam. Thành phố cũng sẽ bổ sung chức năng du lịch sinh thái biển ở KÐT lấn biển Cần Giờ, với lưu ý về mức độ và hình thái phát triển đô thị đối với khu vực sinh thái nhạy cảm này trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Ðánh giá về việc chuyển hướng phát triển của thành phố, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Việc chuyển hướng phát triển lên phía tây bắc là cần thiết nhằm ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng trong tương lai gần, mà thành phố là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong điều kiện phần lớn diện tích thành phố nằm trên khu vực thấp. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh có cao độ thấp, chỉ từ 0,5m (Nhà Bè, Cần Giờ) đến khoảng 32 m (đồi Long Bình, quận 9). Vùng trũng thấp của thành phố ở phía nam – tây nam – đông nam thuộc các quận: Nhà Bè, Bình Chánh, 7, 8, 2, một phần quận 9 và huyện Cần Giờ. Trong khi đó, vùng cao nằm ở phía bắc – đông bắc – tây bắc thuộc các huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp. Ðịa hình của thành phố thấp dần từ bắc – tây bắc xuống nam – đông nam – tây nam. Hệ thống sông Sài Gòn theo chế độ bán nhật triều làm tăng thêm khó khăn cho việc thoát nước. Theo kịch bản, nếu nước biển dâng chỉ 0,5m thì TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập rất nhiều khu vực.
Ðể thành phố phát triển bền vững, thành phố cần xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối huyết mạch, trong đó tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn từ Bến Súc, huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn, các quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh về quận 1 đang được nhà đầu tư xin phép xây dựng là một dự án cần thiết để vực dậy một vùng đất đang “ngủ quên”. Khi đại lộ ven sông Sài Gòn được đưa vào quy hoạch và có lộ trình triển khai, thực hiện phù hợp thì sẽ tăng thêm tuyến đường song song với quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) kết nối bằng tỉnh lộ 8 và các đường ngang khác, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cả khu vực phía tây bắc của thành phố, lan tỏa sang các huyện Thuận An, Bến Cát, tỉnh Bình Dương; huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An và huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Theo: Vũ Nguyên/ Nhân dân